05/10/2012 | 08:40:00

Xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội: Dồn điền đổi thửa

Dồn điền đổi thửa không phải là một tiêu chí cụ thể trong xây dựng nông thôn mới. Nhưng để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân thì không thể không thực hiện dồn điền đổi thửa, tạo những vùng sản xuất quy mô lớn.

Quan điểm của lãnh đạo thành phố Hà Nội là: Nếu làm tốt công tác này, sẽ tác động rất tích cực tới hầu hết 19 chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới. Nhờ dồn điền đổi thửa, bộ mặt nông thôn đã và đang có nhiều khởi sắc. Điều quan trọng hơn, chủ trương, cách làm này hợp lòng dân, đã và đang được nhiều người đón nhận.

Một lão nông ở huyện Mỹ Đức đứng trên đồng ruộng của mình phấn khởi nói: Nhờ dồn điền đổi thửa mà gia đình ông đưa cơ giới hóa vào sản xuất, giảm sức lao động, canh tác và đi lại hết sức thuận tiện. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã rất "trúng" và đúng định hướng, nhưng ông mong muốn đẩy nhanh hơn nữa quá trình thực hiện để khi nhắm mắt cũng cảm nhận được niềm vui mang lại cho con cháu.

Giờ đây đi về các vùng quê của Hà Nội, từ các cuộc họp xóm, họp chi bộ hay bên từng mâm cơm, đâu đâu cũng râm ran bàn tán chuyện dồn điền đổi thửa. Đây thực sự là phong trào sâu rộng mà các cấp chính quyền, đoàn thể, nòng cốt là thanh niên, phụ nữ, nông dân vào cuộc quyết liệt.

Trong năm nay, toàn thành phố đăng ký dồn điền đổi thửa khoảng gần 31.000 ha, nhưng đến nay đã vượt xa so với kế hoạch, tăng thêm hơn 11.000 ha. Điển hình như huyện Chương Mỹ phấn đấu làm 4.000 ha, nhưng đến nay đã đạt trên 10.000 ha, bằng 255% kế hoạch.

Kinh nghiệm hay mà Hà Nội đúc kết để rút ra là: Công tác tuyên truyền vận động để người dân tự giác thực hiện là khâu quan trọng nhất. Bên cạnh đó, các chế độ, chính sách, các quyết định hỗ trợ, đầu tư, giải ngân phải kịp thời, công bằng và tháo gỡ vướng mắc nhanh chóng.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội kiêm Trưởng ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới Nguyễn Công Soái cho biết: Muốn phong trào tốt thì khâu lựa chọn cán bộ phải tốt, cán bộ phải được nâng cao về nghiệp vụ, cũng như tinh thần nhiệt huyết vì nhân dân. Khi Hà Nội làm tốt dồn điền đổi thửa thì chắc chắn xây dựng nông thôn mới sẽ bài bản và thuận lợi hơn nhiều; vì điều kiện kinh tế phát triển, giao thông, thủy lợi, hạ tầng cơ sở đồng bộ, thuận tiện giao thương hàng hóa và lao động sản xuất.

Tuy nhiên, công tác dồn điền đổi thửa ở Hà Nội đang gặp phải không ít vướng mắc, khó khăn do việc đo đếm, giao đất còn phụ thuộc vào thời vụ và nhiều địa phương còn lúng túng, chưa triển khai và thậm chí cán bộ chủ chốt chưa hiểu hết chủ trương. Vì vậy, đến nay mới có 99/228 xã có phương án dồn điền đổi thửa; trong đó mới có 35 xã có phương án được phê duyệt.

Cho đến nay, nhiều địa phương chưa xây dựng được phương án “Quy trình thực hiện công tác dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp” như: Thị xã Sơn Tây, Thanh Oai, Mỹ Đức, Gia Lâm, Ứng Hòa, Đông Anh, Thanh Trì, Mê Linh.

Thành phố Hà Nội cũng xác định được nguyên nhân của thực trạng này, đó là do công việc này rất khó, đụng chạm tới quyền lợi của hầu hết các hộ dân và tiến hành khối lượng việc rất nhiều, từ xây dựng phương án, kế hoạch triển khai, tổ chức tuyên truyền, họp ở nhiều cấp, nhiều nội dung, đo đạc, lên bản đồ, gắp thăm, chia đất, cấp hồ sơ giấy tờ, nên tâm lý chung của cán bộ địa phương ngại và không muốn làm. Bên cạnh đó, n hiều nơi người dân vẫn chưa thấy được lợi ích trước mắt và lâu dài vì công tác tuyên truyền sở tại chưa mạnh.

Ông Trần Xuân Việt, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết: Thành phố đã bố trí nguồn vốn khuyến khích các xã thực hiện dồn điền đổi thửa xong trong năm nay và là tiền đề để các huyện, thị xã chỉ đạo hoàn thành công tác này trên địa bàn. Ủy ban Nhân dân thành phố thí điểm một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn thành phố giai đoạn 2012-2016./.

Nguyễn Văn Cảnh (TTXVN)

Bản để in Lưu vào bookmark