14/11/2012 | 11:23:00

Tế Tiêu: làng rối cổ của Hà Nội

Ở vùng quê Đại Nghĩa (Mỹ Đức, Hà Nội) hiền hòa, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, người dân từng ngày góp phần làm đẹp đời sống văn hóa, tinh thần. Người nông dân đến với nghệ thuật rối cạn như một trò tiêu khiển lúc nông nhàn.
 
 Qua năm tháng, với sự bồi đắp của nhiều thế hệ, những trò chơi dân gian ấy đã được nâng tầm thành một môn nghệ thuật đặc sắc nổi tiếng ở nhiều nơi trên thế giới (đây là một trong hai nơi của cả nước có rối cạn). Nổi tiếng nhất về chơi rối cạn phải kể tới cụ Trương Ba. Cụ là người tạo các quân rối và soạn các tích trò nói về hiếu nghĩa và lòng trung quân ái quốc. Rối cạn Tế Tiêu chuyên diễn các tích tuồng cổ, kết hợp trò leo dây và các trò ảo thuật nên trong một thời gian dài đã được nhân dân khắp vùng mến mộ. Sau năm 1954, rối cạn Tế Tiêu được cụ Phạm Văn Bể (cháu gọi cụ Trương Ba là cậu ruột) tiếp nối và cũng thu được một số thành tựu.
 
 Thấy khách đến chơi, chủ nhà - nghệ nhân múa rối Phạm Văn Bể đầu quấn khăn đỏ, râu bạc trắng, bước từ sau nhà vào chào khách với nụ cười tươi thường trực. Cụ Bể cho biết, nghề chơi rối của đất Tế Tiêu đã có từ hơn 400 năm. Gia phả còn lưu giữ ở đình làng nói rõ, năm Hưng Phúc 1573, một vị quan là ông Trần Triều Đông Hải đã về lập làng Tế Tiêu, mang theo nghề múa rối truyền dạy cho dân. Nghề múa rối bắt đầu từ đó. Đôi tay thoăt thoắt điều khiển con rối, miệng hát vang vở "Lý Thường Kiệt đọc hịch". Đã 86 tuổi, cụ Phạm Văn Bể vẫn hào hứng với môn nghệ thuật múa rối không khác gì thanh niên. Cụ dựa vào thói quen, tập quán của nhân dân để viết các trò rối. Lời hát thì dựa trên những câu hát ví, dặm mang đậm bản sắc vùng đồng quê.
 
 "Khó khăn, vất vả nhiều nhưng phường rối Tế Tiêu đã được ủng hộ nhiệt tình. Đi diễn ở đâu, người đến xem cũng đông nghìn nghịt. Có lần ở Chùa Hương, đoàn của tôi đã phải nới vòng ra để dân vào xem", cụ cười nhớ lại thời hoàng kim của nghệ thuật rối Tế Tiêu những năm 70 thế kỷ trước. Chị Phạm Thị Chiên - con gái cụ Bể, cũng là thành viên phường rối cho biết, đam mê rối tới mức, để bổ sung một số đạo cụ như thép, sắt, nhôm cho các trò diễn, cụ Bể đã từng sẵn sàng "biến" luôn cả chiếc xe đạp là tài sản quý của cả gia đình thành đạo cụ. Những đoàn rối cạn Tế Tiêu đã liên tục đi biểu diễn phục vụ người dân các huyện Thường Tín, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Ứng Hòa... Hiện nay, "gia tài múa rối" của người nghệ sĩ nông dân này là gần 100 trò diễn cho cả rối cạn và rối nước với hàng nghìn chú rối đủ các kích cỡ được ông tạo nên và gìn giữ như những báu vật.
 
 Trong những năm gần đây, phường rối Tế Tiêu gồm hơn 20 thành viên đều là những nông dân "thứ thiệt" liên tục được biết đến tại Liên hoan Múa rối cạn quốc tế được tổ chức tại Bảo tàng Dân tộc học, các triển lãm du lịch làng nghề, các kỳ Festival Huế… Phường rối khôi phục, nhu cầu tinh thần của bà con dân làng được đáp ứng bằng các buổi biểu diễn những tích trò gần với cuộc sống như không khí sản xuất, ca ngợi Đảng, Bác Hồ... Mỗi dịp làng vào hội hay lễ chạp, phường lại biểu diễn phục vụ bà con: "Quan xử kiện", "Xay lúa giã gạo", "Vui sản xuất", "Em tìm Đảng", "Rước thóc lên kho"... đến các trò chém Mãng Xà Vương, tướng quân Lê Phụng Hiểu...
 
 Anh Lê Văn Lung, một thành viên cốt cán của phường rối cạn Tế Tiêu tâm sự, phường đã đi nhiều nơi biểu diễn và được hưởng ứng của không chỉ khán giả trong nước mà cả khán giả nước ngoài. Nhưng phải nói thật, chỉ có các dịp lễ hội lớn của thành phố, địa phương phường rối mới có dịp trổ tài, còn không lại rơi vào im lặng, buồn dài dài. Những người gắn bó với phường rối, ngày ngày vẫn ra đồng sản xuất, tối đến sinh hoạt văn hóa vui vẻ và nhiệt huyết. Với các bậc cao niên và lớp người trung tuổi, đây thực sự là một niềm vui lớn nhưng với con trẻ, thu hút các cháu đến với phường không phải là dễ. Nghĩ rằng, cần có cơ chế chính sách quan tâm đào tạo lớp trẻ kế cận một cách bài bản để 5-10 năm nữa khi các bậc gạo cội vắng bóng, lớp trẻ kế cận trưởng thành để rối cạn Tế Tiêu trường thịnh cùng năm tháng.

(Thanglonghanoi/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark