17/11/2012 | 15:00:00

"Tôi tin lắm viễn cảnh đó ở mai này của Hà Nội..."

Với bao thăng trầm, đổi thay, đi lên và hoàn thiện, Hà Nội luôn luôn và bao giờ cũng có sức lan tỏa, sức hút và khẳng định những tiềm năng, giá trị của lịch sử, văn hóa.

Năm Canh Dần này tôi gọn gàng tuổi 70. Những ngôi nhà tư của ông bà nội, bố mẹ, anh chị em chúng tôi ở phố Lò Sũ, Lý Thái Tổ, Cầu Gỗ đều đã có chủ hoặc thêm chủ khác từ lâu. Nói vậy để tạm tạm một chút tự hào, mình cũng là người Hà Nội. Bởi thế, nếu như có những lúc nào đấy quá mê đắm nơi mình được sinh ra và lớn lên suốt một quãng dài của đời người, ngoa ngôn mà nói rằng “Chẳng đâu bằng Hà Nội. Hà Nội là tất cả”.

Thảng một đôi khi nếu như tôi có phẫn, chạnh lòng và cả bức xúc nữa trước hành vi, thủ tục, đánh tráo giá trị… của những ai đó, để rồi góp thêm một tiếng nói trước công luận cũng là mong muốn mình, gia đình và mọi người được sống thanh thản, yên bình hạnh phúc hơn. Bởi Hà Nội không chỉ là của riêng tôi, chúng tôi. Hà Nội là của hết thảy mọi người.

Và bởi thế, với bao thăng trầm, đổi thay, đi lên và hoàn thiện, Hà Nội luôn luôn và bao giờ cũng có sức lan tỏa, sức hút và khẳng định những tiềm năng, giá trị của lịch sử, văn hóa.

Gần đây tôi có thưa ngược vùng cao, xuôi kênh rạch Nam bộ hơn dẫu rằng bạn bè ở những nơi đó vẫn thường rủ rê, mời chào. Cũng chẳng phải mình thiếu đi sự hăm hở, sở thích tang bồng. Với mỗi người làm báo, viết văn việc trở lại chốn cũ, đến nơi mới với những vui, buồn, đổi thay của cảnh sắc, con người chính là những tài sản, nguồn vui mà không phải dễ ai cũng có được.

Biết là thế. Nhưng vẫn phải thoái thác. Cũng là do đã đến lúc, tôi cho phép mình được ích kỷ hơn, nhàn nhã hơn, một khi nguồn vui, tài sản ấy lại đang thuộc quyền sở hữu của gia đình mình. Ấy là cháu nội Thu Minh mà mọi người vẫn gọi là Mía mỗi sớm thức dậy câu đầu tiên cháu gọi là “Bà nội ơi…”, vậy là bà nội cháu lại tất tả leo mười bậc cầu thang (cũng hay, nhà xây cất kiểu vá víu) nên thấp, ít bậc.

Khi bà nội thay quần áo, đi tất, quàng khăn cho Mía xong thì việc bế cháu xuống nhà là phần thưởng, là việc chỉ ông nội mới được hưởng. Mẹ đi làm sớm, nếu bố ở nhà Mía cũng không nghe. Phải là ông nội kia. Tài sản, nguồn vui ấy, với tôi, thú vị nhường nào. Rồi nữa, cứ tầm khoảng 20h30, 21h khi bố mẹ cháu đưa cháu về phòng bao giờ cũng qua phòng tôi và Mía trong vòng tay của bố, hoặc mẹ bao giờ cũng khoanh hai tay rồi khẽ khàng, lảnh lót “Con chào ông nội ạ. Con chúc ông nội ngủ ngon ạ” rồi Mía nhoẻn cười.

Âm thanh líu ríu, tiếng ạ kéo dài, nụ cười, khuôn mặt sáng bừng của Mía - cháu nội của vợ chồng tôi - quả là một liều thuốc quý hiếm dành cho người già. Thói quen, phần thưởng mỗi sớm, mỗi tối như vậy do hoàn cảnh, điều kiện vợ chồng tôi không dành cho cháu ngoại. Nhưng sự thương yêu chăm bẵm thì vẫn đều như nhau. Ấy là nói đến công sức của bà nội, bà ngoại. Chứ tôi, trước đây vẫn biền biệt. Và giờ với cháu nội, mỗi ngày chỉ có được mỗi việc đó vào mỗi sớm mà thôi.

Vậy là các cháu nội ngoại tôi là công dân đời thứ năm của Hà Nội. Với những cháu của những gia đình dòng tộc khác có thể là đời lâu hoặc sớm hơn. Là bảy, tám chín hoặc một hai gì đó. Và những công dân - tương lai của Hà Nội chắc chắn sẽ kề vai sát cánh, chung sức đồng lòng cùng với cha, anh dựng xây một Hà Nội văn hiến và tuyệt mỹ làm sao.

Là công dân Thủ đô, tôi tin lắm viễn cảnh đó ở mai này của Hà Nội./.

(Thanglonghanoi/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark