01/07/2010 | 15:46:00

Rước bánh vía ở hội Bình Đà

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Hội Bình Đà, xã Bình Minh, Thanh Oai mở ngày 6/3 Âm lịch chính hội, chung cho cả hai đình. Mồng 5 giáp hội, từ sáng sớm cửa đình đã rộng mở để cử hành lễ mộc dục Thánh vị (lau bụi và lau nước thơm ngũ hương). Trống chiêng nổi ba hồi chín tiếng báo cuộc thi xôi chè làm vật phẩm dâng thánh. Cỗ nhất làm lễ phẩm đình Trong, cỗ nhì lễ phẩm đình Ngoài. Tiếp theo là hóa mã và đại tế.

Sang giờ mùi (13 giờ - 15 giờ) trống chiêng lại nổi âm vang. Mọi người sửa soạn cuộc rước kiệu "giao hòan". Đây là việc rước sắc từ đình Trong ra đình Ngoài rồi trở về. Sắc của bố (Lạc Long Quân: Quốc tổ) gửi con đi đánh giặc giữ nước. Con (Linh Lang) là biểu tượng của thế hệ tiếp nối dòng dõi quốc tổ. Đám rước có đội múa rồng, múa lân lượn lên, lượn xuống như đón như đưa.

Đến lúc hòang hôn, cuộc rước mới từ đình Ngoài quay về đình Trong. Đây là đám rước lớn nhất. Trống chiêng "tùng dinh" cùng nhạc phường bát âm râm ran bầu trời lễ hội trong buổi chiều tà. Cờ đủ loại, đủ màu rực rỡ khắp nẻo đường dẫn về hội: cờ ngũ hành, cờ tứ linh, cờ hàng giáp. Múa sênh tiền có, tiếng trống cơm hòa nhịp. Rồi giá trống giá chiêng, bát bửu đèn lồng sáng mờ một màu vàng mát.

Nhà dân hai bên đường đều kê bàn thờ ra cổng đón hội lễ vọng. Trời tối hẳn, các xóm đều có đuốc, nối tiếp nhau "bật hồng" sáng rực trời đêm. Hòa vào chiêng trống, sênh tiền, đàn sáo là tiếng reo hò vang dội của dân làng dự hội, vừa dân dã vừa linh thiêng, vừa ồn ào vừa hùng tráng. Tất cả như dấy lên một không khí tươi vui mà cổ sơ, như muốn lôi con người về quá khứ xa, tưởng như đây là cuộc hành hương của đoàn người ngoan đạo thành tín trở về đất tổ của mình.

Giờ Tuất (19-21 giờ), đám rước lớn tới cổng đình Trong. Đám rước lớn tạm dừng, chào đón đám rước của các chùa vừa tới. Đám rước nhà chùa không ồn ào mà đầy vẻ tôn kính, nghiêm nghị với những lá phớn dài - cờ nhà Phật - cùng đoàn sư sãi trầm lặng, khiêm nhường, vừa đi vừa lần tràng hạt trong.

Vật phẩm nhà chùa đều là cỗ chay xếp ngăn nắp trên những mâm đồng do sãi đội: 100 phẩm oản, 100 quả chuối, 100 miếng cau đậu, 100 ghế chéo 1. Số lượng giống nhau giữa các loại vật phẩm mang tính biểu tượng gợi nhớ tới vị quốc tổ của nòi giống Lạc Hồng ấy là hình ảnh 100 quả trứng, 100 con trai như cái vốn ban đầu của dân số, tộc người.

Năm gian đình Nội đèn nến sáng trưng, khói hương nghi ngút, ngan ngát toả thơm. Vật phẩm dâng trình vừa xong thì mâm bánh trôi thờ gọi là bánh vía, bánh thủy cũng vừa rước tới. Chủ tế nhận đưa ngay vào hậu cung dành cho nghi lễ đặc biệt ngày mai, mồng 6, chính hội.

Cửa đình lần lượt đóng lại. Sự yên lạc bên trong khiến không khí trở nên thiêng liêng. Chỉ còn hai chủ tế, bốn trùm, bốn giải quán tiến hành lễ thỉnh bách thần về phù hộ cho dân làng, làm ăn phấn chấn, mùa màng thịnh vượng. Còn phía ngoài, sân đình rộng lớn là thế mà dường như vẫn quá nhỏ bé so với số người đang chen chúc, hò reo vang dậy trong trò chơi đêm tràn đầy sức sống.

Pháo bông đã phát sáng lấp lánh đủ màu với nhiều trò vui trên mỗi tầng của cây pháo: người đi cầy, người múa côn, cảnh đấu vật... hoặc các trò chơi Thạch Sanh đánh trăn tinh, cô Tấm đi chơi hội... Mỗi trò thường kèm theo một loại pháo.

Và cuối cùng, ở tầng nhất thường là tầng pháo thăng thiên vút lên, đồng thời lóe đủ bảy màu, gọi là "thất tinh", được cho là may mắn, hòan thiện. Vì nó là bảy sắc cầu vồng, màu của trời đất. Trời-Đất-người hòa hợp, theo triết lý phương Đông, là hạnh phúc trọn vẹn đầy đủ.

Ngày chính hội: mồng 6. Trong đình chỉ có chủ tế cùng bốn trùm cai nội đang kính cẩn bầy biện xem xét lễ vật cho đám rước vía, gồm: nước trong (1 bát), trầu cau (1 tráp) tiền mã (100) tờ, oản lớn (12 phẩm), bánh thủy (bánh vía 4 viên) đậy kín trong đài.

Từ sáng sớm, trống chiêng gọi hội ba hồi chín tiếng dõng dạc vang lên lan rộng như nhắc nhở, giục dã dân làng tới. Chủ tế, trùm cai xem xét từng mâm, đặt vào đúng nơi thờ như ngọc phả quy định. Rồi, cửa đình đóng lại. Lễ cầu cúng diễn ra như đêm hôm trước.

Khoảng một giờ sau, lễ xong, cửa đình mở rộng, chiêng trống, đàn nhị nổi lên hòa tấu, báo hiệu nghi lễ mới: lễ múa cờ, múa bông (đón mời và cầu nguyện quốc tổ). Cuộc tế đã sửa soạn sẵn, diễn ra ngay sau hai lễ múa trên. Tế trong đình Nội đồng thời cầu ở Thiên Quan, ở đài tế trời, đất, trước đình, phía bên trái. Các giáp mang lễ lợn (lợn cả con, sạch lông, sạch lòng) bày la liệt quanh đài. Mỗi nơi một chủ tế đảm nhiệm.

Chủ tế tới đàn trời đất đọc văn tế, giọng thiết tha, trầm bổng xúc động lòng người, cảm hoá trời đất: "Thiết nghĩ âm dương đều cảm, giời đất lưu thông u hiển tuy khác, thành tâm như một. Ngày này, giờ này, nước Đại Việt, phủ Ứng Thiên, huyện Thanh Oai, xã Bảo Đà, quan viên, chức sắc kỳ mục, lý dịch cùng trên dưới, già trẻ mười sáu giáp, hàng năm mở tiệc cầu phước vào ngày mùng 6/3, kính mời".

Nghi thức đặc sắc nhất của hội: lễ rước bánh vía.

Sau một hồi trống chiêng âm vang kéo dài, hiệu bánh vía được rước vào cầu Thiên Quan trước. Bánh ba cái, chỉ được biết như vậy, không ai trông thấy bao giờ, để trong đài đậy kín. Kiệu có lọng, tàn, quạt hầu hai bên. Trống khẩu đi theo đám rước giữ nhịp và giữ thăng bằng. Sau kiệu là hai ông chủ tế đình Nội, đình Ngoại cùng Tiên chỉ, hai ông từ, hai ông trùm thôn cai và đại diện gia đình làm bánh vía.

Bà con chen chúc nhau quanh giếng chùa Cả chờ đợi. Nhạc trống chiêng "tùng dinh" cùng phường bát âm reo vui đưa đám rước tới bên giếng. Một người cầm đuốc dẫn đường (mặc dầu lúc này vào giờ ngọ - 12 giờ trưa). Tàn, cờ, quạt, vải phủ kín đài bánh. Ba người yên lặng, thành kính, chậm rãi bước tới sát mép nước.

Tại đây đã quây sẵn một khung cót tròn. Đọc mật khẩu xong, chủ tế mở đài lấy từng chiếc bánh bóp nát thả xuống nước (trong khung cót). Bánh chìm hết mới tốt và người hành lễ mới tròn trách nhiệm. Ba người yên lặng đi lên. Đám rước về đình Nội làm lễ.

Buổi chiều có cuộc rước "hoàn cung". Rước cả sáu kiệu từ đình Trong ra đình Ngoài. Đến nơi lễ cáo trình Thánh xong, để lại ba kiệu, còn ba kiệu rước trả về đình Trong (hoàn cung).

Hết hội, người dân Bình Đà đều tin Đức Thánh quốc tổ Lạc Long Quân và Đức Thành hoàng Lý Lang Công sẽ phù hộ cho dân làng như lời ghi trong ngọc phả. Cầu cho con người bình yên, mạnh khỏe, sống lâu, lúa tốt, của nhiều, muôn đời sung sướng. Và con người Bình Đà luôn nghĩ tới sự hài hòa Âm Dương, hòa hợp con người với vũ trụ, biểu hiện ở quan niệm "thiên thời - địa lợi - nhân hòa" để hạnh phúc trọn vẹn trong cuộc sống./.

(1.000 năm Thăng Long/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark