30/10/2014 | 09:06:00

Thêm 783 triệu đồng để bảo tồn loài và sinh vật cảnh hồ Hoàn Kiếm

Bảo vệ môi trường sinh thái hồ Hoàn Kiếm. (Ảnh: Vietnam+)

Nhằm bảo tồn, bảo vệ các loài thủy sản có giá trị kinh tế và sinh vật quý hiếm, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái hồ Hoàn Kiếm, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội dự kiến sẽ chi 783 triệu đồng để triển khai dự án “Quy hoạch chi tiết khu bảo tồn loài và sinh vật cảnh hồ Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội đến năm 2020.”

Theo Quyết định số 5546/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề cương nhiệm vụ quy hoạch chi tiết khu bảo tồn loài và sinh vật cảnh Hồ Hoàn Kiếm đến năm 2020 vừa được Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Xuân Việt ký ban hành ngày 28/10, phạm vi dự án được nghiên cứu tại 5 phường: Hàng Trống, Lý Thái Tổ, Tràng Tiền, Hàng Bạc, Hàng Đào thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm.

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và Chi cục Thủy sản Hà Nội (chủ đầu tư) sẽ quy hoạch toàn bộ vùng nước ở hồ và vùng phụ cận có diện tích 16ha.

Đối tượng được lựa chọn lập quy hoạch là bảo tồn đa dạng sinh học vùng nước hồ Hoàn Kiếm nơi cư trú, sinh sản, sinh trưởng của Rùa và một số đối tượng thủy sinh đặc trưng quan trọng.

Dự án này sẽ tập trung vào việc điều tra thu thập các số liệu về môi trường sống và đa dạng thủy sinh hồ Hoàn Kiếm; đánh giá tác động về môi trường sinh thái; các nguyên nhân cơ bản gây tác động tới đa dạng thủy sinh học và khả năng phục hồi các quần thể các loài thủy sinh có giá trị kinh tế, giá trị xã hội cần được bảo tồn…

Dự kiến thời gian thực hiện dự án trong khoảng một năm từ 2014 đến 2015.

Trước đó, ngày 24/9, tại Quyết định số 4924/QĐ-UBND về việc phê duyệt “Quy hoạch bảo tồn Đa dạng sinh học thành phố Hà Nội đến năm 2030” do Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh ký ban hành, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng đã cho phép thành lập khu bảo tồn loài-sinh cảnh hồ Hoàn Kiếm, với diện tích tự nhiên khoảng 11,5ha thuộc địa bàn phường Hàng Trống và phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm.

Mục đích của việc thành lập khu bảo tồn loài-sinh cảnh hồ Hoàn Kiếm nhằm bảo vệ loài Rùa hồ Gươm và nhiều loài thủy sinh vật khác, bảo vệ di sản văn hóa, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và môi trường phục vụ du lịch, giáo dục, nghiên cứu./.

Hạnh Dung

Bản để in Lưu vào bookmark