10/07/2012 | 17:31:00

Thanh long ruột đỏ Hà Nội

Việc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội phối hợp với bà con nông dân đưa cây thanh long ruột đỏ vào trồng thí điểm thành công trên vùng đất đồi gò cằn cỗi của Hà Nội đã mở ra hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Xã Kim Quan (huyện Thạch Thất, Hà Nội) mùa này hai bên đường rợp màu xanh của những dãy thanh long chạy dài. Bước vào cổng nhà ông Đỗ Xuân Nhung, Bí thư Chi bộ xã, tôi thực sự choáng ngợp bởi cả trăm giàn thanh long đang đua nhau đâm chồi non mập mạp. Nhắc tới chuyện nông dân làm kinh tế giỏi, ông Nhung bỗng hồ hởi kể lại câu chuyện mà ông coi là kì tích về cây thanh long ruột đỏ.

Vốn là loại cây thích hợp ở các vùng đất bằng phẳng, đồi núi, ven biển, dưới sự hướng dẫn của các kĩ sư nông nghiệp thuộc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, năm 2008, ông đã mạnh dạn đem giống cây này về trồng thử trên vùng đất đồi gò, giống cây mà trước đó chỉ được biết đến là phù hợp với điều kiện sống ở các tỉnh miền Nam.

Bà Nguyễn Thị Hồng, vợ ông Đỗ Xuân Nhung, giới thiệu giống cây thanh long ruột đỏ cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao.

Điều dám nghĩ, dám làm ở ông là quyết định bỏ ra hàng trăm triệu đồng đầu tư xây dựng cơ sở cho vườn thanh long, một khoản tiền không nhỏ với người nông dân và hơn thế nữa số tiền đó có thể mất trắng nếu như giống thanh long ruột đỏ không “bám rễ” được trên đất đồi gò. Sau khi đấu thầu thành công hơn 10ha đất của xã, bước đầu ông đã nhân giống trồng 3000 gốc thanh long ruột đỏ trên diện tích 3ha.

Sau hai năm, thành công mỉm cười cùng gia đình ông khi vườn thanh long ruột đỏ đã cho thu hoạch với năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Từ đầu tháng 4 đến cuối tháng 10 âm lịch, trung bình gia đình ông thu hoạch từ 7 - 9 lứa, mỗi lứa trung bình từ 3 - 5kg quả/cây; trường hợp sai quả, cây đậu đến 15kg quả/cây.

Các lái buôn đến tận vườn thu mua với giá trên dưới 30.000 đồng/kg, giá trị kinh tế hiệu quả gấp 2 - 3 lần so với thanh long ruột trắng.

“Thanh long ruột đỏ ở vùng đất này tươi lâu nên không phải dùng thuốc bảo quản hay cho vào phòng lạnh, do đó giá bán được cao mà người tiêu dùng vẫn ưa chuộng” - chị Oanh, một thương lái đến thu mua thanh long ruột đỏ tại vườn gia đình ông Nhung cho biết.

Nói về tầm quan trọng của cây thanh long ruột đỏ, ông Nhung nhận xét, hiện không ít loại cây sau mỗi vụ thu hoạch, người nông dân lại phải chăm sóc, đầu tư thêm công sức, tiền của cho vụ mới, nhưng thanh long ruột đỏ càng những năm về sau năng suất lại càng cao mà hầu như không phải đầu tư nhiều. Nông dân thu hoạch thanh long ruột đỏ quanh năm, trừ chí phí mỗi lứa có thể thu lãi vài chục triệu đồng.

Gia đình ông Nhung hiện cũng trực tiếp nhân giống để bán cho các hộ dân khác trong toàn huyện. Không ít gia đình có đất đồi gò đã chuyển đổi từ trồng sắn sang trồng thanh long ruột đỏ.

“Sau khi đến tham quan, học hỏi mô hình kinh tế của gia đình ông Nhung, tôi đã quyết định chuyển hơn 1ha đồi sắn sang trồng thanh long ruột đỏ. Khi đó mọi người ai cũng nói tôi mạo hiểm và “liều” bởi số tiền bỏ ra đầu tư trồng một giống cây lạ là không nhỏ, nhất là với người nông dân nghèo. Nhưng sau một năm cho thu hoạch, ai cũng tấm tắc khen cái “liều” của tôi đã làm cho kinh tế gia đình khởi sắc” - ông Hoàng Ngọc Hạp, người xã Kim Quan, huyện Thạch Thất cho biết.

Hiện diện tích trồng thanh long ruột đỏ tại các vùng đất đồi gò ngoại thành Hà Nội ngày càng tăng. Từ nay đến cuối năm, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội sẽ phối hợp với UBND huyện Thạch Thất tiếp tục triển khai trồng thanh long ruột đỏ trên 12ha đất rừng tại khu vực đồi Kim Trung, đồng thời hỗ trợ vốn, kĩ thuật, giống cho các hộ gia đình còn khó khăn trong việc triển khai trồng thanh long ruột đỏ, mở ra một hướng đi khởi sắc cho một vùng đất nông nghiệp ven đô./.

(Báo Ảnh Việt Nam/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark