29/03/2010 | 14:56:00

Võng Thị - ngôi làng trong phố

Con phố chính đi vào làng. (Ảnh: Hoàng Quang Hà/Báo ảnh Việt Nam).

Võng Thị xưa kia là một phường thuộc huyện Quảng Đức của Kinh thành Thăng Long. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, làng Võng Thị còn được giữ nguyên tên gọi và nay thuộc phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Làng Võng Thị xưa kia có một số ít ruộng nằm ven hồ Tây, nên chỉ có một bộ phận rất nhỏ làm ruộng kết hợp thả sen; còn đa phần dân làng sống bằng nghề đánh cá trong hồ. Tên gọi “Võng Thị” xuất phát từ đặc điểm này (võng là lưới cá.)

Cũng có ý kiến cho rằng, từ xa xưa tại đây đã hình thành một chợ bán lưới đánh cá nên gọi như vậy.

Ngoài đánh cá, dân làng còn làm giấy, dệt vải và buôn bán. Cạnh đình làng hiện nay có bến Cổ Đô, xưa kia là một bến lớn, trên bến dưới thuyền buôn bán sầm uất. Bến này là “vệ tinh” của chợ Bưởi cách làng không xa - một chợ lớn ở ngoại ô Kinh đô Thăng Long xưa.

Đình Võng Thị thờ Mục Thận - ông là Thái sư Lê Văn Thịnh đã lập công trong "Vụ án hồ Dâm Đàm" vào tháng Ba năm Bính Tý đời vua Lý Nhân Tông (năm 1096). Lê Văn Thịnh là người làng Bảo Tháp, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, đỗ đầu kỳ thi Nho học đầu tiên của nước nhà - năm Ất Mão (1075).

Ông là người văn-võ song toàn, từng dẫn đầu phái bộ nhà Lý sang Quảng Tây (Trung Quốc) đàm phán thành công, buộc nhà Tống phải trả lại cho Việt Nam diện tích đã chiếm, rồi làm Thái sư trong 11 năm (1085-1096).

Đường vào làng Võng Thị trước là con đường đất chạy men ra đến đình Võng Thị, đền cổ Sùng Khánh, được dựng cuối đời vua Lý Nhân Tông (1072-1128) rồi ra đến hồ Tây, nay đã là một phố đẹp, rất đặc biệt của Hà Nội.

Năm 2001, con đường đã được gắn biển phố Võng Thị. Một phố mới chạy vòng quanh hồ Tây, bờ được kè đá, có những hàng cây xanh, những khu biệt thự mới xây cùng các tòa nhà cao bảy, tám tầng và hàng trăm phòng nghỉ, an dưỡng hướng mặt đón gió hồ, ngắm con phố làng đang rộng cánh tay ôm lấy hồ Tây, tạo một cánh cung phong thủy đẹp như một bức tranh thủy mặc rất độc đáo của Thủ đô.

Bên cạnh sự thay da đổi thịt của một làng ven hồ thành phố thị, du khách vẫn tìm được ngay trên phố mới những khoảng không gian tĩnh lặng và một miền tâm linh cổ kính của Tây Hồ xưa.

Với tốc độ phát triển Thủ đô hiện đại, Võng Thị - làng trong phố sẽ nhanh chóng trở thành một điểm đến hấp dẫn của du khách trong quần thể du lịch Tây Hồ./.

Trần Trí Công (Báo ảnh Việt Nam/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark