16/11/2009 | 09:38:00

Tranh đỏ Kim Hoàng: Chỉ còn lại là niềm nhớ tiếc!

Tranh lợn độc. (Ảnh: hcmufa.edu.vn)

Cùng với tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, dòng tranh đỏ mang tên làng Kim Hoàng ở xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội là một dòng tranh dân gian đặc sắc của vùng đồng bằng Bắc bộ xưa kia.

Giờ đây, dẫu chỉ còn lại niềm nhớ tiếc một dòng tranh từng một thời vang bóng, song hầu hết những người dân Kim Hoàng mà chúng tôi gặp vẫn nhậm ngùi bày tỏ: tranh Kim Hoàng là tiếng thơm của làng, để mất rất tiếc, giá mà có thể khôi phục được chút gì trước khi quá muộn.

Chúng tôi về Kim Hoàng, ngôi làng cổ ven đô đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, vào một ngày Hà Nội vừa lập đông. Cái nắng hanh vàng đọng trên những trái cam Canh đặc sản của quê hương Vân Canh như càng làm tăng thêm nỗi day dứt, nhớ tiếc về một dòng tranh từng là "tiếng thơm của làng”.

Anh Trần Văn Vượng, Thường trực Đảng ủy xã Vân Canh, cho biết Kim Hoàng là một trong 3 làng của xã Vân Canh. Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, những ngày hanh của mùa đông thế này ngày xưa được coi là lý tưởng để phơi tranh và mang ra bán tại những phiên chợ quê trong vùng.

Cụ Trần Xuân Tâm - người được coi là "kho tư liệu sống” về nghề làm tranh chia sẻ: "Tiếc lắm nhưng thân già này có lẽ đành chịu. Các ván in tranh trải qua thời gian đều bị thất lạc hết rồi".

Sở dĩ tranh dân gian Kim Hoàng ngày xưa được gọi là tranh đỏ bởi thường được in trên giấy hồng điều, khác với tranh Hàng Trống hoặc tranh Đông Hồ in trên giấy trắng mộc hoặc giấy trắng điệp. Màu của tranh, ngoài màu đỏ làm nền còn có màu đen khi in từ ván gỗ lên giấy và màu trắng, vàng, xanh lá cây, xanh da trời, chàm, tím, hồng…được vẽ, tô sau khi in xong.

Ngày xưa, để có được bức tranh nền đỏ rực rỡ, tươi tắn, người làm tranh Kim Hoàng thường dùng những bản khắc bằng gỗ thị, gỗ mít hay vàng tâm với những nét khắc tinh xảo và kỹ thuật in ngửa ván tài tình.

Những năm đầu thế kỷ 20, sau vụ gặt tháng 10 hàng năm, tiết trời se lạnh, là thời điểm người Kim Hoàng rộn rã, náo nức làm tranh.

Giấy hồng điều lúc đó được mua ở phố Hàng Mã. Sau khi dùng những bản khắc gỗ sẵn, quét nước cham vào, đặt giấy lên cho thật phẳng phiu, dùng xơ mướp khô xoa nhẹ, đều cho nổi rõ các hình, các nét rồi sẽ đem phơi trên các que tre.
 
Chờ cho tranh khô, người làm tranh mới mang vào chấm màu, vẽ thêm nét cho bức tranh thật sinh động, nổi bật. Chổi để tô màu cho loại tranh này luôn làm bằng rơm nếp, tạo độ mềm mại vừa phải và dễ điều chỉnh cho mỗi nét tô.

Để có màu chàm trên bức tranh, người ta đem cây chàm ngâm, chắt gạn lấy phần chất nhuyễn ra từ cành và lá, để tạo nên màu. Để cho bền màu, người Kim Hoàng còn ninh cả da trâu bò trộn thêm vào để màu được dính, bền hơn.

Từng có một thời hoàng kim là thế, song giờ đây, làng Kim Hoàng không còn giữ được một bản khắc, một bức tranh nào nữa. Mưa lụt, chiến tranh và thời gian đã khiến cho những gì thuộc về dòng tranh một thời nổi danh nay chỉ còn lại trong tâm tưởng.

Người Kim Hoàng bây giờ ai cũng biết làng mình xưa có nghề làm tranh đỏ độc đáo, nhưng lại chẳng có ai may mắn được tận mắt ngắm nhìn một dụng cụ làm tranh hay một bức tranh hiếm hoi còn lại.

Rời Kim Hoàng, chúng tôi cứ trăn trở, biết là rất khó nhưng giá mà có cách nào để có thể phục hồi, dù chỉ một phần rất nhỏ nghề làm tranh đỏ - dòng tranh dân gian độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của một ngôi làng cổ phía tây Thủ đô, trước khi tất cả trở nên quá muộn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark