31/12/2009 | 18:07:00

Rực rỡ sắc hoa xuân giữa Thủ đô ngàn năm tuổi

Cảnh đẹp bên hồ Hoàn Kiếm trong ngày lễ hội hoa. (Ảnh:Nhật Anh/TTXVN)

Ngày cuối cùng của năm 2009, tiết trời Hà Nội trở nên khô ráo, ấm áp. Khu vực hồ Hoàn Kiếm, trung tâm của Thủ đô Hà Nội, nơi đang diễn ra Lễ hội Hoa chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội bừng lên sắc xuân với muôn ngàn đóa hoa đua sắc.

Từ sáng sớm, hàng nghìn người từ khắp nơi trong thành phố và du khách đã đổ về đây để thưởng lãm vẻ đẹp của hoa và đắm mình trong không gian thanh sạch của hồ Gươm huyền thoại.

Người đông, hoa nhiều, nhưng ngăn nắp, trật tự; không có cảnh chen lấn xô đẩy, giằng co, cãi vã là điều chúng tôi cảm nhận rõ nét ở lễ hội hoa năm nay. Bên cạnh ngàn đóa hoa khoe sắc, mỗi người Hà Nội và những ai yêu Hà Nội đều mong muốn được chung tay làm cho Hà Nội đẹp hơn, xứng với danh thơm là “người Tràng An thanh lịch”.

Toàn bộ đường Đinh Tiên Hoàng (đoạn từ phố Tràng Tiền đến đền Bà Kiệu) trở thành “đường hoa”, đầy ắp những sắc màu xanh, đỏ, vàng, tím, lam, hồng của các loài hoa, cây cỏ mang hơi thở thiên nhiên khoáng đạt.

Bắt đầu của “đường hoa” là biểu trưng Hà Nội đường kính 2,5m mô phỏng dáng hình Khuê Văn Các được kết từ 2500 bông cúc vàng, đặt trên thảm hoa lớn.

Chị Ngô Hồng An, Giám đốc Công ty điện hoa Việt Pháp cho biết để có được tác phẩm hoa này, công việc chuẩn bị phải làm cách đây nửa tháng, từ chọn nguyên vật liệu, làm khung đến ngâm xốp buộc vào khung thép và sau cùng mới là cắm hoa. Riêng việc cắm hoa, gần chục người đã phải làm liên tục suốt một ngày, để kịp khai hội.

Tại Lễ hội, công ty còn có gian hàng bán hoa tươi và dạy cắm hoa bên phố Lê Thạch để mọi người có thể đến đây tự tay cắm hoa nghệ thuật theo sở thích để mang về trưng trong nhà mình.

Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Giám đốc Trung tâm triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam cho biết để tránh sự nhàm chán cho không gian trưng bày toàn bộ 10 đại cảnh và các tiểu cảnh hoa trên “đường hoa” đinh Tiên Hoàng, ban tổ chức đã tạo dựng những gò đất đắp nổi, uốn lượn, tạo hình những cánh đồng, những con sông, hồ nước, cầu tre bắc ngang.

Đặc biệt nhất là việc tạo dựng dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa dài hàng trăm mét, với cây cầu Long Biên bắc ngang. Dưới lòng sông là những chiếc thuyền nan chở đầy đồ gốm sứ, hai bên bờ là những vườn đào, vườn quất, gợi nhớ về làng cổ Bát Tràng, làng đào Nhật Tân, làng quất Quảng Bá, Nghi Tàm, từng làm nên vẻ đẹp của Thăng Long-Hà Nội mỗi độ xuân về.

Trên “đường hoa”, những người hoài cổ còn có dịp sống lại những kỷ niệm dung dị của Hà Nội xưa khi ngắm nhìn đại cảnh “Làng lúa-Làng hoa” dài chừng 100m, với một bên là cánh đồng lúa xanh mướt thấp thoáng bóng cò trắng và một bên là cánh đồng hoa lay-ơn đỏ, vàng rực rỡ, đã từng đi vào ca khúc để đời “Mùa xuân làng lúa làng hoa”.

Thú vị hơn nữa, công chúng còn gặp lại dáng vẻ quen thuộc của làng quê, với chiếc giếng xếp bằng đá ong vàng óng, bên trong thấp thoáng những viên đá cuội đen bóng xếp đặt cạnh những chum, vại, bụi tre làng. Rồi cả một đoàn 7 chiếc xích lô lọng đỏ, chở đầy ắp lễ vật, từ trầu cau, rượư chè, bánh cốm, hoa trái…mô phỏng một đám hỏi của người Hà Nội năm xưa.

Ngắm hồi lâu đại cảnh hoa sắp đặt với mô hình Khuê Văn Các làm bằng chất liệu tre và khách thưởng lãm trầm trồ thán phục nét tài hoa của người nghệ nhân qua tác phẩm hồ sen, với những bông sen hồng nhị vàng, lá xanh nổi bật (đối diện Tượng đài Lý Thái Tổ), bà Bùi Thị Thanh Hương, 60 tuổi, Việt kiều Pháp xúc động cho biết tuy sinh tại Hà Nội, nhưng chưa bao giờ bà được ở Hà Nội.

Theo cha và gia đình vào Đà Lạt từ nhỏ và sang Pháp sinh sống từ năm 1968 đến nay. Bây giờ, khi nghỉ hưu, bà thực sự mong muốn về sống tại Hà Nội, sống tại quê hương mình. Được bà chị họ là Lê Thu Thủy (số 5 ngõ Vạn Kiếp-Trần Hưng Đạo-Hoàn Kiếm) dẫn đi xem lễ hội hoa, vợ chồng bà vui không kể xiết và cảm nhận ở đây không khí đầm ấm như ở gia đình.

Cách đó không xa, duới chân Tượng đài Lý Thái Tổ, ông Lê Văn Tuy, 76 tuổi, nhà 6, ngõ B, cụm 11 Tân Xuân (Xuân Đỉnh-Từ Liêm) không ngớt lời thán phục tác phẩm hoa “Cửu long thiên sứ” được làm rất tinh xảo của các nghệ nhân Thành phố Hồ Chí Minh và cả vẻ đẹp độc đáo của những bông hoa tulip Hà Lan. Điều làm ông Tuy vui hơn là khâu tổ chức, đặc biệt là công tác an ninh trật tự của lễ hội hoa năm nay rất tốt, vượt xa so với lễ hội năm 2008.

Thích thú ngắm hoa và người Hà Nội, ông Michael Abadie (Hoa Kỳ), Cố vấn cao cấp của Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam chỉ cho chúng tôi xem những khoảnh khắc đẹp ông đã lưu lại trong ống kính máy ảnh của mình, trong đó có hình ảnh tà áo dài thướt tha của những cô gái bên hồ Gươm được ông cho là rất ấn tượng.

Ra Hà Nội cách đây hai ngày và tối nay sẽ lại bay vào Thành phố Hồ Chí Minh, ông rất vui khi được tham dự Lễ hội hoa trước thềm năm mới 2010. Ông Michael Abadie cho biết hoa ở lễ hội hoa rất nhiều và đẹp. Nhưng điều quan trọng hơn là hoa đẹp vì người, người Hà Nội vui, rạng rỡ càng làm hoa thêm đậm đà sắc hương. Chia tay chúng tôi, ông Machael không quên gửi lời chúc mừng năm mới tốt đẹp.

Bên hồ Gươm lộng gió đầy ắp hoa thơm, chúng tôi cũng bắt đầu cảm nhận được mùa xuân mới đang về trên mỗi nhành hoa, ngọn cỏ và trong lòng mỗi người dân Thủ đô. Năm mới 2010, năm của Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội đang đến rất gần. Bất giác câu thơ “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài - Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” ai đó vừa nhắc tới, khiến chúng tôi đều thấy ấm lòng.../.

Hồng Hạnh (Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark