04/07/2010 | 15:29:00

Xênh xang khăn đóng áo dài

Ái dài khăn đóng không thể thiếu trong những lễ hội. (Nguồn: Báo Ảnh Việt Nam)

Nếu như người Nhật Bản tự hào với trang phục kimono kín đáo, người Pháp nổi tiếng với bộ veston sang trọng và lịch sự thì người Việt Nam cũng có quyền tự hào với bộ khăn đóng áo dài truyền thống vừa mang tính nghiêm cẩn lại vừa quý phái, nền nã, nhất là trong các dịp lễ tiết trang trọng.

Nói đến trang phục truyền thống của người Việt Nam không thể không nói đến áo dài, khăn đóng. Một điều khá thú vị đó là bộ trang phục này không chỉ dành riêng cho phái yếu mà còn là trang phục chung cho cả cánh mày râu. Áo dài may cho nữ thường bó sát người, có tà xẻ cao; còn cho nam giới bao giờ cũng rộng rãi. Khăn đóng cũng thế, nữ vành quấn cao, nam vành quấn thấp.

Từ xa xưa, hình ảnh chiếc áo dài, khăn đóng đã gắn liền với cuộc sống của người dân từ nông thôn cho đến thành thị. Theo lệ thường, mỗi khi làng nước có việc hệ trọng, gái trai ra đình đều vận khăn đóng ái dài. Gái thì áo dài hoa, đầu đội khăn gấm; trai thì áo dài nhiễu đen, đầu quấn khăn đóng đen (có nơi gọi là khăn xếp), bậc cao niên trưởng thượng thì áo và khăn đỏ có in hình chữ thọ, còn lũ trẻ nhỏ thì áo dài xanh, đỏ, vàng trông rất ngộ nghĩnh và đẹp mắt… Nói chung, khăn đóng áo dài không phân biệt hèn sang, già trẻ, ai ai cũng đều có thể mặc được, đặc biệt là trong các dịp lễ tiết quan trọng, nhất là dịp Tết đến Xuân về.

Bộ áo dài khăn đóng, gái mặc thì thướt tha, thùy mị; trai mặc thì nền nã, trang nghiêm. Chính vì vậy mà trong các việc lớn như giỗ chạp, ma chay, cưới xin, hội làng, ngày Tết… người ta đều dùng đến nó.

Ngày nay, trang phục áo dài khăn đóng hầu như chỉ còn dành cho giới nữ. Nhưng ở nông thôn, nhất là các vùng còn giữ được nếp xưa, áo dài khăn đóng vẫn là bộ trang phục thường dùng của mọi người mỗi khi có việc quan trọng. Còn ở thành thị, ngoài trang phục váy áo tân thời, các đôi trẻ vẫn thích chọn khăn đóng áo dài để mặc trong ngày cưới của mình để vừa tỏ sự trang nghiêm và cũng là cách để nhớ lại nét phong tục xưa.

Người nước ngoài đến Việt Nam cũng thích áo dài. Ở phố cổ Hội An (Quảng Nam) còn có cả những hiệu chuyên may áo dài khăn đóng phục vụ nhu cầu khách tham quan du lịch. Hay như ở các lễ hội ngoài Bắc, nhiều du khách nước ngoài khi đến dự cũng đã chọn mặc khăn đóng áo dài và thấy thích thú vô cùng. Còn nhớ, vào mỗi dịp Huế tổ chức Festival, các nghệ sĩ nước ngoài đến Huế cũng chọn khăn đóng áo dài để mặc mỗi khi biểu diễn. Chẳng thế mà nhiều thiếu nữ phương Tây đến Việt Nam lúc ra về đã chọn bộ áo dài khăn đóng để làm món quà kỉ niệm cho một lần đến với Việt Nam.

Hình ảnh bộ khăn đóng áo dài đã trở nên quá đỗi quen thuộc đối với mỗi người Việt Nam cho nên nó được chọn làm bộ trang phục cho các nguyên thủ mặc khi đến dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2006 tại Hà Nội.

Trải qua thời gian và năm tháng, bộ trang phục truyền thống khăn đóng áo dài vẫn tồn tại và phát huy được thế mạnh của mình trong đời sống văn hóa của người Việt. Tự trong tiềm thức, mỗi người Việt Nam đều có cùng chung suy nghĩ: khăn đóng áo dài là “quốc phục” của Việt Nam./.

(Báo Ảnh Việt Nam/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark