01/06/2010 | 15:12:00

Thân thương những con tò he đầy sắc màu

Tò he - đồ chơi của nhiều thế hệ người Việt. (Nguồn: TT&VH)

Hà Nội có hai người nặn tò he được phong tặng nghệ nhân là ông Đặng Văn Tố và Chu Văn Hải, đều là người của làng Xuân La, Phượng Dực, Phú Xuyên - nơi có tuổi nghề tương truyền khoảng từ 300-600 năm.

Tò he là đồ chơi của trẻ em, nặn các con giống làm bằng bột hấp chín, có nhuộm mầu. Tò he ở đâu, bọn trẻ xúm xít ở đó. Chúng là người “ra đề” và người nặn tò he là người “giải đề.” Thánh Gióng, Tôn Ngộ Không, rồng, gà, khỉ, voi, hổ, báo, kép võ, đào thương… đều được cả. Những năm trước, tò he là thú chơi đã đi cùng bọn trẻ vào cả những giấc mơ.

Đồ nghề của nghệ nhân tò he thật giản đơn chỉ cần một chiếc tráp bằng gỗ, vài hũ bột gạo dẻo luộc chín trộn sẵn phẩm màu, ít que tre và chiếc ghế nhựa cũ kỹ. Tất cả được chằng buộc cẩn thận trên một chiếc xe đạp mỗi khi di chuyển. Cứ thế, những người nghệ nhân dân gian ngày ngày lang thang qua các góc phố, công viên, cổng chợ... cho đến sau giao thừa để thổi hồn mình vào những con tò he bé nhỏ.

Người nặn tò he có một nguyên tắc của dòng họ là chỉ truyền cho con trai và con dâu. Nặn tò he có nguồn gốc lâu đời nhưng do tư liệu chép đã bị cháy nên không tìm ra được cụ tổ nghề. Hơn nữa, trong làng có rất nhiều dòng họ như Ðặng, Nguyễn, Vũ, Lê, Chu, Trịnh mà họ nào cũng biết nặn tò he. Vì thế chức danh tổ nghề được phong cho dòng họ nào cũng đều xứng đáng.

Xuân La có thời điểm gần như cả làng đi nặn tò he. Họ rong ruổi khắp đất nước, từ Huế tới Sài Gòn, từ Lạng Sơn tới Cà Mau, chỗ nào cũng có người làng này kiếm sống. Nghề lang bạt, mỗi người chọn một nơi khác nhau nhưng đông nhất vẫn là ở Hà Nội.

Đến vườn thú Hà Nội có thể thấy hàng chục nghệ nhân Xuân La, mỗi người một góc, họ lặng lẽ mua chỗ ngồi và nặn những con tò he đủ màu sắc sặc sỡ. Đạp xe khoảng 30km tới đất thủ đô là họ có thể hành nghề. Đường xa đạp mãi thành quen. Biết bao con phố Hà Nội đã thành quen thuộc.

Bọn trẻ bây giờ khoái chơi hình siêu nhân, thủy thủ mặt trăng, songoku, pikachu... hơn là chơi những con vật quen thuộc như trâu, gà, lợn. Nhiều lúc người nặn tò he cũng phải tranh thủ đọc thêm truyện tranh, xem phim hoạt hình để nặn sao cho thật sinh động vừa ý bọn trẻ nhưng vẫn phải có đủ 12 con giáp để làm mẫu cho khách.

Nặn một con tò he mất chừng năm phút, bán được vài ngàn đồng, có khi cả ngày cũng chỉ bán được vài con giống, nhưng họ lại quan niệm: “Lời lãi chẳng bao nhiêu nhưng mỗi lần nhìn những đứa trẻ vui đùa với nhau bên những con tò he, mình cũng vui lây mà thêm yêu nghề.” Giờ đây, khi Xuân La đã trở nên nổi tiếng, du khách đến với làng rất thích cái vẻ mộc mạc, giản đơn của mỗi con tò he và tìm hiểu về lịch sử làng nghề, rồi tự tay nặn những con tò he mình thích đem về làm kỷ niệm.

Từng mang tò he đi Nhật để tham gia hội chợ làng nghề quốc tế, nhưng nay nghệ nhân cội rễ nhất làng Đặng Văn Tố không còn đủ sức để đạp xe rong phố nữa. Những lúc buồn nhớ nghề, ông lại lôi tráp tò he ra dạy nghề cho lũ cháu lên năm lên bảy. Ông nói: cái nghề “đầu đường cuối chợ” này lận đận lắm, lúc người ta nghỉ ngơi để vui lễ hội, mình lại phơi mặt ở các góc phố để kiếm từng đồng.

Mùa xuân, mùa lễ hội cũng là mùa kiếm sống của những nghệ nhân tò he trên mọi nẻo đường. Tháng Giêng mở đầu với hội Đống Đa, qua hội Cổ Loa, vòng về hội Lim, sau đó tản về các hội quê xa.

Thường đêm 30 tết là đêm mà những nghệ nhân trong làng kiếm được nhất, nhưng lúc giao thừa khi mọi người về nhà đoàn tụ, những nghệ nhân tò he lại lầm lũi bước những bước mệt mỏi trở về nhà, có khi là nhà trọ.

Không ít nghệ nhân bỏ Tết, ngủ lại trên hè phố, ghế đá công viên để hôm sau lại tiếp tục cùng những con tò he rong ruổi. Người trở thành nghệ nhân tò he đương nhiên đã có quá nhiều nắng mưa lẫn tài hoa hòa trộn vào từng con giống.

Có bột mới gột nên tò he. Làm bột nặn tò he cũng chẳng khác gì làm đồ ăn, gạo tẻ trộn với một phần gạo nếp, xay nhiều lần cho nhuyễn, mịn, tẽ nước rồi phơi khô để sẵn đấy từ hôm trước. Mỗi sáng hòa bột ấy với nước màu rồi đem đồ chín thành bột nặn.

Với thợ chân truyền, các thứ nước màu chế từ các lá cây ăn được. Những thứ làm màu đều là rau củ vẫn ăn hàng ngày, ngoài lá dứa, lá củ dền, gấc đỏ, còn có củ nghệ, lá khúc, lá bắp cải, xu hào…

Cứ mùa nào thứ ấy mà xoay vòng. Làm thế tuy có vất vả nhưng lại an tâm, đứa trẻ chơi tò he nhỡ có nhai, có nuốt con tò he, cũng chẳng sao. Bột màu đã đồ chín cứ để nóng mà kéo như người ta làm kẹo kéo hay bánh dày. Càng làm kĩ bột càng dẻo, càng dễ nặn.

Muốn học nghề tò he phải bắt đầu nặn đồ vật. Bài học thật đơn giản. Xe bột quanh một que tăm để có một cây gậy. Nhưng muốn phân biệt đấy là gậy tre Thánh Gióng chứ không phải thiết bổng của Tôn Ngộ Không, cách xe phải khác. Xe rộng vòng như người viết chữ thảo, thì có gậy tre. Những vòng xe không đều nhau, đẩy khúc bột chạm vào cái chai trong lòng bàn tay để cái chai xù xì ấy tạo mấu cho cây gậy tre.

Muốn gậy sắt thì xe khép vòng, khúc bột được tiện ra ở chỗ mịn nhất của hai bàn tay, trước sau đều như đúc, vuông thành sắc cạnh như người ta viết chữ chân phương.Khi đã vững tay nghề có thể dán lá cho khúc tre binh khí nhỏ xíu ấy. Nặn đồ vật quen tay thì được chuyển sang tập nặn con vật. Tò he có cái cốt que tre ở trong, vì thế trước sau chỉ có một thế đứng.

Những con vật bốn chân là khó nặn, vì chúng bò chứ có đứng bao giờ! Cho nên nặn thú cũng như người làm xiếc thú. Phải dạy con rồng, con rắn uốn dẻo quanh cái que tre kia để dù tung hoành cách chi, vẫn vào được khuôn phép. Con mèo thì phải trèo cây cau, để ôm vào cây cau mà đứng như người.

Học xong bài tạo thế từ loài vật mới chuyển qua bài điểm nhãn, tạo thần cho các nét mặt con người. Nặn tò he rất giống với nghệ thuật vẽ mặt nạ trong tuồng. Tính tượng trưng, ước lệ rất cao, Người trung mặt đỏ đôi tròng bạc/ đứa nịnh râu thưa mấy sợi còi. Có thể nhìn nặn tò he mà tìm ra mối quan hệ giữa hội họa với sân khấu dân gian.

Thạch Sanh dù là tiều phu đốn củi vẫn mặt hoa da phấn có tướng tinh chứ không xám ngoét như tò he Lý Thông. Mặt trắng râu dài nho nhã, tai to bụng lớn, ra dáng quan cách, lại ung dung tự tại, đích thị Lưu Bị.

Quan Vân Trường, mặt đỏ như chu sa, râu năm chòm đủ nhân nghĩa lễ trí tín, mắt xếch lên, sáng quắc mà vẫn hiền, bao giờ cũng mực thước, bàn tay luôn giữ thế đàn em với Lưu Bị, không xòe năm ngón ngạo mạn mà chỉ thẳng bằng hai ngón khép, kín kẽ, thúc quân tiến mà vẫn nghĩ đường sống cho binh lính trở về. Đã nặn Lưu Bị mặt trắng thì Trương Phi phải đen, phải mắt ốc nhồi, trán gồ, râu quai nón tua tủa.

Kể từ nghệ nhân lão thành Đặng Văn Tố bận áo đỏ sang Nhật Bản nặn tò he trình diễn, giới văn hóa dân gian bàn riết ráo tới việc khôi phục nghề này. Có ý kiến đề nghị, tìm một chất liệu bền vững hơn cho tò he, cứ gì phải là bột gạo! Nhưng ý kiến ngược chiều cũng có.

Bền vững thì đã có tượng thạch cao đổ hàng loạt, đã có con giống đất nung. Ăn chắc mặc bền là chuyện một đời người, nhưng thường nhật thì hoa đẹp vẫn sớm nở tối tàn. Chuộng bền vững mà chơi hoa ni lông thì chết dần làng hoa Gò Vấp, làng hoa Ngọc Hà, làng hoa Tân Quí Đông Sa Đéc.

Bên này nói đến cùng kì lý mà bên kia chưa chịu, lại lý sự nhân văn, đã có sáp làm sẵn, rất nhiều màu, rất dẻo, sao người thợ tò he không dùng sáp cho đỡ vất vả? Sáp là sáp, bột là bột. Dùng sáp cả thì bột bán cho ai?

Nặn tò he là nghề chơi lúc nông nhàn của người nông dân. Phải cho người ta chơi với chứ. Con tò he dẫn người chân quê vào phố thị. Mỗi làng có cách vượt luỹ tre xanh của mình. Làng Vòng thì nhờ cốm, làng Vân nhờ rượu, làng Thanh Trì nhờ bánh cuốn, làng Bần nhờ tương, làng Định Yên nhờ manh chiếu, làng Vân Hoàng nhờ cái kéo thợ may.

Và làng Xuân La nhờ con tò he ngũ sắc. Ai chứ người làng Xuân La nhất định không bỏ rơi nghề: “Tò he anh bán mấy đồng/ Tôi mua một chiếc cho chồng tôi chơi/ Chồng tôi đánh vỡ, đánh rơi/ Tôi mua chiếc nữa, tôi chơi một mình.”

Nhà cụ Tố là một gia đình sống chết với nghề. Anh Tẫn con trai thứ của cụ tiết lộ, gia đình anh đã 10 đời theo nghề. Cả gia đình cụ Tố, con cái, cháu chắt trên 30 người đều có thể nặn tò he được. Tha phương cầu thực gần 30 năm kiếm sống bằng nghề nặn tò he, giờ ngoài 80 tuổi, cụ về quê, hành trang chỉ là kinh nghiệm, bí quyết nghề và sự ngưỡng vọng của một thầy già trong nghề.

Cụ Tố bảo ai cũng làm tò he được vì nguyên liệu chỉ là gạo nếp và gạo tẻ thông thường. Làm tò he khó ở chỗ xử lý bột sao cho dẻo nhưng không dính. Tính tỷ lệ gạo nếp-gạo tẻ-nước-phẩm màu sao cho hợp lý, không phải ai cũng làm được.

Cụ Tố thì thào, đó là bí quyết trong nghề, dân làng Xuân La tâm niệm lời nguyền không tiết lộ bí quyết nghề nghiệp cho người lạ (không phải dân làng) trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Pha bột, màu sao cho khi nặn xong màu con giống tươi rói, qua một-hai ngày vẫn giữ như vậy. Độ đàn hồi của bột phải như cao su mới đạt.

Con tò he mới nặn xong, nện xuống mặt hòm đồ nghề mà không biến dạng mới đạt yêu cầu.Loại bột để đi nặn rong phải pha thật chính xác hai loại gạo nếp và tẻ, nhiều nếp thì bột nhão và dính, kém độ bóng, ít nếp quá thì bột rắn, không có sự kết dính và đàn hồi.

Riêng tò he bán rằm tháng Tám Âm lịch và ngày lễ Tết, chỉ dùng gạo tẻ xay bột, không được pha gạo nếp. Nặn xong, xếp vào nồi hấp chín, con nào con nấy căng mướt, đẹp mắt. Những dịp này, mỗi nhà làm hết dăm chục cân gạo là thường.

Những nghệ nhân làng Xuân La, trong đó có cụ Tố được mời tới nhiều lễ hội dân gian cũng như ra nước ngoài để nặn biểu diễn. Nghề nặn tò he tưởng như bé mọn đã được đông đảo bạn bè quốc tế biết đến. Đó thực sự là những phần thưởng quý giá dành cho những người có nhiều cống hiến trong việc giữ gìn và phát huy nghề tò he truyền thống. Cụ Tố đã mất năm 2008, một mất mát lớn không chỉ của người Xuân La-Phượng Dực.

“Để là cục bột, cất lên ông bụt,” nặn tò he là nghề “khỏe đi mà chẳng khỏe giàu.” Từ ngày xưa, cứ độ rằm tháng Tám hàng năm, cả làng Xuân La lại tưng bừng mở hội làng (trong khi hội làng các nơi thường mở vào dịp mùa Xuân).

Tất cả mọi người trong làng, đặc biệt là các em nhỏ cùng nhau ra sân đình trổ tài nặn tò he của mình. Các cụ tinh anh của làng nghề sẽ chọn ra tác phẩm độc đáo nhất, nặn khéo léo và sáng tạo nhất để trao giải. Giải thưởng vật chất chẳng bao nhiêu nhưng nó luôn là khát khao của tất cả người dân.

Theo lời kể của Nghệ nhân Chu Văn Hải, cái tên tò he chỉ mới được gọi cách đây vài chục năm. Có thể do chính các em nhỏ đặt tên khi mong muốn cha mẹ mua những cây bột nặn có hình những chiếc kèn tò te do người thợ nặn gắn thêm vào. Nghề bột nặn chim cò là tên gốc của nghề tò he ở làng Xuân La. Gọi như thế là bởi những đối tượng nặn ban đầu là hình những con chim, con cò gắn liền với miền quê Việt.

Vừa thấu bột, nghệ nhân Chu Văn Hải vừa kể về cách làm tò he xưa của các cụ. Gạo tẻ trộn nếp tỉ lệ 5:1 được đem ngâm rồi giã nhỏ. Sau đó dùng chiếc dây bột dây gạn bột nhỏ, rồi tiếp tục giã và rây cho đến khi có được thứ bột mịn. Sau đó bột được cho vào luộc chín, nêm đường hoặc muối. Tiếp đó thấu bột sao cho dẻo quánh là được. Từ một mẻ bột đó được chia ra từ bốn đến tám phần bằng nhau.

Công đoạn tiếp theo là nhuộm màu, ban đầu các cụ dùng các màu tự nhiên. Màu đen được đốt từ rơm rạ, màu đỏ chiết từ gấc hoặc cây gỗ vang, màu vàng từ nghệ già hoặc hoa hòe, màu xanh từ lá tràm, lá riềng. Các màu khác cũng được pha chế từ bốn màu chủ đạo này.

Ngày nay, bột đã được xay bằng máy, tỉ lệ gạo nếp nhiều hơn để tăng độ dẻo, màu dùng là màu công nghiệp, các thanh tre làm cốt được thay cho các vòng lứa làm bánh vòng ngày trước. Sau công đoạn chuẩn bột nặn, những người thợ nặn như ông Hải sẽ chất thêm trong hộp đồ các vòng lứa hay que tre làm cốt, một chiếc lược, một con dao bài và bắt đầu chuyến hành trình của mình.

Trước năm 1975, ông Hải đã đi khắp 36 phố cổ ở Hà Nội để nặn và bán tò he. Trong thời gian này, hình nặn chủ yếu là các chú bộ đội, các cô dân quân du kích, xe tăng, ôtô được các em nhỏ rất ưa thích bên cạnh 12 con giáp và các con vật ngộ nghĩnh thường ngày.

Ông nhớ có lần, một em gái khóc sướt mướt khi bố bé tòng quân ra trận, mẹ bé liền dắt em ra nhờ ông tò he Hải nặn hộ hình bố bé là một chú bộ đội đầu đội mũ tai bèo, vai đeo súng hiên ngang. Rồi tuần nào em bé đó cũng đòi mẹ đi tìm ông tò he để nặn hình bố.

Hình những nhân vật nặn cũng luôn luôn thay đổi theo những ý thích của các em nhỏ. Mỗi khi xem phim hoạt hình có nhân vật nào hay hay, các em đều yêu cầu nặn như Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Na Tra, người máy. Nhiều khi có những em nhỏ mồ côi mẹ cũng yêu cầu ông Hải nặn hình ảnh một người mẹ như em đó tưởng tượng.

Từ đầu tóc, quần áo, nụ cười đều như ý nghĩ của em. Việc nặn theo yêu cầu của các bạn nhỏ ngày càng phổ biến. Ông Hải bảo: “cái độc đáo của tò he chính là tính duy nhất của nhân vật, ví như tôi đã nặn hàng trăm lần hình Tề Thiên mà mỗi lần một tư thế, không lần nào giống lần nào.”

Thời gian trước, ông Hải được các cô giáo ở làng trẻ SOS Hà Nội cùng một số trường mầm non ở phường Phương Mai, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội mời đến nặn cho các cháu nhỏ, hướng dẫn các cháu tập nặn trong các giờ ngoại khóa. Đồng thời, nói chuyện với các cháu về những điều độc đáo của nghề nặn tò he. Đó là một khoảng thời gian đẹp với ông Hải.

Các cháu rất thích thú về những nhận vật hoạt hình, các con vật tưởng tượng trong tâm trí được ông Hải biến thành hiện thực. Ông chia sẻ, chỉ cần có óc tưởng tượng và lòng yêu trẻ, người nặn sẽ có được những nhân vật tò he sống động có hồn.

Sau những kỷ niệm vui, ông Hải chợt thở dài về những ngày tháng gian nan của mình. Nghề tò he là nghề phải đi nhiều, trong dịp lễ hội hay những nơi chợ búa phố thị đông dân cư. Bởi đi kiếm sống ở xứ người nên chuyện bị trấn lột, xua đổi là bình thường.

Có lần, ông Hải đang ngồi trên phố thì bị công an bắt cả hòm đồ nghề, bởi các em nhỏ tò mò đứng xem gây ách tắc giao thông. Thứ nữa gặp trời mưa, mất cả chì lẫn chài. Mỗi cây tò he có giá chỉ từ 2.000- 5.000 đồng.

Nghề tò he chỉ đủ sống chứ chẳng mấy ai làm giàu được từ nghề này. Nhiều người từ việc nặn tò he đi ra ngoài, học thêm nhiều nghề mới của thiên hạ về bỏ nghề tò he. Bởi thế, làng Xuân La bên cạnh nghề nặn tò he còn có nghề tráng bánh đa bánh cuốn, nghề mộc, nghề bật bông…

Nghệ nhân Hải thường trăn trở bởi nếu không có cách nào bảo tồn nghề, chỉ thời gian không xa nghề làm tò he sẽ biến mất. Ông vẫn miệt mài dạy lại nghề cho con cháu và hàng xóm láng giềng. Người nhanh trí ông dạy chỉ tám tháng là có thể mang đồ nghề đi thiên hạ kiếm miếng cơm.

Có bao nhiêu kinh nghiệm và bí quyết trong kỹ thuật ngắt bột, vê, dán, tỉa diện làm sao cho nhận vật tò he có hồn ông đều truyền lại cho lớp trẻ. Ông cùng mọi người đã tìm cách để nâng tuổi thọ của một cây tò he từ vài ngày lên một tháng, hơn tháng đã có một số kết quả nhất định.

Giờ đây khi tuổi đã già, nghệ nhân Chu Văn Hải lại làm bạn với cây đàn nguyệt trong các điệu hát chầu văn phục vụ các cụ già ở các buổi lễ chùa chiền đình miếu. Ông Hải nâng đàn chơi điệu Miễu, tiếng nhạc lời ca của người nghệ nhân chưa qua một trường lớp âm nhạc nào, nghe liêu trai mê hồn như những cây tò he làm mê mẩn bao thế hệ em nhỏ từ bàn tay người nghệ nhân tài hoa này.

Ngày 27/5/2009, trong hội thảo "Thực trạng và giải pháp phát huy giá trị nghề sản xuất đồ chơi truyền thống của Hà Nội,” tổ chức tại chính làng Xuân La, thạc sĩ Lê Vũ Trọng, Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ trẻ, đã đưa ra các con số đáng giật mình: trong vòng bốn năm trở lại đây, đã có 84.000 trường hợp trẻ em bị tai nạn thương tích do đồ chơi gây ra.

Nhiều trường hợp bị trì trệ trí tuệ, rối loạn tâm thần, hỏng mắt, bỏng, ngộ độc, nghẹn thở hay thậm chí tử vong. Tại Viện Nhi Trung ương có gần một nửa trong số hơn 100 mẫu dị vật đường thở đang được bảo lưu trong khoa Nhi là sản phẩm của đồ chơi trẻ em.

Theo ước tính, những năm gần đây "đồ chơi Trung Quốc" chiếm gần 80% thị phần trên thị trường Việt Nam; trong đó có không ít đồ chơi độc hại, có giá cắt cổ tới cả triệu đồng.

Lúc đó người ta mới giật mình nhìn lại những con tò he thân thương, bé nhỏ, một trò chơi truyền thống mà mẫu mã cổ, dù đã qua tay nhiều thế hệ, vẫn còn đây./.

(TT&VH/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark