07/12/2012 | 09:21:00

Tiếng Hà Nội cần được gìn giữ và phát triển

Vùng đất Kẻ Chợ, theo dòng phát triển của lịch sử, đã trở thành chốn đô hội, nơi thu hút các nguồn kinh tế, nhân tài từ mọi miền đất nước, tạo nên văn hoá Thăng Long - Hà Nội đặc sắc.
 
Trong đó, tiếng nói của người Hà Nội trở thành tiêu biểu, thành "chuẩn mực" trong giao tiếp bởi sự dễ nghe, dễ hiểu, thanh lịch và trong sáng.
 
 Dù là người tứ xứ khi về đây, chỉ sau vài thập niên, vài thế hệ, tiếng nói gốc dần bị phôi pha, để rồi hòa quyện vào tiếng nói đặc trưng của đất Thăng Long - Hà Nội. Dù đó là người từ Sơn Tây, Hải Dương hay Thanh Hóa, Nghệ An..., khi đã "ăn cơm, uống nước" Hà Nội, chất giọng cũng trở nên thanh thoát, mượt mà hơn, âm điệu trở nên rõ ràng, mạch lạc hơn. Người Hà Nội đã tạo nên một tiếng nói chung, không lẫn với bất cứ địa phương nào chính từ sự giao thoa văn hoá, sự chọn lọc tinh tế của miền đô hội ấy.
 
 Ngay từ lúc bập bẹ tập nói, cha ông ta nói chung và người Hà Nội nói riêng đã rất quan tâm, uốn nắn từng lời, từng câu, từng tiếng phát âm của trẻ, từ những câu giao tiếp đầu tiên như "vâng", "dạ", "thưa"... "Học ăn, học nói" đã trở thành khuôn phép của mỗi gia đình, dòng họ. Trong các gia đình Hà Nội truyền thống, khi giao tiếp bao giờ cũng phải giữ trật tự, nền nếp, có trên có dưới, không bao giờ có chuyện lộn xộn, cãi vã, chửi bới nhau.
 
 Còn nhớ, hồi chúng tôi, những U.70 còn bé, không hề biết nói tục, văng bậy bao giờ. Bạn nào nói bậy sẽ bị thầy giáo cầm thước kẻ "đét" vào tay 5 cái, bị phạt đứng ở góc lớp. Điều đó đã ghi dấu ấn đậm nét trong ký ức khiến chúng tôi, cho đến khi trưởng thành, vẫn không bao giờ "dám" nói bậy. Nếu ai lỡ buột miệng văng tục hay chửi thề, đều tự cảm thấy xấu hổ, ngượng ngùng.
 
 Thế nhưng những năm gần đây, cùng với sự đổi mới, mở cửa, tốc độ đô thị hoá ngày một nhanh, Hà Nội đã biến đổi nhiều. Cuộc sống xô bồ, vội vã, lo miếng cơm manh áo của người dân, đặc biệt những người từ nơi khác về đây, đã phần nào làm mất đi nét thanh lịch, hào hoa của đất Kinh kỳ.
 
 Tiếng nói Hà Nội là sự kết tinh từ ngàn năm văn hiến. Mỗi người Hà Nội cần phải nhìn lại mình, phải tự thấy không được phép đánh mất nó. Để làm được điều này, cần phải có nền tảng căn bản từ mỗi gia đình, từ mỗi cá nhân sống trên mảnh đất Hà Nội./.
 

(Thanglonghanoi/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark