12/12/2009 | 16:27:00

“Thơ tình Hà Nội” làm bồi hồi trái tim độc giả

Tập “Thơ tình Hà Nội” (Ảnh: Thúy Mơ/Vietnam+)

Đã lâu lắm rồi trên văn đàn Việt Nam mới lại xuất hiện một tập thơ gây được nhiều xúc động cho người đọc đến thế. Thơ tình tưởng chừng đã đi vào lối mòn, nhàn nhạt không ai còn thiết đọc, vậy mà tập “Thơ tình Hà Nội” (Nhà xuất bản Trẻ) đã làm bồi hồi bao nhiêu trái tim độc giả.

Hà Nội là địa danh của Việt Nam đã được đi vào thơ ca nhiều nhất. Từ cổ chí kim, hầu hết các nhà thơ Vệt Nam đều có thơ về Hà Nội. Hà Nội luôn là nguồn cảm hứng vô tận đối với các thi sĩ.

Chính vì thế, hướng tới 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, đã có nhiều tập thơ nhằm kỷ niệm sự kiện trọng đại này. Tập “Thơ tình Hà Nội” do Công ty truyền thông Sơn Ca tài trợ cũng nằm trong dòng chảy của tâm thức ấy.

Với quan niệm “Chỉ có thơ hay chứ không có tác giả lớn và nhỏ," ban tuyển chọn đã chọn 100 bài thơ tình hay về Hà Nội của 100 tác giả khác nhau.

Độc giả sẽ có dịp thưởng thức thơ của những cây bút tên tuổi như Vũ Quần Phương, Hữu Thỉnh, Nguyễn Trọng Tạo, Vân Long…, hân hoan với các nhà thơ có phong cách lạ như Đoàn Ngọc Thu, Trần Hoàng Thiên Kim, Ngô Tự Lập… Không chỉ thế, độc giả còn được gặp gỡ những cây bút trẻ đang được dư luận quan tâm như Quế Mai, Hồ Huy Sơn  và cả những tác giả chưa có tên tuổi trên văn đàn.

Dù ở tuổi đời và tuổi nghề khác nhau, nhưng các cây bút trong tập thơ này đều có chung một điểm là tình yêu thiết tha dành cho Hà Nội.  

Tình yêu Hà Nội trong thơ Phạm Sỹ Đại gắn liền với tình yêu đôi lứa, bâng khuâng chút mộng đầu đời: “Anh đi cùng em trong đêm Hà Nội/ Trời đầy hương. Đất đầy hoa/ Dọc đường xanh những vòm cây mát rượi/ Ta bên nhau trong ánh điện sáng loà” (bài “Hạnh Phúc”).

Có địa danh của Hà Nội: Nghi Tàm, Hồ Gươm… bản thân nó đã đẹp như thơ, đặt trong vần thơ lại nhiều lần đẹp và thân thương hơn nữa: “… Hồ xanh buồm lộng gió lùa/ Thuyền xưa về lại bến xưa… Nghi Tàm/ Trông lên nắng đã phai vàng/ Nhìn về Quảng Bá chiều đang xuống dần” (“Chiều đông Quảng Bá” của tác giả Gia Dũng).

Tác giả Dương Kỳ Anh lại khắc khoải nỗi nhớ về một mối tình đã xa: “Thu buông áo mỏng, chiều buông chậm/ Anh đứng chờ em, hút phố dài/ Gió thổi, hai hàng, cây lá ấy/ Suốt đời, xao xác mãi em ơi” (bài thơ “Nhớ mùa thu Hà Nội”).

Bên cạnh tình yêu đôi lứa, thơ tình Hà Nội còn gắn với niềm tự hào về lịch sử vẻ vang của mảnh đất này: “Long Biên, Tháng 7. Trăng tròn bóng/ Sông Hồng dè xẻn gió sang ngang/ Trận địa bên cầu thao thức sóng/ Mâm pháo cuồng đêm vợi ánh vàng” (bài thơ “Long Biên… Long Biên” của Đỗ Quý Bông).

Nhà thơ Vũ Quần Phương thì lại tỏ ra trăn trở nỗi niềm thế sự: “Nhớ gì như nhớ vô tâm/ Nửa ôm thế sự nửa cầm chiêm bao”.

Mỗi nhà thơ có cảm xúc và cái nhìn riêng về Hà Nội. Trước kia, có nhà thơ từng phàn nàn trong nỗi cô đơn: “Phố đông đúc phố mà nghèo tri ân”. Ngược lại, Nguyễn Trọng Tạo hòa mình cùng Hà Nội, mở lòng với cuộc sống. Kẻ cho đi thì luôn được nhận lại nên anh đã nhìn Hà Nội trong sự ấm áp của tình bằng hữu: “Về lặng thinh trong căn phòng máy lạnh/ Hà Nội ngân… giai điệu bạn bè” (bài thơ “Một mình”). Tình bạn nơi đất Hà Thành, với thi nhân, nó đẹp như bản tình ca, thiết tha, sâu lắng.  

Nữ thi sĩ Đoàn Ngọc Thu đưa tới cho độc giả cái nhìn mới lạ và thú vị: “Một mai em chết/ Xin làm cỏ êm/ Anh cùng người khác/ Tình tự trên em…” (Bài thơ “Cỏ”). Tình yêu chân thành của người phụ nữ trong thơ gắn liền với sự vị tha, cao đẹp. Lời thơ dung dị nhưng hình ảnh thơ lại độc đáo, hiền mà táo bạo…

“Đề tài về Hà Nội không bao giờ hết mãi còn là nguồn cảm xúc cho các thi nhân”, nhà thơ Lê Minh Quốc, một trong những người tuyển chọn thơ cho tập “Thơ tình Hà Nội” tâm sự.
 
Có thể nói, “Thơ tình Hà Nội” là tập thơ có sự đóng góp lớn về số lượng và thành phần tác giả. Chỉ qua một tập thơ, độc giả có thể nắm bắt được phần nào diện mạo của nền văn học đương đại Việt Nam bởi 90% tác phẩm được đăng là những sáng tác mới./.

Thúy Mơ (Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark