04/09/2019 | 16:08:00

VEC 2019: Đổi mới giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng nhân lực

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phạm Tất Thắng giới thiệu về hội thảo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Sáng ngày 4/9 tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức gặp mặt báo chí, thông tin cụ thể về một số nội dung liên quan đến Hội thảo Giáo dục 2019 (VEC 2019).

Với chủ đề “Phát triển giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế,” sự kiện này sẽ được tổ chức theo hình thức tương tác giữa các diễn giả và các đại biểu tham dự. Theo đó, các đại biểu trao đổi và tranh luận trực tiếp về những nội dung chuyên đề đưa ra ngay tại hội thảo, gồm ba nội dung trọng tâm: Thể chế giáo dục nghề nghiệp; doanh nghiệp và giáo dục nghề nghiệp; chất lượng giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phạm Tất Thắng cho hay, những năm qua, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp nước ta đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, góp phần quan trọng trong công cuộc đổi mới. Tuy nhiên, trước sự vận động, phát triển không ngừng của khoa học-công nghệ và tri thức nhân loại, trước yêu cầu của việc hội nhập sâu rộng, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, công tác giáo dục nghề nghiệp đang đứng trước yêu cầu phải hoàn thiện, đổi mới.

“Từ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách đến năng lực, hiệu quả đào tạo giáo dục nghề nghiệp phải đổi mới đáp ứng yêu cầu của người học cũng như thị trường lao động và doanh nghiệp, đặc biệt là những ngành đòi hỏi kỹ thuật, công nghệ cao trong xu thế cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư,” ông Phạm Tất Thắng nói.

VEC 2019 sẽ có sự tham gia của khoảng 200 đại biểu, bao gồm lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, đại diện một số cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp...

Tính đến thời điểm hiện tại, ban tổ chức đã nhận được gần 60 tham luận của các chuyên gia, nhà quản lý, nhà giáo, nhà khoa học trong và ngoài nước. 

Qua hội thảo, ban tổ chức mong muốn đem đến cái nhìn rõ hơn, toàn diện hơn về thực trạng giáo dục nghề nghiệp, từ đó đề xuất các giải pháp để phát triển lĩnh vực này, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam cũng như góp phần hoàn thiện chính sách pháp luật về giáo dục nghề nghiệp trong thời gian tới.

Dự kiến, sự kiện sẽ diễn ra vào ngày 20/9 tại Hà Nội./.

(Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark