01/12/2012 | 10:11:00

Thân thương làng Hà Nội

Những làng Việt đã tạo ra một làng Long Đỗ, dựng nên thành Đại La và làm nên nền tảng cho Kinh thành Thăng Long của Lý Công Uẩn đã nghìn năm nay.

Nhìn lại, Hà Nội xưa từng là một làng, và cho đến thế kỷ XX, Hà Nội còn có rất nhiều làng bao bọc, cung cấp nhu yếu phẩm cho nội thành, cũng là nơi bảo tồn nhiều vốn quý báu về xã hội học, dân tộc học, sản vật địa phương.

Ngày nay, bao nhiêu làng thân thương ấy đã lặn vào quá khứ, làm nền cho Hà Nội vươn lên, vươn cao nhưng hình ảnh làng vẫn luôn vương vấn trong hồn người. Không tàn lụi. Không chỉ là giếng nước, gốc đa, bến sông, sân đình, mái chùa, đầm sen, lũy tre, đồng lúa và người nông dân tảo tần, quần vải, áo nâu, bữa cơm chiều trăng thanh gió mát cùng tiếng sáo diều văng vẳng từng không, có ngôi sao hôm mờ tỏ phía trời Tây qua mơ hồ ánh sáng dìu dịu.

Mà những làng Việt như thế đã tạo ra một làng Long Đỗ, dựng nên thành Đại La và làm nên nền tảng cho Kinh thành Thăng Long của Lý Công Uẩn đã nghìn năm nay. Làng ấy cũng đã đi vào đời sống thiết thực, đi vào ca dao, đi vào huyền thoại, đi vào hồn người, đi vào lịch sử, đi vào bất tử của dân tộc.

Đó là một làng ven sông, có tre xanh, chuối mát, nhưng nghề chính không phải là cày sâu cuốc bẫm mà là làng làm ra món ăn đặc sản trong vị tinh khiết ngon lành của nó. Làng Thanh Trì có con đê sông Hồng cao như bức tường thành đi qua phía Đông làng, còn quanh các ngõ xóm đêm đêm bao nhiêu chiếc cối xay đá, cứ quay tròn như thời gian, luôn tuôn những dòng sữa tươi mát làm hài lòng người Hà Nội tinh sành. Món bánh cuốn Thanh Trì đã đi vào trang viết của tài hoa Thạch Lam và bao nhiêu người khác. Đến nay Hà Nội có nhiều sơn hào, hải vị, món Âu, món Mỹ, nhưng món bánh cuốn Thanh Trì ấy vẫn không hề run sợ bị cạnh tranh mà ngang nhiên tồn tại.

Làng Sét, tức làng Thịnh Liệt, một trong tám làng cổ bao quanh Hà Nội có con cá rô nổi tiếng mấy trăm năm trong câu “dưa La, cà Láng, nem Báng, tương Bần, nước mắm Vạn Vân, cá rô Đầm Sét” vẫn ở vị trí cũ nhưng đã đô thị hóa với nhiều nhà cao tầng, biệt thự, những con đường lát ximăng, còn hồ ao thì bị lấp gần hết.

Có một làng nổi tiếng khắp đất nước, mỗi khi Thu về, nhiều người Hà Nội nghe gió heo may xao xác trong lòng, thèm được hít hà hương lúa mới thoảng đượm trong mùi cốm, thì làng ấy hiện lên như hình ảnh cô gái Liêu Trai của Bồ Tùng Linh, nói thế vì làng này đã thành phường, những ruộng lúa xanh rờn để làm món cốm Vòng đã hết, chỉ còn lại những nền nhà, những góc sân trong khuôn viên biệt thự, những ngôi nhà cấp bốn cho sinh viên thuê trọ. Phố hóa hoàn toàn. Làng biến mất hoàn toàn.

Làng Vòng, tức Dịch Vọng, đã không còn những người đàn bà thuần phác màu áo Việt Nam thắt vạt tứ thân, ngồi tuốt lúa và rang lúa để giã cốm. Ngày nay còn vài ba nhà sang huyện Đông Anh mua lúa non về rang máy, giã máy để làm ra thứ cốm tân thời mà thôi.

Một làng nữa làm ra hương vị Hà Nội trong ẩm thực đó là làng Láng, tức Yên Lãng. Nay nó thành con đường to rộng đè lên những luống rau thơm từ rau mùi cho đến kinh giới, tía tô, hành hoa và đặc biệt thứ rau húng Láng độc nhất vô nhị trên khắp non nước này từ Bắc vào Nam. Nó còn giữ được bao nhiêu phần trăm tinh túy nhỉ, khiến bát bún thang thiếu chút rau mùi, bát phở thiếu ngọ rau thơm , món mộc tồn thiếu cây rau húng... chất lượng giảm đi chất lượng rõ rệt?

Một làng làm ra chất tốt tươi son phấn cho gương mặt Hà Nội đã mấy trăm năm nay cũng đã rút lui vào quá khứ, trở thành cổ tích, đó là làng hoa Ngọc Hà, vẫn đang là bảo tàng giữ lại chiếc máy bay Mỹ B52 bị bắn hạ trong trận Điện Biên Phủ trên không năm 1972. Những hoa nhài, hoa huệ, ngọc lan, thược dược, chân chim, hồng quế hồng lam cho ngày tết, ngày lễ, cho ngày rằm, mùng một, cho đám cưới, đám tang và cả ngày thường trên bàn thi nhân văn sĩ.

Ngọc Hà không còn là làng cổ trong tiểu thuyết “Gánh hàng hoa” của Tự Lực Văn Đoàn và không còn hình ảnh cô gái mỗi sáng treo hàng loạt gói hoa cúng bằng lá cây bồ tát lên chiếc đinh trên cửa các nhà hàng phố, cuối tháng mới đi tính tiền một thể. Những làng hoa mới loại đàn em đã thay thế, đã “đổi vai” cho Ngọc Hà, đó là Tây Tựu, Gia Lâm, Đông Anh và bao nhiêu nơi khác nữa. Làng hoa xưa đã thành hoài niệm nhưng công lao của một Ngọc Hà đối với Hà Nội đâu có nhỏ.

Cửa ô Đồng Lầm phía Nam Hà Nội có làng Đồng Lầm nổi tiếng về nghề nhuộm nâu, thứ vải the mỏng dệt và bán ở chợ Rồng Nam Định đem về đây nhuộm để may áo tứ thân cho phụ nữ, là thứ vải mang tên làng Đồng Lâm đã có mấy mươi đời. Nay cũng là phường mới Kim Hoa, đang mở mang thông sang cửa ô khác là Ô Chợ Dừa. Những ai quê gốc ở đây nay phiêu bạt ra sao và nghề nhuộm truyền thống ấy thua nghề nhuộm hóa chất hiện đại. Kể cả nghề thứ hai của làng này là nghề cắt tóc của đàn ông, cũng không còn phát triển. Hình ảnh một làng xưa đã phôi phai, gần như phai mờ hết hẳn.

Nếu làng Yên Phụ, nơi nhà văn Thạch Lam từ trần năm 1942, có nghề làm giấy màu và nuôi cá cảnh, thì làng Nhật Tân - Quảng Bá có nghề trồng hoa đào, mà hoa đào thì bị đánh bật ra ngoài sông và sang Bắc Ninh, Sơn Tây để nhường dinh đào cho đô thị mới, phường mới, thì làng Chèm và làng Vẽ Nguyên là làng học hành và khoa bảng, nhiều người đỗ tiến sỹ làm quan đến Thượng thư, Tổng đốc, Bộ trưởng.

Làng thuốc nam nguyên là một trong mười ba làng gọi là khu thập tam trại do ông Hoàng bên Lệ Mật xin đất lập ra, đã dùng lá lẩu trong vườn chữa khỏi bệnh suốt mấy thế kỷ. Đến hàng rào cũng tận dụng để trồng cây và mọi cửa chợ khắp đô thành, chợ nào mà chả có một bà cụ ngồi giữa đôi quang gánh những lá lẩu, lá chanh để ăn thịt gà, mớ lá cho nồi nước xông, rồi cành bưởi cho nồi ốc luộc, mấy lá xả, ít tía tô, cây vông, lá đề, ít xước… toàn cây nhà lá vườn mà giá trị rất cao. Tạm gọi đó là khoa học làng, kinh nghiệm dân gian người Nam dùng thuốc Nam mà làng Đại Yên này là một ví dụ điển hình, một làng Hà Nội quý yêu.

Một làng nữa cũng đáng yêu vì nó có vị trí khá đặc biệt, đó là làng Bát Tràng. Bát Tràng là một làng cổ, một làng nghề nằm ở bờ trái sông Hồng, theo đường đò thì cách trung tâm Hà Nội khoảng 10 cây số. Đó là một làng đã có từ hơn 500 năm (có thuyết cho rằng đã 800 năm), một điều riêng biệt là hầu như cả làng không hề có một bóng tre, thưa thớt mới có vài ba khóm cây không tên nào đó, còn toàn nhà với nhà chen chúc trong một không gian “mịt mù khói lửa,” là lửa lò và khói than nghi ngút.

Ngày nay, đang có một Bát Tràng công nghiệp, nhưng cũng đang tồn tại một làng Bát Tràng truyền thống. Đó là ngày hội làng, ngày giỗ dòng họ. Nhiều mâm cỗ ngon lành thịnh soạn đang phơi bày, nhưng không thể thiếu hai món ngàn xưa tổ tông truyền lại.

Đó là món cháo hoa và cơm trắng muối vừng. Giữa mâm cao cỗ đầy, những giò nem ninh mọc, những cao lương mỹ vị, liễn cháo hoa bốc khói, miếng cơm nắm trắng tinh, dúm muối vừng thơm mặn… là món chân tình, lời người xưa, tình quê hương gắn bó.

Kể sơ sơ thì thấy rất nhiều làng cổ tồn tại đến mấy đời người đã góp công góp của cho Hà Nội bền lâu vững chãi. Hà Nội không chỉ đơn độc là con đường rải nhựa ô bàn cờ và những căn nhà hiện đại, mà làng quanh đô thị là tấm áo cho Hà Nội vừa là nơi cung cấp sản vật, sức người, văn hóa cho Hà Nội.

Đi trong nội thành ngày nay, chúng ta không gặp được một lũy tre hay ao nước nào, hình ảnh của làng xưa, nhưng qua rất nhiều con phố, ta vẫn gặp nhiều ngôi đình và mái chùa vẫn là công trình mang hồn làng, cứ thách thức với thời gian để tồn tại một nét văn hóa dân tộc không phai nhòa.

Những đình Kim Liên, chùa Vân Hồ, chùa Hòa Mã, chùa Tân Thiên, chùa Bà Đá, chùa Hòe Nhai, chùa Đông Hà (ngõ Gạch), chùa Thái Cam (Hàng Cót)… Đấy là những nét làng xưa yêu dấu còn phảng phất hình ảnh làng Việt hàng ngàn năm trong Hà Nội đó./.

(Thanglonghanoi/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark