25/01/2012 | 18:44:00

Quản lý kinh thành trong điều kiện chiến tranh

Kinh đô nước Đại Việt thời Lý - Trần với biểu tượng Rồng bay bắt đầu được xây dựng từ đời vua Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ). Từ đó, Thăng Long đã vươn lên mạnh mẽ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, xứng đáng là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa đất nước.
 
Chiếu dời đô đã nêu cao vị trí trung tâm cùng với những điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội rất thuận lợi của đất Thăng Long. Thăng Long nằm giữa vùng đồng bằng đông dân, trù phú, lại ở vào nơi đầu mối của các đường giao thông thủy bộ. Đó là nơi hội tụ và tỏa rộng của mạng lưới giao thông, là vị trí “chính giữa Nam Bắc Đông Tây”, trung tâm của cả vùng châu thổ sông Hồng. Từ một làng nhỏ ven sông Tô, rồi qua thành Vạn Xuân của nhà Tiền Lý, thành Tống Bình và Đại La thời đô hộ Tùy - Đường, đến đầu thế kỷ XI, đất Thăng Long đã trở thành một vùng dân cư đông đúc, kinh tế phát triển.
 
Sau khi dời đô về Thăng Long, công việc đầu tiên của nhà Lý là xây dựng các cung điện làm nơi ở, nơi làm việc của vua quan, quý tộc và xây đắp thành lũy bảo vệ. Trải qua triều Lý rồi triều Trần, Thăng Long được xây dựng ngày một nguy nga, lộng lẫy với “những kiến trúc trạm trổ khéo léo, những công trình thổ mộc đẹp đẽ, xưa chưa từng có”.
 
Ngay từ thời Lý, Kinh đô Thăng Long đã gồm ba vòng thành: trong cùng là Cấm Thành, bao quanh khu Đại Nội gồm các cung điện của vua và triều đình; thứ đến là Hoàng Thành, đắp đất kè đá, phía ngoài có hào, mở bốn cửa; và ngoài cùng là thành Đại La hay còn gọi là Thăng Long thành ngoại. Cụm kiến trúc trung tâm của thành Thăng Long được xây dựng từ những năm đầu thời Lý gồm tám điện và ba cung, như sử cũ đã chép: “Phía trước dựng điện Càn Nguyên làm chỗ coi chầu, bên tả làm điện Tập Hiền, bên hữu dựng điện Giảng Võ, lại mở cửa Phi Long thông với cung Nghênh Xuân, cửa Đan Phượng thông với cửa Uy Viễn, hướng chính Nam là điện Cao Minh, đều gọi là thềm rồng; bên trong thềm rồng có nhà mái cong, hàng hiên bao quanh bốn mặt. Sau điện Càn Nguyên dựng điện Long An và Long Thụy làm nơi nghỉ ngơi; bên tả là điện Nhật Quang, bên hữu làm điện Nguyệt Minh; đằng sau dựng hai cung Thúy Hoa và Long Thụy làm chỗ ở cho cung nữ”[1]. Hoàng Thành được canh giữ nghiêm ngặt. Mười vệ Điện tiền Cấm quân thay nhau canh phòng và bảo vệ Cấm Thành.
 
 Triều Lý tồn tại gần 216 năm (1009-1226). Trong thời gian đó, nhất là vào giai đoạn thịnh đạt của vương triều, nhà Lý đã giành khá nhiều công sức và tiền của để kiến thiết Kinh thành, xây dựng nhiều công trình đồ sộ. Nhiều cung điện, lầu gác trong hoàng cung có quy mô khá lớn cả về bề rộng và chiều cao. Lầu vua ngự cao đến bốn tầng. Trên điện Phụng Thiên dựng lầu Chính Dương để xem giờ khắc. Trên điện Thường Xuân dựng gác Long Đỗ làm nơi nghỉ ngơi, dạo ngắm. Phía ngoài xây hai lầu chuông ở hai bên thềm rồng để “nhân dân ai có việc kiện tụng, oan uổng thì đánh chuông lên”.
 
Về quy mô cấu trúc, Thăng Long thời Trần hầu như không khác mấy so với thời Lý. Trong 175 năm đóng đô ở đây (1226-1391), nhà Trần tận dụng tất cả các lâu đài, cung điện có từ trước; đồng thời tu bổ, mở mang và kiến tạo thêm một số công trình mới. Hai vòng thành phía trong vẫn dựa vào thành cũ nhà Lý. Đến năm 1242, nhà Trần đắp lại thành trong và đổi tên là Long Phượng thành. Các cửa Hoàng Thành và Long Phượng thành được xây dựng đẹp và kiên cố theo lối cửa tam quan, gồm cổng chính ở giữa và hai cổng phụ, trên cổng có lầu gác. Những đội quân Cấm vệ tinh cậy nhất, tuyển từ các lộ Thiên Trường và Trường Yên, được giao nhiệm vụ canh gác nghiêm ngặt, bảo vệ Hoàng Thành và Long Phượng thành. Năm 1230, nhà Trần xây dựng, sửa chữa lại các cung thất. Nơi vua ở gọi là cung Quan Triều, nơi Thái Thượng hoàng ở gọi là cung Thánh Từ. Trong quần thể kiến trúc ở hoàng cung còn có điện Thiên An, điện Bát Giác và điện Diên Hiền; hai điện Tập Hiền và Thọ Quang là nơi tiếp sứ thần các nước; điện Diên Hồng là nơi diễn ra Hội nghị bô lão trong cuộc kháng chiến chống Nguyên (1284); cung Lệ Thiên và cung Thường Xuân dành cho các cung nữ; Sử Cung là chỗ ở của Thái Tử...
 
Phía ngoài Hoàng Thành là khu thị dân, khu dân cư, bao gồm những xóm làng nông nghiệp, những phố phường thủ công nghiệp và thương nghiệp với một hệ thống bến, chợ của Kinh thành. Kinh tế công thương nghiệp từng bước phát triển, tầng lớp thị dân ngày một đông hơn.
 
Như vậy, Thăng Long với kiến trúc ba vùng thành bao bọc lẫn nhau, kiểu cấu trúc “trong thành ngoài thị” đã sớm được hoạch định và phát triển. Từ một trung tâm chính trị, Thăng Long phát triển thành một thành thị với những đặc điểm cấu trúc của các thành thị phương Đông thời trung đại.
 
Thăng Long thời Lý - Trần thấm đượm tinh thần thượng võ. Trong Hoàng Thành, nhà Lý lập điện Giảng Võ làm nơi huấn luyện, bàn bạc việc binh. Ở phía Nam thành Đại La xây dựng Xạ Đình để vua và các võ quan đến tập cưỡi ngựa và bắn cung là nơi rèn tập võ nghệ. Đến thời Trần, năm 1253, lập Giảng Võ đường, trường võ bị cao cấp đầu tiên của nước ta, nơi vua Trần cùng các võ quan, tướng lĩnh học tập binh pháp và là nơi đào tạo cả một đội ngũ tướng lĩnh tài danh nổi tiếng của triều Trần. Một số cung điện được xây dựng phía ngoài Hoàng Thành, như điện Hàm Quang (thời Lý), điện Phong Thủy (thời Trần) ở bến Đông Bộ Đầu, bên sông Nhị Hà hoặc cung Dâm Đàm ở Tây Hồ để vua ngự xem đua thuyền và duyệt thủy trận.
 
Với sự phát triển mạnh mẽ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và quân sự, Thăng Long thời Lý - Trần đã xứng đáng là vị trí trung tâm của đất nước, vừa quy tụ tinh hoa của dân tộc, vừa tỏa chiếu ảnh hưởng ra cả nước. Nhân dân Kinh thành tự hào về Kinh đô với nền văn hóa Thăng Long nổi tiếng, tiêu biểu cho nền văn hóa, văn minh Đại Việt.
 
Thăng Long nổi tiếng là thế, nhưng việc bảo vệ, quản lý Kinh thành như thế nào, nhất là trong thời kỳ có chiến tranh? Là Thủ đô của một đất nước thường xuyên bị đe dọa bởi các thế lực ngoại xâm, nên Thăng Long cũng luôn phải chịu sức ép của chiến tranh và thường phải trải qua những cơn binh lửa hiểm nghèo. Cuộc kháng chiến chống Tống thời Lý, ba lần chống giặc Mông - Nguyên và những lần phải đối phó với quân Chiêm Thành cướp phá đã đặt Thăng Long trước những thử thách của chiến trận. Do đó, Thăng Long không chỉ có xây dựng và sáng tạo mà còn phải đánh giặc để bảo vệ và giải phóng Kinh thành, giải phóng đất nước.
 
Như trên đã nói, Thăng Long có ba vòng thành, mang ý nghĩa là một thành quân vương, vừa là thành lũy phòng vệ vừa là đê ngăn ngừa lũ lụt. Để bảo vệ Kinh thành, triều Lý và triều Trần rất quan tâm đến xây dựng đội ngũ Cấm quân - những đội quân cấm vệ với đội ngũ đông nghiêm và tinh nhuệ. Cấm quân là quân chủ lực của triều đình, được tuyển chọn và đào luyện hết sức cẩn thận, trở thành những đội thân binh (thân quân) rất mực trung thành, được gọi là Thiên tử quân, hay Điện tiền cấm quân, thường xuyên thay nhau túc trực, bảo vệ vua và triều đình. Sử gia Phan Huy Chú nhận xét: “Đến đời nhà Lý và nhà Trần, đặt quân hiệu có phần kỹ càng hơn... trong thành vua có quân túc vệ đội ngũ đông nghiêm”[2]. Các cửa thành Đại La có đội ngũ Sương quân bảo vệ; các cửa Hoàng Thành và Long Phượng thành có quân cấm vệ canh phòng.
 
Thăng Long là Kinh đô của cả nước, là trung tâm quyền lực của vương triều, nên việc quản lý và bảo vệ Kinh thành trước hết thuộc nhà vua, triều đình và quân đội. Sử cũ nhiều lần chép vua Trần thích vi hành khắp các chốn Kinh kỳ để xem tình hình sinh hoạt và đời sống nhân dân. Tuy nhiên, việc quản lý hành chính trực tiếp ở Kinh thành thường xuyên do Ty Bình bạc phụ trách. Ty Bình bạc tồn tại như một chính quyền địa phương đặc biệt trực thuộc triều đình trung ương. Đến năm 1265, nhà Trần đổi Ty Bình bạc thành Kinh sư An phủ sứ, năm 1341 đổi làm Kinh sư đại doãn, rồi tiếp đến năm 1394 lại đổi thành Trung đô doãn. Người đứng đầu chính quyền Thăng Long được lựa chọn theo một quy chế hết sức chặt chẽ. Theo quy định năm 1265, người đó phải trải qua chức An phủ sứ các lộ và đủ lệ khảo duyệt thì về làm An phủ sứ ở Thiên Trường (Kinh đô thứ hai của nhà Trần), rồi sau đó mới được giữ chức Kinh sư An phủ sứ ở Thăng Long. Thời bấy giờ, khu vực Kinh thành được coi tương đương một phủ, lộ; nhưng do vị trí đặc biệt là Kinh đô nên nhà nước hết sức coi trọng chức quan đứng đầu, coi trọng việc quản lý ở Thăng Long. Nhờ đó, Thăng Long thời Lý - Trần đã tuyển chọn được nhiều viên quan có tài đức vẹn toàn, như thời Trần có Trần Thì Kiến, Nguyễn Trung Ngạn, v.v... Sử viết rằng, Trần Thì Kiến tính người cương trực, trước kia làm môn khách của Hưng Đạo Vương, Vương tiến cử ông, làm An phủ sứ Thiên Trường. Có người trong hương, nhân ngày giỗ đem biếu mâm cỗ, Thì Kiến hỏi vì cớ gì mà biếu. Người ấy trả lời là vì ở gần trị sở nên đem biếu chứ không kêu xin gì. Mấy ngày sau, quả nhiên có việc kêu xin. Thì Kiến móc họng mửa ra. Khi làm quan ở Kinh đô, mỗi khi có kiện tụng, ông dùng lý lẽ mà bắt bẻ, việc đến thì tìm phương pháp để ứng phó. Người đời cho đó là một vị quan thanh liêm, giỏi xét đoán ở kinh thành.
 
Cuộc kháng chiến chống Tống diễn ra trong các năm 1075-1077. Lúc đó Càn Đức tức Lý Nhân Tông lên nối ngôi còn chưa đầy 10 tuổi. Ỷ Lan phu nhân được tôn làm Linh Nhân hoàng thái hậu đã cùng với Thái úy Lý Thường Kiệt và Thái sư Lý Đạo Thành lo giữ yên vương triều, Kinh thành và xã tắc. Ỷ Lan là người phụ nữ yêu nước có tài năng, có nhiều cống hiến trong việc tham gia quản lý Thăng Long và triều đình. Trước đó, năm 1069, khi Lý Thái Tông và Lý Thường Kiệt xuất chinh đánh dẹp quân Chiêm Thành quấy phá biên giới phía Nam, bà được giao quyền cai quản ở Kinh đô Thăng Long. Bà thay vua quản lý, điều hành mọi việc rất giỏi, giữ Kinh đô yên ổn, lòng người cảm phục.
 
Giúp việc nước bấy giờ có Lý Thường Kiệt và Lý Đạo Thành. Với cương vị Phụ quốc Thái úy, Lý Thường Kiệt nắm giữ binh quyền và là linh hồn của cuộc kháng chiến chống Tống. Ông đã tổ chức và lãnh đạo thành công cuộc kháng chiến giữ nước vẻ vang này. Bằng cuộc tiến công trước để phá các căn cứ xuất phát xâm lược của quân Tống ở Ung Khâm - Liêm bằng phòng tuyến Như Nguyệt, ông đã lãnh đạo quân dân Đại Việt đánh bại quân xâm lược, bảo vệ an toàn cho Kinh đô Thăng Long.
 
Những người con ưu tú đó luôn tỏa sáng, làm rạng rỡ lịch sử Kinh thành, góp phần làm cho Kinh đô Đại Việt thời Lý luôn yên ổn, đứng vững trước các mối đe dọa của ngoại xâm.
 
Trong ba lần kháng chiến chống xâm lược Mông - Nguyên hồi thế kỷ XIII, triều Trần và quân dân ta đều phải tạm thời rút khỏi Thăng Long. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử của mình, nhân dân Thăng Long thực hiện sơ tán để đánh giặc. Trước khi rời khỏi Kinh thành, triều đình di chuyển tất cả kho tàng, của cải và nhân dân 61 phố phường được lệnh làm kế “thanh dã”, không để cho mảy may lương thực, của cải lọt vào tay giặc. Trong lần sơ tán đầu tiên thắng lợi, công lao to lớn thuộc về Linh từ quốc mẫu Trần Thị Dung, vợ Thái sư Trần Thủ Độ, người sáng lập vương triều Trần. Bà đã đứng ra tổ chức cho hoàng gia và gia đình các tướng sĩ đang chiến đấu ngoài mặt trận, rời khỏi Kinh thành một cách an toàn. Tại nơi sơ tán, bà còn lo sắp xếp lại cuộc sống và thu góp vũ khí cung cấp cho quân đội đánh giặc.
 
Cả ba lần kháng chiến, quân giặc đều chiếm được Kinh thành, nhưng chỉ còn là một toà thành trống rỗng. Giặc chiếm được Kinh thành chỉ là hình thức, trong thực chất chúng không thể tiêu diệt được quân đội và triều đình, do đó không thể coi là đã giành được thắng lợi quyết định. Chiến lược đánh nhanh thắng nhanh và cướp lương thực tại chỗ để nuôi quân của chúng bị thất bại, quân Mông - Nguyên bị dẩy vào tình thế ngày càng khó khăn. Chúng điên cuồng tàn phá kinh thành và sục sạo ra các vùng lân cận để cướp lương thực. Nhưng đến đâu chúng cũng gặp phải sức kháng cự quyết liệt của các đội dân binh làng chiến đấu của nhân dân Kinh thành.
 
Qua ba lần thử thách, Thăng Long đã xứng đáng là Thủ đô anh hùng của một đất nước anh hùng. Lịch sử còn lưu truyền nhiều sự tích của thời kháng chiến chống Mông - Nguyên. Bia đình làng Cổ Sở (Yên Sở, Hoài Đức, Hà Tây) còn ghi chiến công của nhân dân trong hai lần kháng chiến năm 1258 và 1285; đình làng Giảng Võ (Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội) thờ “Bà Chúa Kho”, người phụ nữ đất Thăng Long đã có công cất dấu, phân tán tất cả của cải, lương thực trong kho quyết không để lọt vào tay giặc. Đình Ngọc Hồi thờ ba anh em họ Lỗ, từng mộ quân đánh giặc giữ làng... Dù bằng hình thức nào, người dân Thăng Long đã biểu lộ và chứng minh phẩm giá cao quý và lẽ sống thiêng liêng của dân tộc: tất cả vì Tổ quốc, vì Thủ đô yêu quý của mình.
 
Điều đáng nói là tại sao trong cả ba lần chiến tranh ác liệt như vậy, mà Thăng Long đều đã tổ chức sơ tán nhanh chóng và thành công? Tại sao khi triều đình, quân đội và nhân dân 61 phố phường Thăng Long ra đi mà an ninh ở Kinh thành vẫn được bảo đảm? Điều đó không phải ngẫu nhiên có được, mà hẳn là kết quả của một quá trình chuẩn bị từ trước của chính quyền và nhân dân Thăng Long. Việc tổ chức sơ tán triều đình, quân đội, kho tàng và nhân dân cả một Kinh đô đâu phải dễ dàng. Chính vì vậy, công tác tổ chức, quản lý Kinh đô trong thời chiến phải hết sức quy củ, khoa học cụ thể. Phải dời bỏ phủ đệ, nhà cửa, vườn tược và quê hương ra đi thì lòng người từ trong hoàng tộc đến dân chúng các phố phường, làng xã phải thông suốt và sẵn sàng. Điều đó chứng minh công tác quản lý giỏi ở Kinh thành Thăng Long thuở ấy; điều đó cũng chứng tỏ tài năng thao lược, tầm nhìn chiến lược xa rộng của triều đình nhà Trần, mà tiêu biểu là các vua Trần, các tướng lĩnh và những nhà lãnh đạo, quản lý Kinh thành. Phải dự báo trước tất cả mọi tình huống. Việc thực hiện kế thanh dã (vườn không nhà trống) kết hợp với chiến tranh nhân dân đánh giặc của nhân dân Thăng Long cũng chẳng phải ngẫu nhiên, mà đó là kết quả của công tác tổ chức của chính quyền và do tinh thần yêu nước, truyền thống đánh giặc của nhân dân. Tuy sử cũ không phản ánh đầy đủ các vấn đề đó, nhưng tất cả đều để lại những bài học rất đáng suy ngẫm và kế thừa.
 
Thực hiện “Thăng Long phi chiến địa”, rút lui bảo toàn lực lượng, tránh cho Kinh đô khỏi sự tàn phá do chiến trận để rồi sau đó bất ngờ tiến công giải phóng khi quân thù đã mệt mỏi, suy yếu cũng là một đặc điểm của cuộc kháng chiến chống Mông - Nguyên và cũng là điểm nổi bật trong công tác tổ chức, lãnh đạo và quản lý Thăng Long thời Trần trong thời kỳ có chiến tranh.
 
Tóm lại, Kinh đô Đại Việt thời Lý - Trần đã vươn lên như Rồng bay trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, xứng đáng là trung tâm của cả nước. Công cuộc xây dựng, chiến đấu bảo vệ và quản lý Thăng Long trong thời bình cũng như trong điều kiện chiến tranh thời Lý - Trần đã để lại nhiều bài học quý giá, có ý nghĩa lớn lao cho quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô anh hùng của chúng ta./.

(Thanglonghanoi/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark