01/10/2009 | 10:46:00

Thú chơi cây cảnh của người Hà Nội

Nghệ nhân cây cảnh nghệ thuật Lê Hữu Quyết đang tỉa cây xanh thế song trụ. (Ảnh: Tất Sơn)

Từ xưa, người Hà Nội đã biết chơi cây cảnh, một thú vui thanh tao, đẹp cả về tâm hồn và cuộc sống.

Từ đời Lý (thế kỷ XI), quanh Thăng Long đã có nhiều làng trồng hoa, cây cảnh để phục vụ cho nhu cầu trong kinh thành mà tên đất, tên làng còn ghi dấu đến ngày nay như Võng Thị, Nghi Tàm, Hồng Mai, Hoàng Mai, Kẻ Mơ.

Xa hơn là Tây Hồ, Quảng Bá, Hữu Tiệp, Đại Yên nối tiếp nhau thành đất hoa cùng với dinh đào Nhật Tân tạo thành một vành đai hoa xung quanh chốn kinh kỳ.

Người dân đất kinh thành có thú chơi cây cảnh, tiếng nghề nghiệp gọi là cây thế, cái đẹp của cây thế khác cung bậc với cái đẹp của màu sắc hoa.

Thoạt nhìn, thú chơi cây cảnh tưởng như rất đơn giản, hàng ngày chỉ cần tưới nước, cắt tỉa giữ cho cây luôn xanh tốt là được. Nhưng thực chất đây là cả một quá trình tìm tòi đầy sáng tạo của người chơi.

Nghệ nhân cây cảnh nghệ thuật Hà Nội Lê Hữu Quyết cho biết trong nghệ thuật cây cảnh thì cái khó nhất là tạo dáng cho cây. Một nghệ thuật làm cho cây cằn cỗi, còi cọc, ba chục năm cũng chỉ cao hơn một vài gang tay...

Do bàn tay uốn tỉa, ghép tạo khéo léo của con người mà cây có những thế đẹp. Thân đứng thẳng ngạo nghễ, hùng dũng là thế trực. Ngả rạp ngang rồi mới xòe tán là thế hoành. Hai cây ghép đôi là song trụ. Lại uốn, nắn, g̣ò cho cây thành thế ngọa long (con rồng nằm), giao long (đôi rồng lượn), phượng vũ (chim phượng múa), bạt phong (gió cuốn)...

Bên cạnh những cây thế được tạo dáng, nhiều người chơi cây cảnh đã dựa trên những thế có sẵn để sáng tạo ra nhiều cây có thế mới lạ như hai cây ghép thành một gốc, hay kiểu một gốc phân ra nhiều thân cao thấp khác nhau, xoắn xuýt với nhau.

Cây đa hay sung là hai loại cây có bộ gốc, rễ, thân, cành rất đẹp, song lá của chúng lại quá to, để có được cây sung cao không quá 40-50cm, có tán lá thu nhỏ hợp với khu vườn nhỏ người chơi phải cắt bỏ toàn bộ số lá cũ, chờ cây ra lộc lại tiếp tục “hãm” lá bằng cách tưới ít nước.

Lá non mới nhú phải sống trong môi trường thiếu nước sẽ nhỏ đanh lại. Chờ toàn bộ lá trên cây già, có màu xanh thẫm, bắt đầu chăm bón, tưới nước bình thường, giữ cho bộ lá xanh quanh năm.

Về bộ rễ, đòi hỏi rút rễ cây thật nhẹ, theo thời gian năm tháng sau mỗi lần trồng lại cây vào mâm hay chậu khác, cây sẽ dần dần phô bày bộ rễ. Trong quá trình này nếu trời mưa phải bê chậu cây vào nhà hoặc che đậy để nước mưa không vào bồn.

Ngày nay, nhiều người chơi cây tạo dáng theo kiểu cách tân, đã có những cây cảnh có giá trị thẩm mỹ khá cao như cây được uốn theo thế hạn phụ thạch (cây ôm đá). Đây là kiểu cây có rễ xuyên qua kẽ đá bao trùm lên đá.

Hay như kiểu cây liền rễ (còn gọi là qua cầu), đây là những cây có một chùm rễ xù xì lộ ra nhưng không đứng riêng lẻ mà dính liền với nhau.

Không giống như những môn nghệ thuật khác, nghệ thuật cây cảnh là môn nghệ thuật đa chiều sống động, một thú chơi tao nhã của người dân Hà Nội, mỗi người chơi, mỗi ý tưởng, mỗi tâm hồn khác nhau./.

(TTXVN/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark