24/09/2009 | 10:54:00

Thủ đô Hà Nội sau ngày đất nước thống nhất

Hà Nội ngày càng khang trang, hiện đại hơn.

Thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, mở ra cho dân tộc một thời kỳ mới - thời kỳ cả nước thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội. Hà Nội - Thủ đô của đất nước thống nhất, trung tâm chính trị-kinh tế-văn hóa của cả nước.

Khôi phục và phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội (1975-1985)

Cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa VI (25/4/1976) đã hoàn thành thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước: Hà Nội được chọn làm Thủ đô của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, chứng minh cho ý chí thống nhất và tinh thần giác ngộ cách mạng của toàn dân.

Cùng cả nước, Hà Nội bước vào thời kỳ khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế. Năm 1976, năm mở đầu của thời kỳ khôi phục và phát triển kinh tế trong điều kiện cả nước thống nhất, các ngành kinh tế của Hà Nội có bước phát triển.

Hầu hết các xí nghiệp Trung ương và địa phương bị địch đánh phá được xây dựng lại và mở rộng. Tiểu thủ công nghiệp khắc phục mọi khó khăn, mở rộng đầu tư, thu hút thêm nhiều lao động.

Nông nghiệp ngoại thành phát triển theo hướng chính là sản xuất thực phẩm, đảm bảo phần lớn nhu cầu rau, ngoài phần do Trung ương phân phối, bảo đảm 40% trứng, 30% thịt lợn tiêu chuẩn cung cấp cho nhân dân thành phố.

Giá trị tổng sản lượng năm 1976 đạt 108 triệu đồng, tăng 24% so với năm 1973. Năng suất lúa liên tục đạt 5 tấn/ha. Sản lượng lương thực đạt 114.900 tấn, tăng 15% so với năm 1973; cơ sở vật chất kỹ thuật trong nông nghiệp được tăng cường.

Ngành thương nghiệp đã cố gắng tổ chức nắm nguồn hàng, đẩy mạnh gia công sản xuất, thu mua trao đổi, phục vụ tích cực cho đời sống, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sản xuất; thu mua hàng nông sản thực phẩm tăng 26,7% so với năm 1973.

Đi đôi với việc phát triển kinh tế, thành phố xây dựng thêm nhà ở, mở rộng và hoàn thiện các tuyến giao thông quan trọng, cung cấp điện, nước cho các khu, xóm lao động.

Trong việc thực hiện phân công lao động mới, cùng với việc sắp xếp, đào tạo cán bộ công nhân viên kỹ thuật, nghiệp vụ, trong thời gian 1977-1979, Hà Nội đưa vào Lâm Đồng 84.000 lao động, khai phá 25.000 ha canh tác ở vùng kinh tế mới Lâm Đồng.

Sự nghiệp giáo dục phổ thông và bổ túc văn hóa đều có những bước phát triển mới. Phong trào thi đua hai tốt được giữ vững, chất lượng giáo dục được nâng cao.

Công tác bảo vệ sức khỏe cho nhân dân được coi trọng. Mạng lưới y tế ở cơ sở được tăng cường.

Các ngành văn hóa thông tin, bưu điện, truyền thanh, phát hành sách báo đã tập trung cổ vũ phong trào lao động sản xuất, xây dựng gia đình 5 tốt, khối phố văn minh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong hai năm 1977-1978, đặc biệt là năm 1979, Đảng bộ và nhân dân Hà Nội đã vượt qua nhiều thử thách lớn lao do hậu quả của 30 năm chiến tranh chống Mỹ, lại phải tập trung đối phó với chiến tranh biên giới để giữ vững sản xuất, bảo đảm đời sống.

Cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên, chiến sĩ các lực lượng vũ trang và nhân dân Hà Nội đã vững vàng, tin tưởng, đoàn kết nhất trí , phát huy tinh thần làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa, tự lực, tự cường, phấn đấu đạt nhiều thành tích trên tất cả các mặt.

Đầu năm 1979, trước tình thế cấp bách do các thế lực thù địch gây ra, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra "Nghị quyết về tình hình và nhiệm vụ mới". Hà Nội chuyển hướng công tác, tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ: Vừa xây dựng thủ đô, vừa sẵn sàng chiến đấu với phong trào “Xây dựng quốc phòng, bảo vệ an ninh”.

Trên 4 vạn người đi xây dựng phòng tuyến bảo vệ thủ đô; xây dựng khu phố, huyện, làng, xã... thành pháo đài chiến đấu. Hà Nội đã giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Song song với công tác quân sự, Hà Nội đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm đời sống, tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật.

Năm 1982, 1983, dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V và Nghị quyết về công tác thủ đô Hà Nội, Đại hội Đảng bộ lần thứ IX nhận định tình hình thành phố trải qua nhiều biến động lớn, công cuộc xây dựng thành phố diễn ra với những khó khăn chồng chất do hậu quả chiến tranh lâu dài, cộng với những yếu kém của nền kinh tế đi từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn.

Trong 5 năm, sản lượng lương thực bình quân tăng 8%. Lương thực nhà nước huy động được trong năm 1985 tăng gấp 2 lần năm 1981. Năm 1985, huyện dẫn đầu về năng suất lúa là Đan Phượng, đạt 10 tấn/ha... Một số hợp tác xã tổ chức sản xuất tốt và có tiến bộ trong quản lý kinh tế như Đa Tốn, Phung Thượng, Đường Lâm, Thịnh Liệt, Đan Phượng, Đại Đồng, Tiền Phong...

Việc thực hiện Nghị quyết 25, 26/CP của Hội đồng Chính phủ và Chỉ thị 100/CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng tạo ra những chuyển biến lớn trong sản xuất công, nông nghiệp. Trong công nghiệp, nhiều xí nghiệp đã khai thác tốt tiềm năng, hoàn thành tốt kế hoạch. Trong nông nghiệp, nông dân đã hăng hái sản xuất với khí thế lao động mới, thu nhập tăng, đời sống tương đối ổn định và có phần cải thiện.

Công tác xuất nhập khẩu bước đầu có chuyển biến tốt. Kim ngạch xuất khẩu bình quân hàng năm tăng 9,7%.

Từ năm 1981 đến năm 1985, toàn thành phố tập trung giải quyết các vấn đề kinh tế-xã hội.

Những thành tựu mà nhân dân lao động thủ đô giành được trên tất cả các lĩnh vực cũng như kinh nghiệm đã tích luỹ được trong thời kỳ khó khăn ấy đã tạo tiền đề cần thiết để đẩy nhanh quá trình cải tạo và xây dựng thủ đô trong thời gian tiếp theo.

Hơn hai mươi năm thực hiện công cuộc đổi mới (1986 đến nay)

Trước yêu cầu bức xúc, có tính chất sống còn với vận mệnh dân tộc và cách mạng nước ta. Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước.

Quán triệt quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Trung ương Đảng, Đại hội lần thứ X của Đảng bộ thành phố Hà Nội họp từ ngày 17 đến 23/12/1986, tại Cung văn hóa Lao động hữu nghị Việt-Xô.

Đại hội đã đánh dấu sự chuyển biến quan trọng về tư tưởng chính trị của Đảng bộ theo quan điểm đổi mới của Trung ương Đảng, mở đầu bằng đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế, xóa bỏ cơ chế quản lý kinh tế tập trung, quan liêu bao cấp, chuyển sang hạch toán kinh doanh Xã hội Chủ nghĩa. Đó là khâu đột phá đúng đắn, phù hợp với quy luật và thực tiễn cách mạng thủ đô, là định hướng xuyên suốt quá trình thực hiện đổi mới thủ đô trong giai đoạn tiếp theo.

Trong mọi tình huống, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội thủ đô luôn được giữ vững, xứng đáng là chỗ dựa chính trị tin cậy của cả nước.

Với bản lĩnh vững vàng và tinh thần cảnh giác cách mạng cao, Đảng bộ và nhân dân thủ đô đã xây dựng được thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc, đập tan mọi ý đồ và hành động chống phá cách mạng của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội thủ đô.

Trước mọi biến động của thời cuộc, thủ đô vẫn xứng đáng là niềm tin, chỗ dựa tinh thần của cả nước, bảo vệ an toàn các cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước, bảo vệ nhân dân; phục vụ có hiệu quả các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội, đối ngoại quốc gia.

Nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa từng bước hình thành, kinh tế thủ đô vượt qua các thời kỳ suy thoái, đạt mức tăng trưởng nhanh, liên tục. Nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt quá trình đổi mới thủ đô là phát triển kinh tế theo hướng kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa.

Qua thực hiện đổi mới, kinh tế thủ đô đã vượt qua khỏi khủng hoảng suy thoái trầm trọng, liên tục đạt nhịp độ tăng trưởng cao. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng bình quân giai đoạn 1986-1990 là 7,1%; đến 2001-2005 đã tăng 11,1%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa từ công nghiệp-nông nghiệp-dịch vụ-kinh tế đối ngoại (1986-1990) chuyển thành: Công nghiệp-thương mại-du lịch-dịch vụ-nông nghiệp (1991-2000) và là công nghiệp-dịch vụ-nông nghiệp (2000-2005).

Năm 2007 khẳng định bước phát triển tương đối toàn diện của Hà Nội với thành tựu nổi bật nhất là kinh tế đạt mức tăng trưởng 12,1% (gấp 1,42 lần của cả nước - mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm trở lại đây.

Trên lĩnh vực công nghiệp, ngoài 9 khu công nghiệp đã có, thành phố đã xây dựng 4 khu công nghiệp lớn và 11 khu công nghiệp vừa và nhỏ. Nhờ từng bước sắp xếp lại sản xuất, đổi mới cơ chế quản lý theo hướng đề cao vai trò tự chủ của doanh nghiệp; đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, mặt hàng; tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường... công nghiệp thủ đô ngày càng phát triển, bước đầu hình thành một số ngành công nghiệp mới (công nghiệp phần mềm, chế tạo khuôn mẫu). Nhiều doanh nghiệp đã trụ vững trong cơ chế thị trường và làm ăn có lãi.

Hoạt động thương mại, du lịch, dịch vụ phát triển mạnh. Thị trường Hà Nội ngày càng sôi động, hàng hóa phong phú, đa dạng đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của nhân dân; giá cả thị trường ổn định. Hoạt động kinh tế đối ngoại ngày càng mở rộng. Dịch vụ du lịch, bảo hiểm, thông tin tư vấn ngày càng giữ vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế thủ đô. Tài chính, ngân hàng thực hiện tốt việc huy động vốn trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển. Thị trường chứng khoán được hình thành.

Năm 2007, kinh tế tăng trưởng cao đồng đều trên các lĩnh vực: Sản xuất công nghiệp năm 2007 tăng trưởng ở mức cao và vượt so với kế hoạch; giá trị sản xuất công nghiệp ước tăng 21,1% so với cùng kỳ.

Năm 2007 ghi nhận mức kỷ lục về kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn Hà Nội đạt 4,28 tỷ USD (tăng 20% so với năm 2006). Năm 2007, cũng là năm ngành dịch vụ du lịch thu được kết quả quan trọng: Lượng khách du lịch trong nước và ngoài nước tăng mạnh, ước khoảng 15% so với cùng kỳ.

Đặc biệt, tháng 1/2007, Hà Nội nhận danh hiệu là 1 trong 10 thành phố du lịch hấp dẫn nhất Châu Á do Tạp chí Travel and Leisure (Mỹ) - một tạp chí uy tín trong lĩnh vực du lịch bình chọn.

Cũng trong năm 2007, thành phố Hà Nội đã tổ chức thành công Diễn đàn doanh nghiệp Thủ đô các nước ASEAN, Hội chợ thương mại quốc tế Hà Nội, Tháng khuyến mãi trên địa bàn thành phố.

Lĩnh vực tài chính-tín dụng cũng đạt được sự tăng trưởng cao so với các năm trước. Giá trị tăng thêm của dịch vụ tài chính ngân hàng tăng 20,1% so với năm 2006 và là mức tăng cao nhất từ năm 2004 đến nay; tổng vốn huy động của hệ thống ngân hàng đến cuối năm 2007 dự kiến đạt 400.000 tỷ đồng, tăng 64% so với tháng 12/2006.

Sản xuất nông nghiệp đã triển khai đổi mới cơ chế quản lý theo Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị, thực hiện đổi mới cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất nông phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao; phát triển các ngành nghề. Cơ sở hạ tầng và đời sống nông thôn ngoại thành từng bước được cải thiện.

Các thành phần kinh tế ngày càng phát triển mạnh. Các doanh nghiệp Nhà nước được đổi mới, sắp xếp lại phát huy rõ hơn vai trò chủ đạo kinh tế ngoài Nhà nước và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phát triển nhanh, kinh tế hợp tác xã hoạt động theo Luật có chuyển biến.

Xây dựng kết cấu hạ tầng và quản lý đô thị có chuyển biến, Hà Nội đang phát triển ngày càng khang trang, hiện đại hơn.

Sự phát triển kinh tế-xã hội của Hà Nội toàn diện, vững chắc đã tạo nên bộ mặt mới khang trang, hiện đại cho thành phố. Từ bốn quận nội thành trước đây, nay Hà Nội đã mở rộng ra thành chín quận nội thành. Các cửa ngõ vào Thủ đô đã mọc lên nhiều khu đô thị mới như Linh Đàm, Định Công, Trung Hòa-Nhân Chính, Trung Yên, Nam Thăng Long, Mỹ Đình, Mễ Trì, Việt Hưng...

Trong vòng năm năm trở lại đây, Hà Nội đã xây dựng mới 7,4 triệu m2 nhà ở, riêng năm 2007 xây mới hơn 1,5 triệu m2 nhà ở; phấn đấu đến năm 2010, diện tích nhà ở bình quân đạt 9m2/người. Hà Nội đang triển khai hơn 80 dự án khu đô thị mới với diện tích gần 2.500ha đất.

Cùng với phát triển đô thị mới, hệ thống giao thông cũng được quan tâm đầu tư. Cầu Thanh Trì dài nhất Đông Dương bắc qua sông Hồng được đưa vào sử dụng từ ngày 3/2/2007, góp phần làm giảm ùn tắc giao thông cho cửa ngõ phía Nam Hà Nội.

Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể thủ đô đến năm 2010, hoàn thành cơ bản quy hoạch kinh tế-xã hội đến năm 2010, quy hoạch chi tiết 12 quận, huyện và một số quy hoạch ngành kỹ thuật. Hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị từng bước phát triển theo hướng hiện đại hóa, mở rộng, nâng cấp nhiều tuyến đường, nút giao thông quan trọng... Mạng lưới thông tin liên lạc được phát triển và hiện đại hóa; 40 khu đô thị mới đang được xây dựng theo tiêu chuẩn hiện đại và hài hoà với bản sắc văn hóa Thăng Long...

Trên lĩnh vực văn hóa, xã hội Hà Nội có bước phát triển, trong đó đạt một số thành tựu nổi bật

Cùng với sự phát triển kinh tế, Hà Nội tiếp tục là địa phương dẫn đầu trong sự nghiệp phát triển văn hóa-xã hội và con người. Thành tựu nổi bật được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực: Chỉ số phát triển con người, phổ cập giáo dục trung học phổ thông, thể thao thành tích cao, xóa đói giảm nghèo, chăm sóc người có công và diện chính sách xã hội. Đến nay, Hà Nội đã cơ bản xóa hộ nghèo diện chính sách, hộ đói, nhà dột nát, phòng học cấp bốn, lớp học ba ca. Mức thu nhập bình quân của người dân tăng gấp hai lần so với năm 2000.

Nếp sống văn minh, thanh lịch được quan tâm mở rộng để trở thành nét đẹp trong cuộc sống người dân Thủ đô

Môi trường văn hóa, môi trường xã hội, xây dựng con người Hà Nội chuyển biến tích cực thông qua các cuộc vận động "Xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa", "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống mới ở khu dân cư", phong trào nếp sống văn minh, thanh lịch.

Mạng lưới y tế cơ sở được kiện toàn, 100% các trạm y tế xã, phường có bác sĩ; phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng và hoạt động thể thao chuyên nghiệp được đẩy mạnh.

Phong trào làm việc thiện, chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, giúp đỡ đồng bào bị thiên tai, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm... đã trở thành một nét đẹp trong lối sống của người Hà Nội. Chương trình giải quyết các vấn đề bức xúc xã hội được triển khai có hiệu quả. Năm 2007, đã giải quyết việc làm cho 85.000 lao động, giảm 6.000 hộ nghèo trên địa bàn thành phố.

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được đổi mới về tổ chức và hoạt động, cơ bản đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, điều hành xã hội, tổ chức động viên các tầng lớp nhân dân xây dựng và phát triển thủ đô.

Hơn hai mươi năm thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng bộ và nhân dân Hà Nội đã vượt qua nhiều khó khăn thử thách đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện đúng định hướng trên các lĩnh vực, tạo sự chuyển biến cơ bản trong đời sống xã hội.

Từ một nền kinh tế tập trung, bao cấp, không lo được nhu yếu phẩm cho nhân dân, đến nay, kinh tế thủ đô không chỉ đáp ứng được nhu cầu cuộc sống người dân mà còn tích lũy để đầu tư phát triển. Chính trị-xã hội thủ đô luôn ổn định, niềm tin của nhân dân với Đảng, với sự nghiệp đổi mới được củng cố; văn hóa-xã hội tiến bộ trên nhiều mặt; Đảng bộ và hệ thống chính trị có bước trưởng thành.

Những thành tựu này đã tạo ra thế và lực mới cho thủ đô bước vào thời kỳ hội nhập với kinh tế thế giới. Với vị trí của Thủ đô trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa, Hà Nội đang đứng trước những thuận lợi lớn và cả những thách thức lớn.

Trước tình hình đó, Đảng bộ thành phố đề ra mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2010 là: "Thành phố chủ động, sáng tạo phát huy tiềm năng, nguồn lực, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội toàn diện, bền vững, giữ vững an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội; đẩy nhanh tiến độ xây dựng nền tảng vật chất-kỹ thuật và văn hóa thủ đô Hà Nội Xã hội Chủ nghĩa giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, thực hiện tốt vai trò đầu não chính trị-hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark