07/12/2012 | 15:40:00

Tiếng chổi tre trên khắp các nẻo đường Hà Nội

Khi thành phố còn chưa thức giấc, những công nhân công ty Môi trường Đô thị Hà Nội đã khoác vội cái áo lao công ra khỏi nhà, bắt đầu công việc của một ngày mới. Tiếng chổi tre không chỉ vang lên trong đêm mà mọi lúc, mọi nơi, trên các nẻo đường đều có những người lao công thay phiên nhau quét dọn, duy trì đường phố phong quang, sạch đẹp. Và ít ai biết về sự hy sinh thầm lặng của những người làm dâu trăm họ ấy, vì tận tâm với việc của phố phường mà có những nghĩa vụ không thể làm tròn…

Phó Giám đốc Xí nghiệp Môi trường Đô thị số 2 Đặng Thị Phương Mai, một phụ nữ nhiều lần trăn trở trước nghĩa vụ người con dâu, người vợ, người mẹ không thể làm tròn vì phận “làm dâu trăm họ” tâm sự: Là một người được gia đình cảm thông, hậu thuẫn nhưng không ít lần chị rớt nước mắt khi không thể thắp nén hương cúng tổ tiên đêm 30 Tết, vợ chồng đón giao thừa ở ngoài đường, con thơ thiếu bàn tay chăm sóc của mẹ…Có Tết, mua con gà làm cỗ cúng gia tiên từ trưa ngày hôm trước nhưng con gà phải theo chủ nhân rồng rắn trên các đường phố đến tận chiều ngày hôm sau mới về được đến nhà. Là một cán bộ quản lý nhưng ngày 30 chị trực tiếp đi chợ, nấu cơm cho công nhân ngay bên lề đường phục vụ công nhân ăn trưa tại chỗ để kịp làm việc. So với trước đây, công việc của những công ty Môi trường Đô thị vất vả hơn rất nhiều!.

Hà Nội giờ đây không chỉ có 36 phố, phường, diện tích được mở rộng, dân cư ngày càng đông đúc, khách du lịch, khách vãng lai tứ xứ đến du lịch, làm ăn, buôn bán. Từ trung tâm thành phố cho tới các vùng ven, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, các dịch vụ thương mại, hàng quán mọc lên như nấm sau mưa. Đời sống vật chất của người dân ngày càng sung túc... Và một trong những hệ quả tất yếu là lượng rác thải tăng lên đáng kể. Công việc của những người công nhân quét rác cũng nhân lên bội phần.

Dân số đông lượng rác thải ra lớn, thu gom không kịp thì rác sẽ dồn ứ lại, ô nhiễm môi trường, làm mất mỹ quan thành phố. Đời sống ngày càng cao thì rác thải ra cũng đủ các loại “đồng đăng thập cẩm”, cả rác vô cơ lẫn hữu cơ. Xưa kia, người ta thường bắt gặp các bác đi rao “đồng nát ơ…”, “ giấy lộn bán ơ…” nhưng ngày nay người mua đồng nát giảm hẳn thay vào đó là “ ti vi cũ, tủ lạnh bán ơi…”. Cũng chính vì thế người dân quên dần thói quen phân loại rác để bán mà quẳng luôn ra ngoài đường. Việc duy trì thu gom rác khó khăn hơn trước rất nhiều. Hà Nội xưa mới 9 giờ ra đường đã thấy vắng, đường phố thông thoáng việc quét dọn đường phố thuận lợi nhưng ngày nay nửa đêm, hàng quán trên các vỉa hè vẫn còn đông đúc, cản trở việc quét dọn, thu gom rác. Ngay cả quy định 19 giờ ô tô mới được vào thành phố vận chuyển rác buộc chị em công nhân phải dùng những thùng nhỏ thu gom đưa về điểm tập kết, thời gian, công sức cũng tăng lên gấp đôi.

Với địa bàn rộng 5,29 km2, dân số trên 178 ngàn người, mật độ dân cư đông đúc với nhiều di tích, nhiều khu trung tâm thương mại lớn và nhiều bệnh viện lớn đóng trên địa bàn... thu hút nhiều khách tham quan du lịch, vãng lai, việc giữ gìn vệ sinh môi trường đô thị trên địa bàn quận Hoàn Kiếm không phải là điều đơn giản, đặc biệt là khu phố cổ đường, hè chật hẹp, dân cư đông đúc, thường xuyên diễn ra các hoạt động kinh doanh, buôn bán.

Chị Nguyễn Thúy Loan, phụ trách địa bàn phường Hàng Trống và cũng là người trực tiếp quét, thu gom rác cho biết: Thu gom rác cũng không phải dễ, lúc “gõ rác” thì người dân không có nhà đến khi xe đi họ mới về, một số người tiện tay vứt thẳng ra đường. Bản thân người thu gom rác lại phải nắm quy luật giờ giấc sinh hoạt của từng cụm dân cư để bố trí giờ thu gom, “chốt” những “ trọng điểm” để thu gom nốt vào giờ phút cuối cùng. Mặc dù vậy, đường phố cũng chỉ phong quang, sạch sẽ được từ nửa đêm cho đến 7 giờ sáng ngày hôm sau. Chứ 7 giờ 30 khi các cửa hàng mở ra là vài túi rác lại “mọc lên” trên đường phố. Ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của các hộ dân còn kém, chưa đổ rác đúng giờ và đúng nơi quy định.

Theo kinh nghiệm thì cứ mỗi đợt phục vụ các sự kiện quan trọng phải huy động nhiều lực lượng vào cuộc ráo riết thì người công nhân vệ sinh môi trường nhẹ đi một nửa. Nhưng sau đó, sự ủng hộ giảm dần đi thì tình trạng mất vệ sinh trên các đường phố” vẫn đâu hoàn đấy”. Địa bàn phường Hàng Trống có nhiều điểm trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô cũng gây khó khăn cho việc quét đường, thu gom rác, lúc quét xe vẫn còn đó nhưng vừa đi khỏi người lấy xe để lại một khoảng trống lẫn cả rác rưởi trên đường. Mỗi người công nhân ngoài việc quét đường, thu gom rác còn là một tuyên truyền viên tích cực, thuyết phục, vận động người dân đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, phân loại rác tại nguồn…

Chị Trương Thị Ngọc Lan, phụ trách địa bàn phường Phan Chu Trinh, trông sắc sảo và sành điệu như một chủ kinh doanh nhưng đã 17 năm gắn bó với nghề quét rác. Chị tâm sự: Mặc dù vẫn biết nghề vệ sinh môi trường là một nghề phục vụ “ khách hàng là thượng đế” nhưng không khỏi chạnh lòng khi nghe những câu nói khó nghe “ Không vứt lấy đâu ra rác cho các chị làm!”. Phường Phan Chu Trinh có các điểm nóng về vệ sinh môi trường như trước cửa nhà thờ Hàm Long, các quán ăn thường xuyên xả rác bừa bãi ra đường.

Với địa bàn rộng 0,46 km2, chiều dài gần 5m, phường Phan Chu Trinh có 24 công nhân trực tiếp quét dọn và thu gom rác. Đây là địa bàn điểm triển khai chương trình phân loại rác tại nguồn nên mỗi công nhân là một tuyên truyền viên tích cực vừa duy trì vệ sinh đường phố vừa vận động người dân phân loại và đổ rác đúng quy định. Có những công việc khiến người phụ nữ chỉ được “ăn với chồng nửa bữa, ngủ với chồng nửa đêm” nhưng đối với chị có tháng chỉ được ăn vài bữa cơm ở nhà với chồng, con. Còn dịp lễ, tết càng bận rộn, phải tăng ca, tăng giờ.

Xí nghiệp cố gắng lắm mới bố trí được cho mỗi chị em một ngày nghỉ Tết trọn vẹn với gia đình. Vượt lên những khó khăn đó, hầu hết những công nhân môi trường đô thị đều làm việc tích cực và có trách nhiệm cao.Tuy nhiên, để duy trì đường phố sạch sẽ, phong quang, theo chị Lan cần phải có chế tài mạnh để xử lý các hành vi xả rác thải ra đường phố.

Chị Lan, chị Loan, chị Mai cũng như gần 500 cán bộ công nhân viên xí nghiệp Môi trường Đô thị số 2 là những “ hạt nhân” trong phong trào giữ gìn môi trường thủ đô phong quang, sạch đẹp. Những chị “lao công” tuổi đời 18 cho đến những cô, những chị trên 30 năm tuổi nghề đã gắn bó với công việc quét rác rất đỗi bình dị nhưng sự đóng góp cho môi trường thành phố thật lớn lao.

Giờ đây bên cạnh các chị còn có những anh “lao công” như những con ong chăm chỉ, không quản ngày hè bỏng rát hay đêm đông giá buốt vẫn đưa những nhát chổi tre làm sạch những con đường, tuyến phố tạo nên những âm thanh đường phố gần gũi, thân quen. Và chúng ta những người tận hưởng cảm giác trong lành, mát mẻ mỗi buổi sớm mai cần có ý thức hơn nữa giữ gìn vệ sinh môi trường vì công sức của những anh, những chị lao công đã vất vả ngày đêm vì môi trường thủ đô ngàn năm tuổi./.

(Thanglonghanoi/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark