24/12/2012 | 15:39:00

Vẫn còn đó, góc Hà Nội yên bình…

Giữa không khí náo nhiệt của phố phường Hà Nội, ít ai biết, trong căn nhà cổ 87 Mã Mây (Hà Nội), có một cụ đồ vẫn cần mẫn, lặng lẽ vẽ lên những bức tranh thủy mặc, góp phần làm nên một góc Hà Nội yên bình.

Cụ đồ nói tiếng Tây như… “gió”

Đó là nghệ nhân Nguyễn Bá Dần, 75 tuổi. Vốn sinh ra và lớn lên ở ngõ chợ Khâm Thiên, ông Dần ngày ngày bắt xe buýt lên phố cổ để theo đuổi cái “nghiệp” của một nhà Nho – đó là viết thư pháp và vẽ tranh thủy mặc. Ngày còn nhỏ, cậu bé Dần  theo mẹ ra Hồ Gươm chơi, vô tình gặp một ông đồ ngồi viết chữ đã làm ông say mê từ đó. Ông đồ ấy chính là người đầu tiên và là người thầy duy nhất dạy cho ông sự say mê và cách thổi hồn mình vào những nét chữ. Từ ấy đến giờ đã qua nửa đời người, ở cái tuổi thất thập cổ lai hi nhưng dường như sự say mê vẽ tranh và bình thơ của ông vẫn vẹn nguyên như ngày ông còn bé.

Ông Dần cho biết, tranh thủy mặc và dòng chữ thư pháp được bắt nguồn từ Trung Quốc, được vẽ bằng bút lông, dùng thuốc nước hoặc mực nho trên giấy xuyến chỉ (loại giấy làm thủ công nhưng rất cao cấp, trắng, mịn, chứ không phải hơi vàng ngà và sần như giấy dó của tranh Đông Hồ). Họa sĩ vẽ thủy mặc phải tích đủ nội công lại đầy cảm xúc, ý tưởng rồi mới hạ bút, vì đặc điểm của giấy xuyến chỉ là rất thấm mực, bút vẽ nét nào ăn nét ấy, không thể sửa chữa. Sắc màu của mực đậm hay nhạt tùy vào nét bút đưa đường nét và tạo hình thế nào, tạo ra thay đổi bất ngờ.Ngắm nhìn những bức tranh mà ông vẽ với chủ đề Thăng Long xưa, cầu Long Biên, hay cây tre, cây trúc, những gánh hàng rong, hay những chú cá chép bơi lội tung tăng, đủ cho thấy tâm hồn đẹp của ông đồ này.

Điều lạ là, dù mải miết với những nét bút, giấy mực, song mỗi lần du khách Tây lại gần, ông lại ngừng bút và say sưa giảng giải cho du khách nghe bằng đủ loại tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung. Thấy tôi tỏ vẻ ngưỡng mộ, ông cười: “Có gì đâu,  chẳng qua là nghề mà. Làm lâu rồi thành quen, tiếp xúc nhiều rồi thành biết hết mà. Ấy thế, nhưng hai đứa con tôi học ngoại ngữ đủ cả, nhưng thu nhập chưa chắc đã bằng tôi đâu”.

Cần lắm sự đam mê

Yêu nghề, say nghề đến mức dù đã trải qua nhiều công việc như làm thợ khắc bút, thầy lang… song ông Dần vẫn không thể bỏ cái nghiệp vẽ tranh thủy mặc. Bởi thế, từ khi ngôi nhà cổ ở địa chỉ 87 Mã Mây được bảo tồn, ông đến đó, ngày ngày thả hồn theo nét vẽ và thậm chí đôi lúc kiêm luôn hướng dẫn viên du lịch. Ông Dần bảo, thường mỗi bức tranh thủy mặc ông vẽ mất chừng 15 - 20 phút, mỗi bức bán khoảng 150.000 đồng. Ai hỏi mua thì ông bán, nhưng cũng có những lúc “cái hứng” của một nhà nho xưa nổi lên, ông lại tặng cho khách mà chẳng lấy tiền. Chỉ cần khách hiểu và ngắm nghía bức tranh với cảm xúc lạ, ông sẽ không chần chừ đàm đạo về tranh cùng khách.  

Ông tâm sự: “Với chất liệu là giấy dó, việc vẽ tranh thủy mặc cũng kì công lắm, đòi hỏi sự chuyên tâm và kiên nhẫn. Khi vẽ cho những người nho nhã, thư sinh thì nét bút phải mềm mại, uyển chuyển, nếu người đó là một vị tướng thì nét bút phải dứt khoát, khỏe mạnh như chính con người của họ”. Khi tôi hỏi các con ông có ai theo nghề? Ông thở dài: “Chúng nó trẻ người, và cũng không đủ tâm, đủ tầm để học cái nghề này. Muốn viết được thư pháp và cao hơn là vẽ tranh thủy mặc, cần lắm sự đam mê.  Nếu không có cái tâm và không say được thì tốt nhất không nên học, vì mỗi câu thơ, mỗi nét bút vẽ trong đó là cả một tâm hồn, tình cảm, nếu không có cảm xúc và tâm huyết thì nét chữ khô và ít có hồn lắm”. Ông Dần lo lắng, không biết mai này có ai còn nhớ đến thú chơi nho nhã này nữa không?/.

(Người Hà Nội/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark