24/09/2009 | 11:12:00

Thăng Long thời nhà Trần (1226-1400)

Bản đồ mô tả cuộc kháng chiến lần thứ 3 nhà Trần chống quân Nguyên Mông.

Nhà Lý sau 2 thế kỷ cầm quyền đã đến lúc suy thoái. Nhà Trần thay thế, chấm dứt tình trạng loạn ly, thiết lập lại trật tự chính trị-xã hội, nền văn minh Đại Việt tiếp tục phồn thịnh.

Nhà Trần củng cố lại Hoàng thành, xây thêm cung điện. Kinh thành vẫn giữ ranh giới cũ nhưng đông đúc hơn. Năm 1230, nhà Trần hoạch định các đơn vị hành chính, Kinh đô được chia làm 61 phường.

Khu vực này còn tiếp nhận nhiều khách buôn và cư dân nước ngoài đến sinh sống. Năm 1274 có 30 thuyền người Tống (Trung Quốc) xin cư trú, được cho ở tại phường Nhai Tuân (khu vực Hòe Nhai, Hàng Than ngày nay) lập phố, mở chợ. Ngoài ra còn có người Hồi hột (Ouigur), Chà và (Java), sư người Hồ (Ấn Độ)...

Kinh tế công thương nghiệp thành thị sinh ra tầng lớp thị dân và lối sống thị dân, điển hình là việc xuất hiện sinh hoạt giải trí ban đêm.

Cũng từ đây, chính sử cho biết công việc quản ký kinh thành thuộc Ty Bình Bạc. Năm 1265, đổi thành kinh sư An phủ sứ, năm 1341 đổi làm Kinh sư đại Doãn, năm 1394 đổi là Trung ô Doãn.

Thăng Long còn tụ hội nhiều nhà văn hoá lớn: Nguyễn Thuyên đặt cơ sở cho sự ra đời của nền văn học chữ Nôm; Lê Văn Hưu, nhà sử học uyên bác đã viết bộ sử đầu tiên là Đại Việt sử ký; các ông vua anh hùng kiêm thi sĩ tài hoa Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông; các vị tướng kiêm nhà văn, nhà thơ, nhà ngôn ngữ như Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật; và cũng sáng ngời thay tấm gương một nhà trí thức mô phạm cương trực, tiết tháo Chu Văn An.

Thăng Long đời Trần không chỉ có xây dựng và sáng tạo nghệ thuật mà còn phải đánh giặc và đánh giỏi. Trong vòng 30 năm (1258-1288), ba lần quân Nguyên-Mông sang xâm lược, ba lần chúng vào được Thăng Long nhưng cả 3 lần đều chuốc lấy thất bại thảm hại.

Lần thứ nhất (1258), khi giặc vào Thăng Long thì chỉ là tòa thành rỗng (dân cư đã tản cư, để lại vườn không nhà trống). Mười một ngày sau, quân dân nhà Trần phản công dữ dội và với trận Đông Bộ Đầu (dốc Hàng Than) ngày 29/1/1258 buộc giặc phải tháo chạy.

Lần thứ hai (2/1285), khi giặc vào Thăng Long thì "cung thất nhẵn không", tuy giặc chiếm đóng hơn 3 tháng nhưng sau các trận Hàm Tử, Chương Dương thì trận Trung Thành Vương đánh thọc sâu vào phường Giang Khẩu (Hàng Buồm, Nguyễn Siêu) đã buộc địch phải tháo chạy.

Lần thứ ba (2/1288), sau 32 ngày chiếm đóng Thăng Long, giặc phải rút về Vạn Kiếp để về nước nhưng đa số đã bị chìm dưới lòng sông sâu Bạch Đằng.

Qua ba lần thử lửa, Thăng Long xứng đáng là một thủ đô anh hùng. Dù tham gia quân đội của triều đình và vương hầu, hay bám làng chiến đấu, hay hy sinh cửa nhà đi tản cư, người Thăng Long đã chứng minh phẩm giá và lẽ sống: Tất cả vì độc lập, chủ quyền của dân tộc.

Đến đời vua Trần Dụ Tông (1341-1369), do ăn chơi sa đọa, cùng với những biến cố cung đình, tranh đoạt quyền lực đã khiến nhà Trần phải từ bỏ vũ đài chính trị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark