19/08/2010 | 15:30:00

Tức Mặc-hành đô của nhà Trần sau Thăng Long

Một công trình trong quần thể đền Trần, tỉnh Nam Định. (Nguồn: Internet)

Hàng năm, hàng chục vạn du khách đã về chiêm bái tại quần thể di tích lịch sử-văn hóa thời Trần thuộc địa bàn các xã, phường của thành phố Nam Định và huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định.

Song không phải ai cũng biết rằng, dưới thời Trần vùng đất Tức Mặc-sau này được đặc cách phong thành "phủ Thiên Trường" từng có những cung điện tráng lệ, những dinh thự quy mô... và trên thực tế nơi đây có vai trò như là một "hành đô" một "đông kinh" sau kinh thành Thăng Long thuở đương thời.

Theo các nguồn sử liệu, cung Tức Mặc chính thức được xây dựng từ năm 1239. Năm 1258, sau cuộc kháng chiến chống Nguyên-Mông lần thứ nhất, Trần Thái Tông-vị vua đầu tiên nhường ngôi cho con, lên ngôi Thái Thượng Hoàng đã về ngự ở hành cung Tức Mặc.

Đến năm 1262, cung Tức Mặc được đổi thành cung Trùng Quang, hương Tức Mặc được đặc cách phong thành Phủ Thiên Trường. Sử cũ đều có ghi rằng từ khi xây dựng cung điện Trùng Quang và Trùng Hoa, các Thượng Hoàng và vua quan nhà Trần thường về đây hội triều để bàn việc quốc kế dân sinh.

Các vua Trần sau khi nhường ngôi làm Thái Thượng Hoàng đã về đây sống cuộc đời tu hành nhàn hạ và hướng dẫn, chỉ đạo vua nối nghiệp quản lý đất nước trên các phương diện.

Sau bảy thế kỷ giặc giã, bão lụt, thiên tai, cung điện Trùng Quang, Trung Hoa đều không còn. Song qua nhiều cuộc khai quật khảo cổ học tại khu vực đền Trần, chùa Tháp, với những thành tựu nghiên cứu gần đây, giới nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn bước đầu nhận định đây là đồ án kiến trúc hoàn chỉnh và tương đối sớm trong kiến trúc cung điện, chùa chiền ở Việt Nam.

Bao bọc khu cung điện Trùng Quang, Trùng Hoa là hệ thống các dinh thự của các quan lại cao cấp của triều đình như Bảo Lộc của An Sinh vương Trần Liễu, Cao Đài của Trần Quang Khải, Lựu Phố của Trần Thủ Độ.

Xung quanh khu vực Thiên Trường ở mỗi làng, mỗi di tích đều còn lưu dấu các di sản thời Trần từ kiến trúc thờ tự, đến địa danh... cho tới tận hôm nay. Tất cả đã chứng tỏ rằng, thời Trần ở đây có cung điện tráng lệ. Vùng đất Tức Mặc-Thiên Trường như là một trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa sau kinh đô Thăng Long.

Với vị trí quan trọng đó, trong ba lần kháng chiến Nguyên-Mông, cung điện Thiên Trường đều là căn cứ địa quan trọng để triều đình tôn thất từ kinh thành Thăng Long lui về ẩn náu, bàn kế sách phản công chiến lược, dẫn đến những thắng lợi oanh liệt của dân tộc, đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc.

Ngày nay, khi bước vào đền Thiên Trường, chúng ta gặp ngay ba bức hoành phi lớn treo trang trọng ở gian tiền đường ghi rõ "Thiên trường cung," bên tả là "Trùng Quang," bên hữu là "Trùng Hoa" và đặc biệt có bức hoành phi ghi "Triệu cơ vương tích" trong cung cấm nói rõ việc phát tích của dòng họ Trần ở đất này.

Chính đền Thiên Trường, đền Cố Trạch được xây dựng sau này cùng với chùa tháp Phổ Minh (tôn tạo, mở rộng từ năm 1262) là những chứng cứ vật chất được xây dựng trên nền tảng và cương vực của cung điện Trung Quang, Trùng Hoa xưa.

Giờ đây, quần thể di tích này đang hàng ngày hàng giờ được nhân dân cả nước và trong tỉnh Nam Định chăm lo gìn giữ.

Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử-văn hóa thời Trần tại tỉnh Nam Định đến năm 2015, với tổng số vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. Trong tương lai không xa, nơi đây sẽ trở thành một trung tâm du lịch văn hóa, đặc biệt là văn hóa thời Trần của Việt Nam.

Khách thập phương về đây sẽ được sống lại với một thời kỳ lịch sử huy hoàng của dân tộc. Hiện nay, khu di tích lịch sử, văn hóa thời Trần đang được chỉnh trang, chuẩn bị các điều kiện để tổ chức các hoạt động trong dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội./.

Phạm Văn Tiếp (TTXVN/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark