07/10/2009 | 16:04:32

Thú chơi hoa của người Hà Nội

Hoa đào Nhật Tân. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Từ xa xưa, Thăng Long đã có những làng hoa, vườn hoa nổi tiếng.

Vùng quanh Hồ Tây là vành đai hoa của kinh thành cũ. Làng Nghi Tàm còn có khu đất cổ truyền vẫn gọi là Đồng Bông (bông là hoa). Các làng Võng Thị, Trích Sài cũng đều có đồng hoa cổ từ thời Lý. Làng Yên Hoa ở cửa ô Yên Hoa (nay là Yên Phụ), cũng là nơi người ở chen với hoa từ lâu đời.

Tây Hồ, Quảng Bá, Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Đại Yên nối tiếp nhau thành đất hoa. Xa hơn là dinh đào Nhật Chiêu (nay là Nhật Tân). Các tên làng, tên phường cũng nói lên xứ sở ngàn hoa: Hồng Mai, Hoàng Mai, Tương Mai, gọi nôm là Kẻ Mơ, một rừng mơ ở phía nam đô thành. Lại có cả một đường hoa: Hòe Nhai - đường Hoa Hòe. Ngay Hồ Tây xưa cũng là một nơi mọc đầy sen.

Các thời đại Lý, Trần, Lê đều xây dựng những vườn hoa đẹp tại kinh thành Thăng Long. Tất nhiên, đó chỉ là những vườn ngự dành riêng cho vua chúa chứ chưa phải là những công viên dành cho đại chúng. Sử cũ còn ghi tên nhiều vườn hoa nổi tiếng ở thời Lý như vườn Quỳnh Lâm, vườn Thắng Canh, vườn Xuân Quang, vườn Thượng Lâm. . . Ở thời Lê, tục chơi chậu hoa, cây cảnh, núi non bộ, nuôi chim khướu . . . rất thịnh hành trong dân gian Thăng Long (Vũ trung tùy bút).

Xưa kia, cứ vào dịp Tết Nguyên đán, ở Thăng Long lại có tục mở chợ Hoa xuân, chợ họp ngay bên chợ Cầu Đông, kéo dài từ Hàng Đường lên tới tận đền Huyền Thiên (nay ở cuối phố Hàng Giấy). Tục này còn mãi đến bây giờ.

Chơi hoa, chơi cây cảnh đã thành một nghệ thuật. Nó không chỉ cần am hiểu kỹ thuật mà đòi hỏi cả tâm hồn. Một thú chơi di dưỡng tinh thần. Một chậu hoa, một cây thế, một hòn núi giả không những thể hiện trình độ thẩm mỹ mà còn nói lên cả tâm tư, tình cảm của chủ nhân.

“Người xưa cũng thường cho tinh thần đi chơi ngoài cảnh vật, trong cách chơi mà vẫn ngụ cái ý về thế giáo thiên luân (ý nói đạo làm người). Vậy nên mượn khóm hoa, tảng đá để ký thác hoài bão cao cả”.

Nhưng đâu vì đắm đuối với cái thú vui cây cỏ ấy mà sao lãng, mà xa lánh chuyện đời, người xưa cũng đã phê phán:

“Mở vườn trồng cây, chồng đá làm núi, khiến cho các vẻ đẹp của cỏ cây cái thế hùng vĩ của núi non trình bày ra trước sân, trước cửa sổ đó mà thôi, chứ có phải hết sức mà chăm chút cảnh vật đâu” (Vũ trung tùy bút).

Hoa là biểu trưng cho cái đẹp. Mỗi loài hoa đều có ngôn ngữ riêng. Cúc tượng trưng cho nếp sống khiêm tốn, điềm đạm, cho người giàu tâm hồn. “Phú quý lòng hơn phú quý danh” (Nguyễn Trãi). Mẫu đơn là vua hoa, hoa phú quý, hoa “thiên hương quốc sắc”. Đào đầm ấm khí dương xuân, phù hợp với mọi người, mọi nhà. Lan được gọi là “vương giả hương”, thanh nhã, không phàm tục. Thủy tiên với vẻ đẹp trắng trong tiêu biểu cho sự tinh khiết. Trà mi, hải đường, nụ lớn hoa to, cánh dày mà hương kín đáo, biểu tượng cho sự đầy đặn, phúc hậu.

Rồi hoa nhài thoang thoảng, hoa mộc ngát đậm, hoa hồng thanh cao, hoa huệ trang nghiêm dành cho nơi thờ tự tôn kính.

Nhà dân, phong cách dân gian nhất, thông thường nhất là bao bên ngoài một hàng rào dâm bụt, lá xanh thẫm, hoa đỏ tươi, một hàng duối lốm đốm quả vàng, hoặc một hàng găng xén phẳng như bức tường. Một giàn “thiên lý thơm nghìn dặm xa” (Phùng Khắc Khoan), đón khách vào cổng, đi trên con đường nhỏ hai bên viền cỏ tóc tiên, một luống hồng, một luống huệ, mấy khóm nhài. Bên bể nước là một cây lan tiêu hoặc một gốc dạ hợp. Trước hiên nhà một bụi sói, một cây tầm xuân “nụ tầm xuân nở ra cánh biếc”. Hoặc trồng ngâu thì phải trồng đôi, vì ngâu kiêng trồng lẻ. Ngâu to thành bụi thì cắt tỉa tạo hình tròn, đầy như chiếc mâm xôi, hoặc thành đôi hạc đứng chầu. Hương hoa ngâu từ tốn, kín đáo như phong vị quê hương.

Mùa xuân về, người Thăng Long từ ngàn xưa đã có tập quán chơi đào. Đào có mấy thứ đào bích, hoa đỏ thắm, cành xếp xít nhau; đào phai hoặc đào phớt, hoa kép màu phấn hồng; đào bạch, họa đơn màu trắng. Cái đẹp của đào là từ gốc gân guốc chồi ra những cành nhánh gầy guộc, cong vút lên tua tủa theo một thế thẳng đứng, lá xanh biếc man mác, nụ bám cành như những chiếc cúc tròn hồng ngọc, hoa nhỏ nhưng dày, chen cánh, đan nhau tạo thế như một cánh rừng. Cái khó của người trồng đào, là phải hãm hoa cho nở đúng vào dịp Tết. Hãm bằng cách tiện vỏ cây một vòng tròn, không tưới nước cho cây đứng, cây xuống cành thì đem giâm, rồi lại tuốt lá điều khiển cho cây ra hoa theo yêu cầu, tùy thời tiết rét hay ấm, Tết đến sớm hay muộn. Hoa đào thường nở ba đợt thì tàn. Xong Tết, lại bứng cây ra vườn trồng lại cho sang năm.

Ngoài các loại đào trên, Hà Nội còn có giống đào Thất Thốn (bảy tấc), hoa mọc đôi rất đặc biệt. Hiện nay giống đào này chỉ còn thấy ở một vài tư gia.

Cùng họ với đào là mai. Hà Nội có giống mai trắng đẹp. Chơi mai phải chọn thế cây phóng túng, cành thoáng, thân gầy mà hoa to. Một gốc mai già, dáng “cằn cỗi”, bỗng nảy chồi vút lên một nhánh cao dài là cây quý, gọi là điềm “lão mai sinh trưởng cán”. Làng Đông Mỹ, huyện Thanh Trì lại có giống mai đặc biệt, hoa cũng như quả đều từng đôi một, gọi là “song mai”. Quả song mai to, thịt thơm, được coi là một thứ quả quý, đặc sản của Hà Nội.

Người chơi hoa sành thường cho mai đi với cúc đại đóa vàng. Cúc là loài hoa đẹp, bền, hình dáng phong phú, có loại hoa đơn, có loại hoa kép, cánh cúc nhiều mà không rối, không xô đẩy nhau, cánh dài và cứng, lá xanh tươi, nhiều màu sắc nhất, cũng như nhiều chủng loại nhất trong các loài hoa. Nào là cúc châu sa, đầm hồng, hạc linh, hoàng long trảo, hoàng kim tháp, bạch thọ mi, hoàng yến, vạn thọ kim tiền... Đó là tên gọi cổ, tên chữ, còn dân gian thì vẫn quen gọi nôm na bằng hình dáng và màu sắc của hoa: cúc vàng to, cúc vàng nhỏ, cúc vàng cụp, cúc tiền chinh, cúc trắng, cúc đỏ, cúc tía, cúc hoa cà, cúc mâm xôi, cúc gấm, cúc móng rồng, cúc chi . . .

Chơi cúc có nhiều cách: cắm lọ để bàn, trồng chậu đặt đôn sứ trong phòng hoặc dưới mái hiên, cạnh lồng chim, bể cá. Hay nhất là trồng từng khóm trong vườn cảnh, cho hoa nở giữa sương thu, gợi nguồn thi hứng cho khách làng thơ. Loại cúc nhỏ phơi khô (cúc trắng hoặc vàng) còn dùng để làm vị thuốc và ướp chè.

Thanh nhã thì chơi lan, địa lan hoặc phong lan. Hoa lan đa dạng, thứ như đàn bướm bay, thứ như thiên nga vỗ cánh, thứ như một chiếc hài gấm. Các giò hoa cao thấp giao nhau, xen nhau, đẹp ở chỗ không đơn điệu. Lan đẹp cả ở lá, nào lá hình trụ, hình củ, hình kiếm, lại có thứ như gióng trúc, có thứ mượt như nhung, có thứ mang gân vàng lấp lánh. Lá kiếm nếu thẳng đuột cả cũng kém vui, mà lại phải có chiếc đang vút lên bất ngờ quặt lại như một đường “hồi kiếm”.

Tết xưa, nhiều nhà có vài chậu lan trang trí trong phòng, ngoài hiên. Nào bạch ngọc, hạc đính, chu đính, ngọc trâm, mặc lan, tố lan tiểu kiều, đái kiều . . . Còn phong lan được ốp vào một khúc cây mục như mọc ký sinh, treo thõng dưới giàn hoa leo hoặc dưới hàng hiên; mùa xuân hồng gấm, đai trâu ra hoa; mùa hè có phi điệp, hồ điệp hoàng thảo, da báo, đuôi cáo hồng; mùa thu có quế lan hương; mùa đông thì hài vệ nữ chồi nụ . . . Mỗi giò phong lan có tới vài chục hoa. Họ nhà lan rất phong phú, chưa mấy ai, dù sành chơi. đã hiểu được hết về lan.

Trong Vũ trung tùy bút, Phạm Đình Hổ đã bình luận về lan như sau: Đời xưa gọi lan là “vương giả hương”, vì hoa lan thanh nhã, bất phàm, những thứ hoa kỳ quái dễ làm cho người ta say mê không thể ví với hoa lan được . . . Ta biết rằng người đời chơi lan chỉ biết được cái hình của hoa, chứ không biết được cái thần của hoa . . .”.

Những người cầu kỳ và khéo tay thì chơi hoa thủy tiên vào dịp tết. Củ thủy tiên mua rất đắt nên không phải ai cũng dám chơi, trồng củ vào trấu tưới nước thì hoa, lá mọc thẳng tự nhiên.

Nhưng cái thú chơi thủy tiên là ở chỗ khéo gọt, tỉa. Dùng dao trổ sắc cắt, khía, làm cho lá phải uốn lượn theo ý mình, làm cho củ thành hình con phượng, con lân, con rùa. Củ gọt tỉa được đặt trong chiếc cốc loe miệng có chân, chỉ dùng riêng để bày thủy tiên. Lại phải có điều khiển hãm chậm lại hoặc thúc cho nở sớm để ra hoa đúng vào ngày mồng một Tết, mà hoa chỉ nở hàm tiếu thôi, nghĩa là nở hé như mỉm cười thì mới đẹp.

Nghề chơi thật lắm công phu. Tục chơi hoa thủy tiên ở Hà Nội, đã vượt khuôn khổ một thú vui thẩm mĩ gia đình để trở thành hội thi hoa thủy tiên vào dịp tết, tại đình Yên Phụ, đình Ngũ Xã, đình Nghĩa Lộc (Hàng Đậu), đền Ngọc Sơn, đền Bạch Mã (Hàng Buồm), Văn Miếu.

Có một thứ quả duy nhất được chơi như hoa. Đó là quất, sản phẩm đặc biệt của vùng Yên Phụ, Nghi Tàm, Hồ Tây, Quảng Bá. Để có được những chùm quả vàng tròn xoe, chín mọng, sum suê, gần như che lấp cả tán lá xanh thẫm vào dịp Tết đâu phải dễ. Phải có kỹ thuật đảo quất. Đảo vào tháng tư, chọn ngày không mưa, đánh cả lên cây, để vài ba ngày cho xuống lá (héo) mới đem trồng lại. Khi có quả phải bấm mầm, tưới nước, gặp kỳ sương muối phải đốt đống rấm chống rét, và rửa sương từng quả một.

Quất càng sai quả càng đẹp, biểu tượng cho sự giàu có, đông vui. Cây nào ít quả phải “cấy” quả ngoài thêm vào. Chơi xong, quả quất vẫn còn dùng được để làm thuốc ho hoặc làm mứt.

Trong đời sống văn hóa của người Thăng Long - Hà Nội, hoa và cây cảnh đã là một nhu cầu, góp phần làm cho sinh hoạt xã hội thêm phong phú, vui tươi.

Ở Hà Nội, có gia đình nào lại thiếu một lọ hoa trong ba ngày tết ăn Tết có thể không to, không có giò, nem, ninh, mọc, nhưng nhất định phải sắm được một bình hoa mới ra ngày Tết. Nhà có nhiều tiền thì vác về một cây đào đánh cả gốc, vài chậu quất sum suê nặng trĩu quả đỏ ối. Gia đình trung lưu thì chọn một cành đào xinh xinh, nụ còn đang nhú, đem về cắm lọ lộc bình, một đôi quất tròn trĩnh thửa tận Nghi Tàm đặt trên đôn sứ trước cửa ra vào, với chục bông hoa “lay ơn” trắng cắm trong lọ pha lê trong suốt đặt trên bàn phủ khăn trắng muốt, như muốn độc chiếm hương sắc của tiết xuân. Nhiều gia đình gặp khó khăn trong cuộc sống hằng ngày, nhưng Tết đến cũng phải kiếm bằng được một bó hoa viôlét rẻ tiền, hoặc mấy bông “đồng tiền” đơn, thậm chí có khi chỉ có hai cành hoa giấy vẽ cắm vào hai bình hoa gỗ trên bàn thờ cho có không khí ngày Tết.

Có thể nói hoa đối với nhân dân Việt Nam, đặc biệt là đối với nhân dân Hà Nội, là một nhu cầu trong đời sống hàng ngày, nhất là trong những ngày Tết đầu xuân thì lại càng không thể thiếu được.

Hàng năm, từ 24, 25 tháng Chạp âm lịch, chợ hoa Hàng Lược đã tấp nập người đến chọn mua hoa Tết. Ở đây có đủ các loại hoa, cây cảnh nhưng những ngày trước Tết, khách mua thường chăm chú nhất vào các cành đào, chậu quất, có thể chơi được dài ngày qua Tết, có khi tới tận gần hết tháng giêng ta. Đến những ngày 29, 30 Tết, thì ở Hà Nội có thể gọi là cả một rừng hoa. Ngoài phố Hàng Lược, trung tâm cung ứng các loại hoa quý nhất, đến các chợ Đồng Xuân, chợ Cửa Nam, chợ Hôm, chợ Mơ, chợ Hàng Da và cả ở đầu đường, ngách phố, nơi thường xuyên bán rau quả, đâu đâu cũng có hàng dãy người bán và mua hoa. Thôi thì đủ các loại hoa: cành đào, cây quất, hoa cúc, hoa thược dược, hoa hồng, hoa đồng tiền, hoa lay ơn . . . đủ loại, đủ màu sắc, muôn hồng nghìn tía. Khách mua hoa có lúc quên cả dành bền sắm bao nhiêu thứ khác, đã mua chậu cúc, lại muốn vác thêm cành đào cho thêm hương thêm sắc. Bao nhiêu hoa cũng không thỏa mãn cho dân Hà Nội trong những ngày đón mừng xuân mới.

Hoa ngày Tết quý nhất vẫn là hoa đào. Trên các bức tranh Tứ bình thường vẽ bốn thứ hoa trong một năm mà hoa đào là tượng trưng cho mùa xuân, đứng đầu trong các loại hoa bốn mùa. Tương truyền, vào dịp Xuân Kỷ Dậu (1789), sau khi đại thắng quân Thanh, từ Thăng Long, vua Quang Trung đã sai quân cầm cành đào phi ngựa hỏa tốc vào Phú Xuân, tặng người vợ yêu quý của mình là công chúa Ngọc Hân, để báo tin thắng trận và biểu lộ tấm lòng son sắt của mình. Cành đào đó còn mang theo cả tấm lòng biết ơn của nhân dân thành Thăng Long đối với người anh hùng áo vải đã giải phóng thành đô khỏi quân xâm lược. . .

Trồng hoa đào thì không đâu giỏi bằng dân Nhật Tân (nay thuộc quận Tây Hồ), một làng ở ven sông Hồng, phía tây bắc Hồ Tây. Các cụ già ở Nhật Tân kể lại rằng nghề trồng đào bích ở đây đã có từ lâu đời. Phải chọn giống từ các nơi đem về ghép lại, lai tạo sao cho cây đào có hoa đỏ thắm, tán tròn và to, hoa nở đúng vào dịp Tết Nguyên đán và giữ được tươi tốt cho đến hết tháng giêng ta . . . Phải có kỹ thuật cao và mất nhiều công theo dõi chăm sóc. Nhân dân Nhật Tân rất tự hào với lời ca:

Hoa đào đẹp lối Nhật Tân.

Yêu quê, hoa nở đầy sân lụa đào.

Ngoài nghệ thuật trồng hoa thật tài giỏi, người Hà Nội còn giỏi cả nghệ thuật làm hoa giả.

Nhân dân trong nước và khách nước ngoài đều say sưa ngắm nhìn những bông hoa hồng (hồng và bạch) được ghép bằng lụa, bằng chất bọt biển, đẹp và tươi hơn hoa thật bày trong tủ kính các cuộc triển lãm, trong Hội hoa xuân./.

(Địa chí văn hóa dân gian Thăng Long Đông Đô Hà Nội/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark