15/04/2015 | 17:05:00

"Sẽ hỗ trợ nếu giải tỏa các hộ buôn bán ở gầm cầu đường sắt Long Biên"

Họp chợ nhộn nhịp ngay trên đường ray tàu ở đường Cổ Nhuế, đoạn ga Phú Diễn. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Thành phố Hà Nội hiện có hàng trăm đường ngang dân sinh và tình trạng lấn chiếm hành lang đường sắt để buôn bán, kinh doanh diễn ra phổ biển. Tuy nhiên, giải pháp đưa dân tái định cư đi đâu phải rõ ràng và nghiên cứu cụ thể.

Tại buổi làm việc giữa Bộ Giao thông Vận tải với Hà Nội sáng 15/4, đánh giá thực tế số vụ tai nạn giao thông liên quan đến đường sắt đang gia tăng, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội nhìn nhận, những năm qua, Hà Nội đã có nhiều giải pháp quyết liệt, kết nối đường bộ-đường sắt nhưng tình trạng lấn chiếm hành lang đường sắt, mở đối đi dân sinh vẫn chưa được giải quyết triệt để.

“Một số gầm cầu đường sắt như Long Biên, Thăng Long cho người dân thuê để kinh doanh ngay sát đường sắt trông rất nguy hiểm và nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị. Cầu Long Biên là cây cầu di sản mà không biết từ bao giờ, người ta đã đục cả di sản ra để kinh doanh buôn bán,” Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng bức xúc.


Toàn cảnh cầu Long Biên và cầu Chương Dương bắc qua sông Hồng. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Theo vị Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, thành phố đã nhiều lần kiến nghị nhưng chưa giải quyết dứt điểm tình trạng này. Đối với các hộ dân đang sinh sống lâu năm dưới các gầm cầu đường sắt, nếu Bộ Giao thông Vận tải giải tỏa thì Hà Nội sẽ có chính sách về nhà để hỗ trợ các hộ dân.

Trước những kiến nghị này, ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho hay, trên địa bàn Hà Nội hiện còn 400 đường ngang dân sinh qua đường sắt. Tuy nhiên, rất khó để dẹp bỏ các đường ngang dân sinh vì nhu cầu đi lại của người dân. Cứ đóng chỗ này thì người dân lại mở ra chỗ khác.

“Có đến 99% các vụ tai nạn giao thông đường sắt là do đường bộ vượt tàu không tuân thủ tai nạn giao thông xảy ra. Chúng tôi cũng thiệt hại lớn,” ông Trần Ngọc Thành đánh giá.

Về vấn đề giải tỏa các hộ dân sinh sống, kinh doanh tại gầm cầu Long Biên, Thăng Long, lãnh đạo ngành đường sắt cam kết sẽ phối hợp với Hà Nội giải tỏa dứt điểm trong năm nay.

Đồng tình với việc giải tỏa gầm cầu đường sắt, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu các đơn vị liên quan cố gắng trong năm nay giải tỏa xong gầm cầu Long Biên, Thăng Long, trong đó giải pháp để đưa dân tái định cư đi đâu phải rõ ràng.

Sau khi nghe hàng loạt các ý kiến từ các ban ngành, Bộ trưởng Đinh La Thăng đề nghị Hà Nội phối hợp với Bộ rà soát lại chiến lược quy hoạch phát triển giao thông vận tải trên địa bàn phù hợp với chiến lược quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.

Bên cạnh đó, người đứng đầu ngành giao thông cũng đề nghị phía Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cần tiếp tục quan tâm công tác giải phóng mặt bằng những dự án giao thông đang triển khai trên địa bàn.

“Giải phóng mặt bằng tốt sẽ đảm bảo tiến độ, chất lượng và đặc biệt là không dẫn đến đội vốn,” Bộ trưởng khẳng định.

Liên quan đến công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh, nếu không có giải pháp lâu dài sẽ dễ dẫn tới tình trạng tái ùn tắc như thời gian trước.

“Hà Nội triển khai bãi đỗ xe ngầm quá chậm. Phải tạo cơ chế cho nhà đầu tư làm. Nếu không xử lý được giao thông tĩnh thì không đường sá nào có thể chịu nổi với tốc độ tăng trưởng xe như hiện nay? Cái này hoàn toàn có thể xã hội hoá mạnh mẽ được, cần làm rất nhanh,” Bộ trưởng Đinh La Thăng đưa ra giải pháp./.

Đỗ Hùng (Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark