07/10/2009 | 15:05:00

Trang phục người Hà Nội qua các thời kỳ

Thiếu nữ Hà Nội xưa.

Trang phục của người Hà Nội cổ thời kỳ “trước Thăng Long” chưa có gì khác biệt so với trang phục của dân Văn Lang - Âu Lạc nói chung.

Như giới sử học và khảo cổ học đã miêu tả, thì trang phục nam là cởi trần, đóng khố, mình mẩy chân tay đều có xăm hình giao long- rồng, và các hình vòng vèo, trang phục nữ là mặc áy ngắn đến đầu gối, có đệm váy thêu hoa văn buông rủ phía rước, phía sau. Cả con trai và con gái đều thích đeo đồ trang sức như các loại vòng tay, vòng cổ chân, và vòng tai bằng đá, bằng đồng ...
 
Thời Lý, thời Trần, vương hầu và thứ dân ở kinh thành thường mặc áo cổ tròn, quần thâm, khăn the lượt bóng, thắt lưng lụa, đi giày dép bằng da. Vua mặc đồ trắng, nên cấm nam giới là dân thường không được mặc trắng.
 
Theo Trần Phu, sứ nhà Nguyên sang Thăng Long thời Trần cho biết, thì người thời Trần mặc áo the đen, đầu quấn khăn bằng lụa xanh. Vua quan cũng ăn mặc giản dị (An Nam tức sự).
 
Thời Lê, theo ghi chép của Phạm Đình Hổ (Vũ trung tuỳ bút), thì học trò, và người thường khi có công việc đều mặc áo thâm, dân quê mặc áo vải thô màu trắng. Đến cuối Lê, thì ai cũng mặc áo Thanh cát mà màu thâm, màu trắng ít dùng. Áo Thanh cát thì thứ thất là màu xanh sẫm, thứ nhì là màu xanh nhạt, sau nữa là màu sừng. Có lúc màu sừng là màu của tầng lớp vương, công, khanh, sĩ. Nhưng về sau thì bất kể người sang hèn đều mặc màu này, còn các màu xanh sẫm, xanh nhạt thì lại cho là quê không dùng nữa…
 
Tới thế kỷ XVIII - XIX, phụ nữ Hà Nội mặc áo the, quần lĩnh được coi là trang nhã và sang trọng hơn cả. The dệt bằng tơ tằm, hơi thưa, nhuộm thâm để mặc ngoái, có loại đơn mỏng và loại kép dày. Đẹp hơn cả là the của làng La Cả (nay thuộc huyện Hoài Đức) chuội trắng để mặc mùa nực.
 
Lĩnh sợi mịn, mặt bóng, mặt không, chỉ dùng để may váy hoặc quần phụ nữ, may mặt nào ta ngoài tùy theo ý người dùng. Lĩnh Bưởi được ưa thích hơn cả. Nam nữ đều dùng the may áo dài. Còn quần của nam thường là bằng vải trắng, sang thì dùng lụa trắng Cổ Đô (nay thuộc huyện Ba Vì), thứ lụa từng được chọn để “tiến vua”.
 
Sang trọng nữa, đàn ông, đàn bà mặc áo dài lụa trắng bên trong, ngoài lồng áo may bằng sa, xuyến hoặc băng. Sa dệt rất mỏng tạo nên những đường vân óng ánh trên nền trắng của áo trong. Xuyến cũng là một thứ sa, nhưng lại cả sợi dọc, cứ vài sợi mau lại có mấy sợi thưa, còn băng thì cài hoa lác đác.
 
Cùng họ với lụa còn có “là”, “cấp” dệt có vân, “chồi” (hoặc sồi), và “đũi” dệt bằng sợi tơ gốc, mặt hơi thô, sần sùi nhưng lại có vẻ đẹp riêng và rất bền. Chồi Bùng (nay là xã Phùng Xá, thuộc huyện Thạch Thất) là nổi tiếng nhất. Làng Bùng còn là quê hương của “lượt”, một hàng tơ mịn và rất mềm để làm khăn đội đầu. Mùa lạnh, mặc áo kép “nhiễu”, một thứ lụa dệt sợi xe, dày, nổi cát, lót bằng lụa hoa (còn gọi là kỳ cầu). Nhiễu còn được nam giới ưa thích làm khăn đội vì quấn dễ chặt, ít bị sổ.
 
Vương hầu, quan chức thì dùng hàng đoạn, gấm, vóc. Đoạn gần như anh nhưng mình dày hơn. Vóc là thứ đoạn mỏng có hoa đồng màu, còn gấm có hoa dệt màu sặc sỡ hoặc bằng kim tuyến.
 
Hà Nội xưa còn có loại áo mặc trong đám cưới, do nhà chủ giàu có may cho tất cả các khách đến ăn cưới. Xong việc, những áo ấy được nhuộm lại, đem bán rẻ, gọi là “cố y”.
 
Người Hà Nội thông thường nhất hay dùng màu thâm (đen), trắng, nâu và tam giang (nâu và đen) trong trang phục. Cũng là trắng nhưng lại phân biệt nào là trắng da bát, trắng ngà, trắng mỡ gà, trắng bạch . Trong lao động, màu nâu là thông dụng. Áo nhuộm bằng củ nâu vừa bền màu vừa làm bền sợi. Vải mỏng nhuộm nâu non lại là mặt hàng ưa thích của các cô gái bình dân để may áo cánh. Màu nâu non làm tôn sắc da trắng của các cô. Người khá giả cũng dùng màu nâu, nhưng là lụa, đũi nhuộm nâu. Phường Đồng Lầm (nay là làng Kim Liên, quận Đống Đa) có nghề nhuộm nâu nổi tiếng. Muốn có màu nâu tươi đỏ hơn, người ta nhuộm bằng “cánh kiến” để có màu tiết dê thích hợp với các bà đứng tuổi, các cụ già, cũng như màu tam giang.
 
Màu vàng bị cấm, dành riêng cho nhà vua và áo khoác các tượng thần, Phật. Màu đỏ chủ yếu dùng trong tầng lớp công, hầu, khanh, tướng. Vóc đỏ hay gấm đỏ tươi còn được gọi là màu đại hồng. Con quan to mới sinh cũng đã mặc áo vóc đỏ. Còn nhà giàu thì chỉ khi bố mẹ khao thượng thọ mới được con cháu mừng chiếc áo the đỏ mới. Phường Hàng Đào chuyên làm nghề nhuộm điều. Màu hoa đào bị coi là lẳng lơ, không đứng đắn, chỉ thường dùng cho người múa hát. Màu xanh nhạt “hồ thủy” hoặc “thiên thanh” được dùng nhuộm áo mặc lót trong, hoặc để lót lần trong áo kép, áo bông. Các cô gái vùng ngoại thành lại thích màu hoa hiên. Mặc áo cánh nâu non, yếm lụa, thắt lưng màu hoa hiên, cũng là “mốt” một thời của các cô gái Hà Nội. Chị em nhũn nhặn thì ưa thắt một dây lưng màu quan lục hay tam giang cho nổi rõ cái lưng ong.
 
Áo cổ nhất mà ta còn biết được của phụ nữ Thăng Long có lẽ là áo tứ thân (4 thân), sang hơn thì thêm một vạt để có thể cái khuy, nhưng lúc mặc vẫn thường chỉ dùng thắt lưng buộc chặt. Người lao động hay gánh vác, áo thường hay sờn rách vai trước, nên phải thay phần trên của áo, khi thay bao giờ cũng để so le nhau, tạo dáng lệch đẹp hơn. Áo đổi vai thành ra có hai màu, vừa tiết kiệm lại cũng thành một kiểu mới. Áo dài nữ cũng như nam đều có một vòng đệm quanh cổ, gọi là lá sen, và cổ áo dựng lên cao độ một đốt ngón tay. Mùa rét mặc hai ba lớp áo gọi là “áo mớ”, mỗi lớp áo trong chỉ đề lộ ra một chút.
 
Mặc áo tứ thân, phải thắt lưng bằng dải lụa màu, hay cái “ruột tượng” - một cái bao hình ống dài có thể đựng tiền và vài thứ vặt rồi buộc nút hai đầu lại. Nhà buôn thành thị, nhà giàu xứ quê, còn đeo vào thắt lưng một bộ “xà tích” bằng bạc với chiếc ống vôi nhỏ, quả đào xinh xinh đựng thuốc lào, chùm chìa khóa...
 
Thông thường, phụ nữ “36 phố phường mặc áo 5 khuy, tay rộng. Khi mặc, các cô chỉ cài 4 chiếc, để hở khuy cổ, khoe cái yếm cổ xây, hồ lơ trắng lốp, ôm lấy cái cổ trắng nõn nà cao ba ngấn.
 
Phụ nữ phố phường hay dùng yếm trắng. Phụ nữ ngoại thành dùng yếm nâu, hội hè mặc yếm đào, yếm hoa hiên. Các bà đứng tuổi ưa cổ xẻ, từ yếm có 3 đường khâu xòe ra.
 
Nam giới mặc áo dài năm thân, có khuy tết chỉ hoặc khuy đồng, khuy bạc, khuy ngọc . . . Mùa rét, dùng áo kép, có thêm lần vải lụa lót màu tươi; áo mềm được dựng ở giữa một lần vải thô cho dày hơn; áo bông dài và áo bông cộc trần quân cờ. Thông thường nam giới mặc áo the thâm dài, người hào hoa phong nhã thì mặc áo sa trơn, áo trong và quần màu trắng.
 
Mua hàng may mặc, người Hà Nội trước đây thường đến phố Hàng Đào. Đây là nơi tập trung những cửa hàng bán vải vóc, tơ lụa, gấm, nhung… Sản phẩm của các hàng dệt nổi tiếng của Hà Nội như the La, gấm vóc Vạn Phúc, lĩnh Bưởi, lĩnh Tây Hồ, lụa Mỗ, chồi Bùng . . . đều có bán ở đây. Phố Hàng Ngang cũng có một số hàng tấm (bán vải). Còn mua vải thì đến phố Hàng Vải. Có loại vải khô hẹp, dệt khung cửi gỗ, bán từng vuông, có thứ để sợi mộc, có thứ tẩy rồi hồ trắng. Vải rồng mỏng, sợi mịn để may áo mùa nực. Vải sô dệt thưa dùng trong việc tang. Lại có vải màn khổ rộng, dệt có đố để khỏi dạt sợi và cũng để trang trí cho đẹp. Sau lại có một đoạn phố gọi là Hàng Vải Thâm, chuyên bán vải nhuộm đen và nâu. Còn thợ may khéo của Hà Nội thường tập trung ở phố Hàng Trống, Hàng Gai. Người sành mặc tìm đến may ở đây.
 
Các thứ dùng để đội đầu, che đầu của người Hà Nội rất phong phú. Cùng là chiếc nón mà có biết bao loại. Nào là “nón mền giải” hay “nón tam giang” dành cho ông già, “nón lá” cho con nhà giàu, học trò, “nón dâu” cho họ hàng nhà quan, “nón lá sen” nhỏ khuôn cho trẻ con, “nón sọ nhỏ” cho nhà nông, “nón chèo vành” cho binh lính, “nón khua” cho người hầu, vợ con binh lính, “nón mặt lờ” cho thầy tu, “nón cạp” cho người có tang (Vũ trung tùy bút). Quai nón thường là sợi mây.

Nón Mười hay nón ba tầm là một loại thuộc kiểu nón Nghệ, rộng như chiếc nia, vành cao thành tới nửa gang, ở giữa có cái “khua” đan bằng nan tre nhỏ chụp lấy đầu, thường làm ở Chuông (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Sơn Bình), toàn bằng lá nõn trắng phau, khâu bằng cước vừa thanh, vừa bền, được phụ nữ Hà Nội rất ưa thích, dùng đội để đi dự hội hè, đi lễ chùa.
 
Nón được trang trí cầu kỳ ở bộ quai thao, sản phẩm đặc biệt của làng dệt Triều Khúc (nay là xã Tân Triều, huyện Thanh Trì). Chỗ hai nút thao buộc vào nón có hai cái thẻ bạc to bằng con bài chạm bạc, ở giữa là hình hổ phù đeo cái vòng buộc thao. Cổ thao dệt bằng tơ thành sợi tròn, kết làm quả có tua dài một gang, bay phất phơ bên mái tóc, quai thao thả trễ tràng trước ngực. Khi đi, tay trái để trước bụng giữ nhẹ quai nón, tay phải vung vẩy dẻo dang. Cho nên về sau quen gọi là “nón quai thao”. Các cô dâu hay dùng món này để che mặt kín đáo hơn là che bằng quạt. Như vậy, tuy làng Chuông là nơi sản xuất chính, nhưng người Hà Nội đã tô điểm trang trí cho cái nón thêm đẹp, thêm duyên dáng, mang những đặc điểm riêng của cái nón thị thành:
 
 "Hà Nội thì kết quai tua,
 
 Có hai con bướm đậu vừa xung quanh.
 
 Tứ bề nghiêng nón nghiêng vành,
 
 Ở giữa con bướm là hình ông trăng.
 
 Nón này em sắm đáng trăm,
 
 Ai trông cái nón Ba tầm cũng ưa."
 
Người sang trọng dùng nón dứa, làm bằng thứ lá dứa mỏng, trong nuột, khâu công phu như dệt vải, đội vừa nhẹ, vừa mát. Nón này thường do người buôn bán đưa từ Huế hoặc Gò Găng, Ba Đồn, Kỳ Anh ra, đem bày bán ở các cửa hiệu phố Hàng Nón.
 
Lại có loại nón lông cho quan lại, kỳ mục. Quan thì dùng nón lông trắng của lông cò. Tổng, Lý dùng nón lông đen của lông quạ, lông chim. Nón hình chóp, trên đóng cái chóp bằng đồng bạch hoặc bằng bạc. Quai nón là một dải lụa. Quan to ra đường có người hầu che lọng. Có cả một phố Hàng Lọng sản xuất mặt hàng này (nay là đường Lê Duẩn). Người đứng tuổi, các cụ ông thích dùng ô. Ô có bộ khung lòng máng bằng sắt để giương lên, cụp xuống. Cán bằng gỗ hoặc song uốn cong, sơn then, hoặc cũng có khi làm bằng sừng đanh bóng, mui ô lợp bằng vải đen. Sang thì dùng bằng ô lợp mui bằng lụa trắng, hoặc lụa đen bóng đẹp, gọi là “ô lục soạn”.
 
Hồi đầu thế kỷ, có các loại được nhập kiểu vào Hà Nội. Thông dụng nhất là mũ “cát”, có cốt làm bằng mút dại, gỗ hải đồng, hoặc bồi giấy. trên lợp vải trắng, đánh phấn. Mũ “phớt”, mũ nồi bằng dạ, đội mùa rét. Mũ “lưỡi trai” cho người lao động, lái xe . . .
 
Trước đây, phụ nữ Hà Nội đều quấn khăn. Phải dùng một cái độn tóc bằng vải dài như con rắn, quấn tóc ra ngoài rồi lấy khăn bằng nhiễu, lượt, hoặc nhung, bao chặt lại cho thật tròn lẳn, vấn một vòng quanh đầu, và thế nào cũng phải để thò đoạn “đuôi gà” ra phía sau. Bà nào tóc ngắn, phải mua thêm một mớ tóc dài, ở phố Hàng Cân, để độn nối ra cho có cái “đuôi gà” thì mới duyên dáng! Để khỏi xổ ra, đầu khăn gài một chiếc đanh ghim có con bướm hoặc bông hoa trạm bạc. Phụ nữ ngoại thành quen buộc bằng một sợi chỉ đỏ thay ghim. Muốn có hương thơm, các bà, các cô giắt lên mái khăn một bông lan, hoặc bông bưởi, lẳng hơn nữa thì mới giắt hoa nhài.
 
Trời lạnh, có thêm một chiếc khăn vuông màu đen đội trùm lên. Người có tiền dùng khăn nhung. Bình dân dùng khăn vải, vuốt cho có mỏ nhọn, gọi khăn mỏ quạ. Để bảo vệ da mặt khỏi mưa nắng, khi làm việc ngoài trời, phụ nữ kéo khăn che kín, chỉ để hở đôi mắt, cho không “rám má hồng”.
 
Ngày cưới, khi đã có bộ quần áo “tân thời” các cô gái Hà Nội còn đội khăn “vành dây”, quấn nhiều vòng như khăn xếp của đàn ông, bằng lụa màu hồng hoặc màu vàng.
 
Nam giới đội khăn đơn giản hơn. Người lao động với một đoạn vải quấn, buộc cũng có thể thành chiếc khăn tai chó, hoặc khăn đầu rìu (hoặc mỏ rìu) ở trên đầu.
 
Ông đồ, thầy nho, kỳ hào quấn khăn chữ “nhân” bằng lượt hoặc nhiễu, bình thường quấn 3 vòng rồi giắt cho chặt. Khăn dài quấn 5- 6 vòng, to ra thành “khăn là bác nọ to tầy rế” . . . Sau biến thành cái khăn xếp, có lõi, dán chặt sẵn từng nếp, đội lên đầu là xong, không phải cài, giắt, cũng không sợ tuột, xổ.
 
Bây giờ, chỉ còn người già mới đội khăn vấn, khăn xếp, hoặc chỉ đem dùng khi tiến hành các nghi lễ cổ xưa mà thôi.

Giày dép

 
Guốc cổ nhất là loại guốc tre, đẽo bằng gộc tre, mũi liền với đế rất bền. Sau đến loại guốc đế gỗ, mũ bằng da mộc, sau cải tiến thay bằng quai da thuộc.Hình thức cũng thay đổi, chỗ gót thấp dần dần nâng lên cao tới nửa gang tay, để đế cả khối hoặc chuốt nhọn. Có thứ làm bằng gỗ tốt để mộc, có thứ sơn then, sơn mài, quang dầu vẽ hoa lá. Quai guốc cũng có nhiều loại: quai ngang, quai chéo, quai đan, quai lệnh. . . với đủ các chất liệu khác nhau như: vải, da, cao su... Ở Hà Nội ngày nay, guốc chỉ còn dùng cho phụ nữ. Nam giới rất ít người đi, hoặc chỉ đi trong nhà.
 
Dép cổ nhất là dép quai ngang, chỉ có một cái đế bằng da mộc, có quai ngang và cái vòng da nhỏ để sâu ngón chân cái vào. Dép này chủ yếu dùng cho người lao động. Các bà sang trọng đã đội nón quai thao thì phải đi dép cong mới hợp thời trang. Đế dép bồi nhiều lớp, tạo ra chiếc mũi cong đứng hình lá đề.
 
Tân tiến hơn lên thì đi giày. Đàn ông chuộng giày Gia Định, mũ bằng da láng đen mượt, bóng mềm. Học trò dùng giày da lợn. Sang trọng và mặc âu phục, rồi thì lại phải đi giày “tây”, còn gọi là giày “giôn” vì lúc đầu màu da thường chỉ có màu vàng, sau mới có thêm các màu khác. Người lao động, bình dân thì dùng giày vải “ba ta”.
 
Phụ nữ đi giày mõm nhái, giày “mang cá”. Quý phái dùng giày cườm, mũi gấm thêu hoa bằng những hạt cườm đủ màu sắc. Ngày cưới, ngày hội còn đi hài, thứ thêu kim tuyến hình hoa bướm, ở mũi vát cong lên gọi là “vân hài”.

Đồ trang sức chủ yếu dùng cho phụ nữ, thời trước con gái mới sinh vài tháng đã được mẹ xâu kim, buộc chỉ, hoặc cặp chì cho để có lỗ tai mà đeo khuyên, đeo hoa.
 
Khuyên hình tròn như cái vòng nhỏ. Hoa đeo móc vào lỗ tai, có mặt chạm hoa, cặp chặt một viên đá ghép mài vát nhiều cạnh để tạo dáng và phản quang. Có thứ hoa “mặt giàn”, có thứ hoa “tai bèo”. Lại có loại hoa làm rời thành hai bộ phận, khi đeo vặn ốc cho khỏi rơi.
 
Phụ nữ còn đeo vòng, xuyến ở cổ tay, nhẫn ở ngón tay. Cổ quấn vài vòng hột, hoặc đeo một cái dây chuyền mang hình quả tim, hay hai chữ lồng tên của đôi vợ chồng.
 
Trang sức làm bằng vàng, bằng bạc. Cả một phố Hàng Bạc xưa chuyên làm nghề kim hoàn với những người thợ tài hoa của làng Định Công (Thanh Trì), Đồng Sâm (Thái Bình). Về sau, đồ trang sức còn làm bằng ngọc, ngà voi, kim cương . . .
 
Ngoài đồ trang sức bằng vàng, bạc thật, còn có đồ trang sức bằng vàng bạc giả, gọi là hàng “mĩ ký”. Đó là các loại hoa tai, nhẫn vòng thường bán tại chợ Đồng Xuân. Đó là những thứ giả mà như thật, và còn đẹp hơn thật, rất được mọi người trong ngoài nước ưa thích.
 
Nhìn lại quá trình lịch sử, trang phục của người Thăng Long - Hà Nội đã có nhiều thay đổi, qua từng thời đại. Tuy nhiên cái vẻ đẹp lịch sự, trang nhã trong phong cách ăn mặc và trong kiểu cách quần áo thì vẫn được bảo tồn như là một đặc điểm riêng của trang phục Hà Nội. Có nhà văn nói rằng, người Hà Nội trong bộ quần áo cần lao giản dị mà vẫn đượm vẻ phong lưu. Đó quả là một nhận xét tinh tế./.

(Địa chí văn hóa dân gian Thăng Long Đông Đô Hà Nội/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark