13/07/2010 | 15:42:00

Văn hiến Thăng Long qua thuần phong mỹ tục

(Ảnh minh họa: Internet)

Kính cẩn phụng dưỡng ông bà cha mẹ, tôn sư trọng đạo, hiếu học, giàu lòng hiếu khách… là những nét đẹp trong mối quan hệ giữa con người với con người của dân tộc Việt Nam. Với người Thăng Long - Hà Nội, những nét đẹp ấy còn mang đặc trưng riêng.

Chịu ảnh hưởng của đạo đức cổ truyền, lại được bổ sung bằng những quan điểm Nho giáo, tập quán sinh hoạt trong các gia đình Việt Nam thể hiện sự tuân thủ nghiêm ngặt tôn ti trật tự giữa người trên, kẻ dưới, trong gia đình và dòng họ, đồng thời thể hiện sự gắn bó chặt chẽ, tình thương yêu đùm bọc lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình, gia tộc.

Điều đó cũng diễn ra đối với mọi nhà ở Thăng Long-Hà Nội, nhưng trên một số vấn đề lại mang theo những nét đặc trưng của tính cách con người Thăng Long-Hà Nội.

Ở đây, sự tuân thủ tôn ti trật tự được thể hiện một cách tự nhiên, nhằm xây dựng gia đình hòa thuận, trên kính dưới nhường, già trẻ được yên vui.

Người cao tuổi nhất trong nhà (là cụ, là ông bà, cha mẹ) được kính cẩn phụng dưỡng. Giữa vợ chồng gần gũi mà không buông tuồng, lời nói đến cử chỉ, giữ được ôn hòa, trang nhã, đương nhiên, không phải mọi gia đình đều được như thế.

Do địa vị xã hội, hoàn cảnh gia đình, trình độ hiểu biết khác nhau, nhưng nói chung cách ứng xử vợ chồng như trên là đúng đắn, là mẫu mực để noi theo.

Việt Nam có truyền thống hiếu học rất quý báu mà tiêu biểu ở đỉnh cao Thăng Long.

Thăng Long có Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên của cả nước, tinh hoa nền giáo dục Việt Nam tỏa đi từ nơi ấy. Thăng Long có đội ngũ trí thức đông đảo, nhiều thầy học nổi tiếng. Có hàng vài chục thầy là Tế tửu (hiệu trưởng) hoặc Tư nghiệp (hiệu phó) ở Quốc Tử Giám.

Không biết đã bao lần Thăng Long được chứng kiến hàng vạn lượt sĩ tử bốn phương lều chõng kéo đến trường thi và quang cảnh những ngày hội lớn, các ông trạng, ông nghè võng lọng xênh xang trên đường vinh quy bái tổ được nhà vua cho đi thăm cảnh phố phường và ra mắt công chúng.

Trong một môi trường luôn được tiếp xúc với việc giảng dạy, học tập và thi cử như vậy, tinh thần hiếu học của nhân dân Thăng Long càng được kích thích. Nhà nhà học tập, người người học tập. Không chỉ những gia đình quyền thế, giàu có con em đi học cốt giành địa vị cao sang, mà cả những nhà thường dân, cũng gắng cho con em có dăm ba chữ được mở mày mở mặt.

Với truyền thống hiếu học, nhiều thuần phong mĩ tục đã hình thành. Đó là tinh thần tôn sư trọng đạo, người thầy ở địa vị cao hơn cả vị trí người cha trong mối quan hệ quân-sư-phụ. Đó là sự chuẩn bị nghiêm cẩn của cha và con trong buổi nhập môn, tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc chỉnh tề cha đưa con đến nhà thầy và đi lễ thánh sư Khổng phu tử.

Việc học tập ngày càng được coi trọng và trở nên thiêng liêng trong tâm thức mọi người. Cả kinh thành quý trọng chữ nghĩa đến mức không dám dẫm lên giấy có chữ hoặc dùng giấy có chữ để bao gói, lau chùi, cho rằng làm như vậy là có tội.

Thường ngày, có những người hàng phố đi nhặt giấy có chữ về đốt vàng mã. Người ta đề ra mọi thứ kiêng kị cho trẻ như không ăn cơm cháy sợ ăn sẽ bị tối dạ. Không ăn chân gà, sợ viết run tay. Không học bài vào giờ gà lên chuồng, sợ bị quáng gà và học bài lâu thuộc… Nhiều điều vô lí, nhưng lại có tác dụng thực tế gây thêm ý thức trân trọng mọi thứ liên quan đến học tập.

Theo quan điểm Nho giáo, quan hệ bạn bè là một trong năm quan hệ cơ bản của xã hội phong kiến. Quan hệ bạn bè lấy sự tin cậy lẫn nhau (chữ tín) làm đầu.

Ở Thủ đô, nơi tập trung mọi hoạt động kinh tế-xã hội, đầu mối giao lưu của đất nước, người Thăng Long có sự giao tiếp rộng rãi. Bè bạn đông và có nhiều loại, nhưng người dân Thăng Long giữ được sự trong sáng của tình bạn cùng những phong tục giao tiếp tốt đẹp. Có sự kết bạn giữa những người cùng chí hướng, tri âm tri kỉ. Họ sẵn sàng chia sẻ mọi nỗi buồn vui, giúp nhau khi hoạn nạn.

Thăng Long cũng như nhiều nơi có sự kết bạn đồng môn những người cùng học một thầy, hoặc cùng đỗ một khoa cùng làm quan tại triều đình. Nhưng trong các quan hệ này một khi đã coi nhau là bạn thì không chấp nhận sự ngăn cách vì địa vị cao thấp.

Như Nguyễn Quý Kính (ở Đại Mỗ, huyện Từ Liêm) và Hoàng Thì Trung (ở Yên Hòa, huyện Từ Liêm), hai người đỗ cùng khoa. Một người ra làm quan tới chức Tham tụng kiêm Thượng thư Bộ Lại, một người về nhà dạy học, làm dân thường. Tuy vậy, hai người vẫn là đôi bạn thân, họ vẫn cùng nhau thoải mái mọi nhẽ trong sinh hoạt mỗi lần gặp nhau.

So với người nơi khác thì người Thăng Long nói chung giàu có, văn hóa cao, do đó có điều kiện hơn để duy trì những thủ tục, lễ nghi theo tập quán cổ truyền. Nhưng phú quý sinh lễ nghĩa, người Thăng Long không chỉ áp dụng mà còn sửa đổi và thêm thắt, có trường hợp còn bày vẽ thêm, đặc biệt là về cưới xin, ma chay, giỗ tết, làm cho nhiều thủ tục trở nên rườm rà, cầu kì và tốn kém.

Tuy nhiên cái làm nên cốt cách Thăng Long trong phong tục tập quán không phải ở chỗ phú quý sinh lễ nghĩa ấy mà ở chỗ người Thăng Long đã biểu lộ được phần nào sự tinh tế của mình trong khi thực hiện những điều ấy.

Chính như vậy, những người Thăng Long đã thu hút được cảm tình của người hàng xứ nhờ có được sự thanh lịch, một trong những vẻ đẹp tiêu biểu của người Thăng Long trong mọi hoàn cảnh giao tiếp.

Nhân dân Việt Nam giàu lòng hiếu khách, lòng hiếu khách ấy ở người Thăng Long càng được thể hiện rõ. Đến một gia đình Thăng Long, khách được đón tiếp niềm nở, chân tình. Lúc muốn về bao giờ cũng được chủ nhà lưu luyến, cố níu giữ lại bằng mọi lí do thiện cảm. Khách từ nơi xa tới dễ dàng bắt gặp những nụ cười thân thiện cùng lời chào vồn vã của những người buôn bán ở các nhà hàng, quán trọ khi giao tiếp.

Những dịp hội hè, thi cử, khách bốn phương kéo đến đông, đều cảm thấy dễ chịu khi tiếp xúc. Ở đây có tục lệ quét dọn nhà cửa sạch sẽ và sắp sẵn nước nôi bên đường để đón khách. Những nhà khá giả còn dọn mấy mâm cơm rồi cử người ra đường mời khách.

Đây chính là những dịp để người Thăng Long tỏ lòng mến khách và khách cảm nhận rõ hơn những nét đáng yêu của người Tràng An./.

GS Vũ Khiêu (Thăng Long-Hà Nội ngàn năm văn hiến)

Bản để in Lưu vào bookmark