29/11/2012 | 12:51:00

Thăng Long-Hà Nội: Từ nhà trọ lá đến khách sạn vàng

Từ thời Lý, Thăng Long đã có các quán ăn đồng thời cũng là quán trọ dành cho những người buôn bán ở các nơi về kinh đô. Mô hình này tồn tại đến triều Nguyễn và nó cũng là nơi ở của các nhà buôn nước ngoài. Đến cuối thế kỷ XIX, Hà Nội xuất hiện khách sạn đầu tiên nhưng làm bằng tre và lợp lá.

Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi và chuyển kinh đô vào Huế, Hà Nội bị hạ cấp xuống Bắc thành, rồi tỉnh. Dù vẫn là trung tâm thương mại của xứ đàng ngoài nhưng buôn bán ở Hà Nội không sầm uất như trước, giao thương với nước ngoài tập trung ở đàng trong. Hà Nội không được phép mở mang xây dựng nhà cao cửa rộng bởi các quy định khắt khe trong Điều 150 của Hoàng Việt luật lệ (còn gọi là Luật Gia Long) ban hành năm 1815, các nhà trọ chỉ được phép làm bằng tre hay gỗ và không rộng quá ba gian.

Khi thực dân Pháp đưa quân từ Nam Kỳ ra đánh chiếm Hà Nội lần thứ 2 (năm 1882), phóng viên của các hãng thông tấn, các tờ báo của Pháp theo chân đội quân viễn chinh đều phải ở nhà trọ lợp lá xung quanh khu vực Hồ Gươm. Để đáp ứng nhu cầu cho các phóng viên và quan chức Pháp sang Hà Nội có chỗ trú, một khách sạn mọc lên ở phía bắc Hồ Gươm. Cũng không biết ai là người đã xây dựng khách sạn này. P.Bonnetain, một quan chức Pháp đã mô tả khách sạn đất này trong cuốn sách "Từ Paris đến Bắc Kỳ" (De Paris au Tonkin, xuất bản năm 1885) như sau: "Những ngôi nhà bằng đất vây quanh một chiếc sân trông ra hồ. Tường trát toocxi (vôi trộn với rơm) qua loa, mái lợp dạ. Trên tường vách có cửa sổ để thông gió nhưng du khách tới Hà Nội vào tháng 2 khi nhiệt độ ban đêm chỉ còn 8 độ thấy ngay rằng người ta nghĩ ngay đến mùa hè quá sớm. Cửa ghép không khít và nếu muốn ấm áp phải đóng cửa còn muốn sáng phải mở ra thành ra không thể đồng thời làm cho căn phòng vừa sáng vừa ấm".

Sau khi chiếm trọn Hà Nội năm 1883, chính quyền thành phố bắt đầu quy hoạch khu vực Hồ Gươm, cho làm đường xung quanh hồ, ra lệnh xóa bỏ nhà lá đồng thời cho xây một số nhà công vụ ở phía đông Hồ Gươm. Các nhà thầu từ Pháp đến Hà Nội để tìm kiếm cơ hội kinh doanh nên cần phải có chỗ ở cho họ và Đại khách sạn (Grand Hotel - khu vực Công ty Intimex hiện nay) được xây dựng bằng gạch theo kiểu Châu Âu đã khai trương vào tháng 11-1885. Grand Hotel có phòng ăn dành 50 người, bàn bida lần đầu tiên nhập vào Hà Nội. Cửa sổ ở tất cả các phòng được lắp kính và ban đêm sáng choang bởi ánh đèn măng xông. Cho dù quy hoạch quanh Hồ Gươm đang được tiến hành nhưng Grand Hotel xin phép làm một cái chòi lợp lá trước cửa cho khách ngắm hồ và trên hồ có 2 chiếc thuyền dành cho khách đi ngắm cảnh và luyện tập sức khỏe. Năm 1888, Hà Nội trở thành nhượng địa của Pháp nên các luật lệ chính quốc chi phối mọi hoạt động của thành phố. Con đường chính từ khu vực Đồn Thủy đi qua Hồ Gươm mang tên viên Thống sứ Paul Bert (sau này là Tràng Tiền) là tuyến đường chính quan trọng vì thế hai bên đã xuất hiện nhà cửa, các cửa hiệu trong đó có các khách sạn. Các khách sạn không chỉ là nơi ở của quan chức, thương gia từ Pháp qua mà còn là nơi trú ngụ của hàng ngũ sĩ quan cao cấp của quân đội Pháp ở Việt Nam.

Đầu tiên là Khách sạn Gà vàng (Coq d'Or - nay Ngân hàng GP ở ngã ba phố Ngô Quyền - Đinh Lễ), trên tầng 3 có gắn biểu tượng con gà trống. Tiếp đó là Khách sạn Hà Nội (Hotel HaNoi - sau năm 1954 đổi thành Dân Chủ và hiện nay mang tên De L'opera ở 29 phố Tràng Tiền). Ngày 26-4-1913, tại khách sạn này xảy ra vụ ném tạc đạn giết chết hai tên sĩ quan cấp tá của quân đội Pháp là Chapuis và Montgrand làm bị thương một số tên khác. Sự kiện hai sĩ quan Pháp bị chết làm rung chuyển Hà Nội. Người thực hiện vụ này là nhà Nho yêu nước Nguyễn Khắc Cần (1875-1913). Ông sinh ra ở thôn Yên Viên, xã Yên Viên, huyện Gia Lâm, nổi tiếng là người hay chữ, đã từng đỗ kỳ thi Hương nhưng không ra làm quan mà ở quê dạy học nên được người trong vùng kính trọng gọi là Đồ Cần. Đồ Cần tham gia phong trào Đông Du và hoạt động trong Việt Nam Quang phục hội (do cụ Phan Bội Châu sáng lập). Sau khi gây ra vụ nổ, ngày 7-5-1913, trong lúc vượt biên giới ở Lạng Sơn để sang Trung Quốc, Nguyễn Khắc Cần bị bắt.

Ngày 5-9-1913, ông bị Hội đồng đề hình của tòa án thực dân Pháp tại Hà Nội kết án tử hình. Và chúng đã thực hiện bản án này đối với Nguyễn Khắc Cần cùng 6 chí sĩ yêu nước khác của Việt Nam Quang phục hội bằng máy chém trước cửa nhà tù Hỏa Lò vào sáng 24-9-1913. Sau khi xử tử hình xong, thực dân Pháp mang xác 7 chí sĩ đến khu vực gần Nhà thương Bạch Mai chôn cất. Nhưng đến nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt của 7 chí sĩ lẫm liệt này. Sau này tên ông được đặt cho con phố nằm bên khách sạn. Chuẩn bị cho sự kiện Hà Nội trở thành thủ đô của Liên bang Đông Dương và Triển lãm Thương mại thuộc địa đầu tiên tổ chức tại Hà Nội năm 1902, rất nhiều khách sạn mọc lên.

Nhưng khách sạn lớn và bề thế nhất chính là Khách sạn Métropole (sau năm 1954 đổi thành Khách sạn Thống Nhất) nằm trên phố Ngô Quyền. Được xây dựng năm 1901 bởi hai nhà đầu tư người Pháp, Métropole thể hiện nét kiến trúc cổ điển qua lớp sơn tường trắng, những khung cửa xanh, các họa tiết tinh xảo trên sắt, ván tường bằng gỗ và một sân cỏ xanh tươi. Vào mùa đông, khách sạn cao 3 tầng này có hệ thống sưởi ấm bằng hơi nước nóng. Chính tại quầy dành cho khách uống cà phê (Grand café), viên quản lý khách sạn đã cho chiếu bộ phim đầu tiên mở màn cho việc đưa phim nước ngoài vào chiếu tại Hà Nội. Và cũng tại đây, Công ty Điện ảnh mới (Nouvelle Entreprise Cinematographique) đã tổ chức liên hoan phim. Trong nửa đầu thế kỷ XX, rất nhiều những nhân vật nổi tiếng thế giới đã ở đây như sau vua hề Charlie Chaplin sau khi cưới vợ tại Thượng Hải năm 1936 đã cùng cô vợ mới hưởng tuần trăng mật tại chính Métropole và họ đã dạo chơi trên đại lộ Henri Rivière (nay là phố Ngô Quyền). Graham Greene - tác giả cuốn tiểu thuyết nổi tiếng "Người Mỹ trầm lặng" cũng từng có thời gian nghỉ tại đây và nhiều chính khách của nhiều quốc gia.

Nửa cuối của thế kỷ XX và cho đến hôm nay, khách sạn vẫn là nơi lưu trú của nhiều nguyên thủ quốc gia khi đến thăm Việt Nam. Tháng 12-1972, diễn viên nổi tiếng của điện ảnh Mỹ - Jane Fonda, người phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của chính quyền Mỹ ở Việt Nam đã từng ở nơi này ngay sau khi tiếng bom B52 vừa ngừng trên bầu trời Hà Nội. Jane Fonda đã đến thăm Bệnh viện Bạch Mai và phố Khâm Thiên và chị đã khóc khi nhìn thấy trẻ em và dân lành bị chết vì bom Mỹ. Cũng tại hầm trú ẩn của khách sạn, nữ ca sĩ người Mỹ Joan Baez với cây đàn ghi ta đã hát những ca khúc phản đối chiến tranh trong một đêm trời Hà Nội bom rung đạn nổ... Và cũng chính tại khách sạn này, có một mối tình như Romeo và Juliet giữa một cô gái Thụy Điển làm cho dự án Nhà máy Giấy Bãi Bằng (Phú Thọ) ở dài hạn tại khách sạn và một chàng trai Việt Nam. Cô thường xuyên ngóng anh bên cửa sổ vào buổi tối. Nhờ bức thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi cho cơ quan chàng trai nên chuyện tình của hai người kết thúc bằng một đám cưới ấm áp.

Tháng 8-2011, trong lúc cải tạo và sửa chữa, người ta đã phát hiện ra hầm trú ẩn được xây dựng trong thời kỳ Mỹ ném bom đánh phá miền Bắc và Hà Nội với những bóng đèn điện cũ kỹ, chai dầu hỏa và những dòng chữ của khách viết trên tường khi tránh bom.

Cuối góc phố Tràng Tiền - Đinh Tiên Hoàng hiện có một tòa nhà xây theo phong cách kiến trúc Art deco. Trước năm 1920, vị trí này từng là khách sạn Terminus, nhưng năm 1920, người mua đã phá khách sạn Terminus và mua thêm đất của gã Lacaze, một lính Pháp đã nghỉ hưu nhưng không muốn trở về Pháp để xây Ngân hàng địa ốc (Crédit Foncier).

Dù không phải là khách sạn nhưng Ngân hàng địa ốc dành nhiều phòng cho thuê, trong đó có cả lãnh sự Đức. Hiện nay, tòa nhà này thuộc quyền quản lý của Bộ Công thương và văn phòng của một số hiệp hội. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài mong muốn thuê lại tòa nhà để mở khách sạn.
Khách sạn Kim Liên. Ảnh: Phương An

Hà Nội còn có một khách sạn khác nhưng nay không còn là khách sạn Pháp quốc (Hotel de France) mở từ năm 1920, chủ là M.de Boujon. Trước khi trở thành khách sạn, dãy nhà này là khu nội trú của sinh viên Trường Cao đẳng Thương mại (góc phố Hàng Bài - Hai Bà Trưng hiện nay). Tại khách sạn này có một sự kiện khá đặc biệt - nơi tổ chức đám cưới con trai nhà tư sản Bạch Thái Bưởi với 250 mâm cỗ và trở thành đám cưới đầu tiên của người Việt ở Hà Nội không làm tại nhà mà đặt cỗ tại khách sạn.

Các khách sạn thời Pháp không chỉ là nơi lưu trú cho khách mà còn là nơi khởi đầu cho phong trào nhảy đầm ở Hà Nội. Khi khách sạn Coq d'Or mọc lên ở phố Tràng Tiền, chủ khách sạn này đã mở khiêu vũ để giải khuây cho khách lưu trú và người Pháp đang sống, làm việc ở Hà Nội vào cuối tuần. Các ban nhạc chơi tại khách sạn chủ yếu từ Philippines qua và sau này có thêm các ban nhạc Nga. Từ những năm 1930 cho đến năm 1954, các nhạc sỹ, nhạc công người Việt Nam được mời chơi đàn ở các khách sạn ngày càng nhiều, trong đó phải kể đến nhạc sỹ Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Hữu Hiếu, Nguyễn Văn Diệp... ban nhạc Lúa Vàng của Hoàng Trọng. Trong những năm 1990, một số khách sạn mở khiêu vũ vì thế đã xảy chuyện tranh giành vũ nữ giữa khách sạn Royal (phố Hàng Tre) và khách sạn Hà Nội (ở Giảng Võ). Khách sạn Hà Nội vốn có nhiều khách nước ngoài, nghệ sĩ violon kiêm ca sĩ có giọng hát thuộc hàng độc Tô Lịch chuyên chơi nhạc ở đây lúc còn sống kể rằng, nhiều vũ nữ năn nỉ anh dạy bài hát bằng tiếng Trung để các cô hát cho khách nghe khi họ đã phê phê. Tính đến năm 1954, Hà Nội có 30 khách sạn lớn nhỏ.

Sau Giải phóng Thủ đô (10-10-1954), khách sạn tư nhân vẫn hoạt động bình thường và đến tháng 7-1959, Hà Nội thực hiện cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh thì các khách sạn tư nhân trở thành công tư hợp doanh, sau đó là của Nhà nước. Từ đó cho đến năm 1975, số lượng khách sạn ở Hà Nội giảm đi do bị chuyển đổi mục đích sử dụng. Cũng có vài khách sạn được xây mới như: khách sạn Kim Liên (đầu phố Đào Duy Anh), Giảng Võ (gần Trường Tiểu học Kim Đồng). Khách sạn Kim Liên chủ yếu dành cho chuyên gia Liên Xô và dù sao cũng không như khách sạn Giảng Võ, vốn là nguyên mẫu của nhà lắp ghép cao tầng. Tiếng là khách sạn mà đi vệ sinh phải dội nước. Sở dĩ sau khi thống nhất đất nước Hà Nội vẫn chỉ bấy nhiêu khách sạn vì kinh tế quá khó khăn, đất nước bị bao vây, cấm vận nên có rất ít khách du lịch đến Việt Nam, vì thế nếu có xây khách sạn sang cũng phí phạm. Sau khi thực hiện đổi mới, Hà Nội cũng xuất hiện thêm một số khách sạn như: Xuân Hồng (gần đầu phía nam cầu Thăng Long), Khăn Quàng đỏ (dành cho thiếu niên ở phố Hoàng Hoa Thám), Sông Nhuệ (gần bến xe ô tô Hà Đông). Để tồn tại, các khách sạn này chấp nhận cho khách lưu trú không cần giấy tờ và trong một thời gian, 3 khách sạn này trở thành nơi rình đánh ghen của không ít bà vợ có chồng thích tòm tem.

Một khách sạn làm tốn giấy mực và ồn ã dư luận là khách sạn Hà Nội Vàng xây dựng trên vị trí Câu lạc bộ Thể dục thể thao Việt Nam - Lào - Campuchia thời bao cấp. Trước năm 1945, tòa nhà ở khu đất này là bệnh viện tư của bác sỹ Lê Văn Phán. Sau đó là chỗ ở của Chủ tịch Quốc hội Bùi Bằng Đoàn và trong khoảng thời gian Thực dân Pháp có ý đồ tái chiếm Hà Nội năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thi thoảng nghỉ đêm ở đây khi Người thường xuyên phải thay đổi chỗ ngủ để bảo đảm an toàn. Chiến sự tháng 12-1946 đã phá hủy toàn bộ khu nhà này. Đầu năm 1990, miếng đất đẹp và rộng nhất quanh khu vực Hồ Gươm đã được Công ty Hanesco liên doanh với Công ty Gold Dino Development của Hồng Kông (Trung Quốc) để xây khách sạn này, tổng số vốn đầu tư là 18,5 triệu USD. Dự án với thiết kế tòa nhà có chiều cao 35m khởi công vào năm 1994. Một công trình đồ sộ nằm ngay sát Hồ Gươm sẽ biến hồ thành ao làng, phá hỏng không gian phố cổ, không gian Hồ Gươm, hơn 10 tờ báo gồm: Lao động, Thể thao và Văn hóa, Hànộimới, Đại đoàn kết, Tiền phong... đã lên tiếng kiến nghị UBND TP Hà Nội, liên doanh dừng dự án. Giáo sư Phan Huy Lê, nhà sử học Dương Trung Quốc, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính đã viết thư gửi Thủ tướng khi đó là ông Võ Văn Kiệt kiến nghị Chính phủ chỉ đạo không cho xây tiếp cho dù có hạ chiều cao vẫn là cục bê tông lù lù bên Hồ Gươm mà bài học từ công trình nhà Bưu điện Hà Nội (75 Đinh Tiên Hoàng) và nhà làm việc của UBND TP Hà Nội. Tuy nhiên, công trình chỉ buộc phải dừng lại khi đang thi công đến tầng thứ 3. Hai bên liên doanh thương thảo lại nhưng không tìm được tiếng nói chung trước yêu cầu hạ độ cao của Thủ tướng. Phía nước ngoài khăng khăng đòi giữ nguyên như giấy phép đã cấp, còn Công ty Hanesco lại không thuyết phục được đối tác chấp hành ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng. Công trình nằm chết mấy năm và cuối cùng đối tác nước ngoài đã bán lại phần góp vốn cho phía Việt Nam. Sau đó Bảo Việt và Ngân hàng VP mua lại. Năm 2003, chủ mới công trình tổ chức trưng bày mô hình thiết kế và lấy ý kiến các nhà chuyên môn cùng người dân về ba mẫu thiết kế mới (trong đó có thiết kế đã xây dựng nhưng được sửa chữa lại). Cuối cùng, mẫu thiết kế cũ vẫn được chọn. Tháng 6-2004 công trình tiếp tục xây dựng với chiều cao tòa nhà là 25,3m. Cách khách sạn Vàng không xa là khách sạn Phú Gia (136 phố Hàng Trống). Đó là tòa nhà ba tầng, diện tích mặt bằng khoảng 500m2, tầng trệt suốt thời kỳ bao cấp là quán phở mậu dịch. Tầng hai và tầng ba dành cho khách. Đến thời kỳ đổi mới tầng trệt được cải tạo thành quán bar. Khách sạn này trước là nhà hàng của gia đình cụ Phú Gia, sau khi cải tạo tư bản tư doanh trở thành công ty hợp doanh và sau đó Nhà nước quản lý. Cuối những năm 1990, khách sạn này được cổ phần hóa với giá trị vài tỷ đồng, khách sạn cũ bị đập đi và người ta đang xây mới.

Một khách sạn khác cũng không nhận được sự đồng tình của giới truyền thông vì xây bên cạnh Vườn thú Hà Nội là khách sạn Daewoo. Cuối cùng thì chuyện cũng kết thúc khi chủ đầu tư cam kết bỏ kinh phí chuyển vườn thú lên Ba Vì, song đến nay, 14 năm đã trôi qua Vườn thú Hà Nội vẫn ở đó. Đầu năm 1990, nhiều dự án khách sạn có vốn đầu tư của nước ngoài được cấp giấy phép, song khi xảy ra khủng hoảng kinh tế ở Thái Lan năm 1997 có chủ đầu tư không vay được tiền xây dựng tiếp phải sang nhượng, khách sạn The Lien (nay là khách sạn 5 sao Seraton) trả lương công nhân bằng... ti vi.

Tính đến thời điểm này, Hà Nội có hàng chục khách sạn 5 sao, trong cuộc trò chuyện với bếp trưởng của một khách sạn hạng sang, ông này cho biết thứ duy nhất họ mua ở Việt Nam là hạt tiêu, còn lại tất cả thực phẩm đều nhập ở nước ngoài để bảo đảm an toàn cho khách lưu trú. Việt Nam là xứ nhiệt đới nên rau, củ, quả, thịt cá không thiếu, việc các khách sạn 5 sao không sử dụng thực phẩm của Việt Nam là câu hỏi cho các nhà sản xuất. Bên cạnh các khách sạn sang, Hà Nội còn có vô số khách sạn hạng trung và đặc biệt là nhà nghỉ thì không đếm hết. Về kinh tế, có thể thu được thuế nhưng về mặt xã hội, nhà nghỉ là nơi chứa đựng các tệ nạn xã hội... Điều này ai cũng biết!

(Hà Nội Mới/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark