18/08/2010 | 15:46:00

Thương hiệu áo dài phố Lương Văn Can

(Nguồn: 1.000 năm Thăng Long)

Tà áo dài thướt tha, duyên dáng đã trở thành nét đẹp mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam. Văn hóa kinh đô nghìn năm văn hiến đã tạo ra nếp sống hào hoa thanh lịch, luôn luôn vươn tới cái đẹp, cái sang trọng.

Điều này được thể hiện thông qua những người thợ thủ công, qua bàn tay của những người thợ khéo. Những sản phẩm của họ đã trở thành thương hiệu nổi tiếng không những chỉ trên đất nước Việt Nam mà còn được cả bạn bè quốc tế biết đến.

Người dân ở Thăng Long vốn được gọi là dân tứ chiếng, dân Kẻ Chợ. Bởi người bốn phương đổ về đông đúc, người buôn kẻ bán tấp nập. Thăng Long trở thành nơi hội tụ và lan tỏa văn hóa. Xưa, các làng nghề đua nhau chở hàng về kinh thành theo các chợ phiên, nhất là các làng nghề ở quanh kinh đô.

Có lẽ không nơi nào ở nước ta thời ấy có nhiều làng nghề và khéo tay như ở đất Sơn Nam thượng tức tỉnh Hà Đông cũ. Và Kẻ Chợ dĩ nhiên là thị trường lớn nhất màu mỡ nhất. Thế là họ rủ nhau mang hàng ra Kẻ Chợ chào hàng. Họ tập hợp nhau lại trở thành phường hội.

Ban đầu chỉ là bán theo phiên chợ, sau buôn bán phát tài nếu cứ đi đi, về về thì rất bất tiện, họ bèn mua đất làm kho chứa, rồi làm cửa hàng. Họ là những người đầu tiên, những thành phần chính lập nên những phố nghề, làng nghề chuyên bán các mặt hàng của mình.

Trải qua năm tháng các phố ấy trở thành phố cổ và họ là phần tích cực, chủ chốt lập nên các phố ấy ở Hà Nội. Phố Lương Văn Can và nghề may áo dài ở Trạch Xá, huyện Ứng Hòa là một trong những trường hợp như thế.

Con phố dài 300m mang tên nhà nho yêu nước Lương Văn Can - người sáng lập ra trường Đông Kinh Nghĩa Thục quê xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội thuộc phường Hàng Đào, quận Hòa Kiếm. Những cửa hàng may áo dài ở đây san sát.

Phần đa các hiệu may đều có nguồn gốc từ nghề may làng Trạch Xá, Ứng Hòa, Hà Nội. Người dân Trạch Xá kể lại rằng bà Tổ nghề may của làng là bà Nguyễn Thị Sen - người con gái xinh đẹp, đảm đang của làng là tứ phi của Vua. Bà đã học nghề may ở trong cung và đã truyền dạy cho nhân dân trong làng.

Hiện nay, người dân Trạch Xá vẫn truyền tụng những giai thoại về những nghệ nhân của làng như có người đã vinh dự được may áo dài cho vua quan trong triều định nhà Nguyễn, hay ông Tạ Văn Khuất mới 30 tuổi đã may được áo cho vua Bảo Đại và Nam Phương Hoàng Hậu cho dù chỉ được đứng từ xa để ước lượng. Trải hàng trăm năm, nghề may đã gắn bó với nhân dân làng Trạch Xá.

Nhiều thế hệ người thợ của Trạch Xá tay nghề cao đã vượt ra khỏi lũy tre làng đi mở cửa hàng, cửa hiệu khắp trong Nam ngoài Bắc và đặc biệt là có mặt ở khắp nơi ở Hà Nội.

Để nhớ về nguồn gốc của nghề, các hiệu may ở đây đã lấy tên cửa hiệu như Mỹ Trạch, Vạn Trạch, Phương Trạch, Đức Trạch, An Trạch… làm nên thương hiệu của phố nghề.

Một ngày đầu Thu, chúng tôi đã tìm đến những hiệu may trên phố để được thỏa mắt ngắm những mẫu áo dài thướt tha duyên dáng. Mùa Thu cũng là đầu mùa cưới nên các hiệu may ở đây đều rất đông. Các cô gái thì ngắm nghía, chọn vải, chọn mẫu còn các ông chủ lại tất bật với việc may đo và tư vấn cho khách hàng. Một vài tốp khách nước ngoài cũng ghé hiệu may để ngắm vải, may áo mang về nước làm kỷ niệm.

Hiệu áo dài Vinh Trạch của ông bà Lê Thị Luyến, Lê Thành Vinh ở số 23 phố Lương Văn Can đã làm nghề ngót 50 năm và đã truyền nghề qua 4 đời.

Bà Luyến "chạm tay vào nghề" từ khi là cô gái 12 tuổi. Hồi đó, cha của bà là người may áo dài có tiếng được nhiều gia đình giàu có mời đến để may đo, và bà cũng thường được đi cùng cha. Sự khéo tay hay làm của cô gái trẻ đã được khách hàng rất hài lòng, bà được rất nhiều người biết đến bởi tính cẩn thận, may đẹp có tiếng ở đất Hà thành.

Ông Vinh - chồng bà cũng là người trong nghề. Sau này bảy người con của ông bà, mặc dù có công việc riêng nhưng vẫn nối nghiệp bố mẹ như một nghề tay trái. Hiệu áo dài cùng mang tên Vinh Trạch số 8 Lương Văn Can là cửa hiệu của con gái ông bà.

Anh Hiến - chủ hiệu may Đức Trạch (số 6 Lương Văn Can), lập nghiệp ở Hà Nội trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay gia đình anh đã có 3 đời sinh sống và làm nghề tại phố này, hơn ai hết anh Hiến rất tự hào với nghề truyền thống của quê hương.

Sự bề thế và tay nghề nổi tiếng của hiệu may áo dài Đức Trạch đã chứng tỏ "đẳng cấp trong nghề" và đã được các hãng thời trang của Trung Quốc đến đặt hàng, nhiều người mẫu và ca sỹ nổi tiếng cũng tìm với Đức Trạch.

Ngày nay cho dù có sự “Trăm hoa đua nở” của các hiệu may áo dài nhưng với uy tín trong nghề, những người Hà Nội vẫn tự tìm đến với những hiệu may của người Trạch Xá.

Tuy mỗi hiệu may đều có một bí quyết nghề nghiệp, nhưng khi cần thiết vẫn hỗ trợ nhau về mặt chuyên môn. Người Trạch Xá có đường may, cách dựng áo dài riêng không lẫn vào đâu được. Mặc dù vậy nghề may áo dài vẫn phải là người có tính cẩn thận, tỉ mẩn trong từng đường kim mũi chỉ. May áo dài thì không khó nhưng để đẹp và trở thành thương hiệu thì không dễ chút nào.

Hiện nay áo dài của các hiệu may phố Lương Văn Can đã cách tân nhiều, kết hợp phong cách vừa truyền thống vừa hiện đại cho phù hợp với từng lứa tuổi và từng phong cách của mỗi người. Mặc dù kiểu dáng có thay đổi, kiểu cổ truyền thống được cách tân như cổ thuyền, cổ tròn, cổ vuông hoặc tay lỡ, tay ngắn nhưng áo dài vẫn mang một vẻ đẹp tinh tế và uyển chuyển.

Số lượng vải cũng rất phong phú với nhiều chất vải mới được ưa chuộng. Các cô, các chị thường chọn chất vải voan kính, voan mỏng để may áo dài. Còn các bà, các mẹ lại thích chất liệu như nhung, lụa tơ tằm. Năm nay, khách hàng có xu hướng quay về với chất liệu truyền thống với gam mầu trầm pha.

Mặc dù đã may không biết bao nhiêu chiếc áo dài với đủ các kiểu truyền thống và hiện đại theo yêu cầu của khách, nhưng chủ hiệu may An Trạch - ông Nguyễn Anh Dũng vẫn thích may kiểu áo dài truyền thống, mặc vào sẽ có thân, có tà, eo phẳng phiu, ôm sát người.

Cho dù thời gian có trôi qua, cuộc sống có thay đổi, áo dài có cách tân nhiều thì áo dài vẫn là trang phục truyền thống, và không thể thay thế. Từ xưa đến nay và mãi mãi về sau, tà áo dài Việt Nam sẽ vẫn trường tồn, và trong đó không thể không có sự góp mặt của áo dài mang thương hiệu áo dài phố Lương Văn Can./.

(1.000 năm Thăng Long/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark