17/12/2012 | 14:56:00

Xích lô Hà Nội trải bao thăng trầm cùng người Thủ đô

Đi “bát phố” bằng xích lô, quả rất thú. Tôi cảm thấy hơi bất an và ngượng ngập khi cứ phải chường mặt ra trước phố phường. Phố phường, người xe đi lại tấp nập. Có người ngoái cổ nhìn, ánh mắt lạ lẫm...

Quả thực, nếu không phải chiều cụ già “khốt-ta-bít” là ông ngoại tôi thì chẳng bao giờ tôi có dịp “bát phố” bằng xích lô. Hai ông cháu chọn một chiếc xích lô chẳng đẹp nhưng cũng chẳng xấu, được cái sạch sẽ, do một người ông tài đã xế tuổi nom còn khỏe mạnh lái. Leo lên xe rồi ông ngoại tôi mới nhỏm người quay lại trịnh trọng nói: “Bác cho lên Bờ Hồ”. Bác tài vui vẻ “dạ” ran. Ông tôi phấn khởi lắm.

Mặc cho bụi đường, tiếng ồn và cả sự nhòm ngó của người đi đường, ông tôi kể những câu chuyện dài miên man về Hà Nội thời xưa cũ: góc phố này xưa có cái nhà vệ sinh công cộng, trên kia là cửa hàng gạo, cửa hàng dầu, cửa hàng tổng hợp, thời Pháp ông ở phố này, đi làm việc ở phố kia...

Đến đường Nguyễn Du, ông tôi khoát tay rất sang trọng, người lái xe theo đó mà rẽ. Ông kể: “Thời Pháp đây là phố Rô đờ Ha-le ông hay đạp xe qua”. Té ra trước Cách mạng, ông ngoại tôi làm nghề đạp xích lô! Người Pháp sáng chế ra xe xích lô, mang sang Đông Dương năm 1939.

Khoảng năm 1940 xích lô mới có ở Hà Nội, cũng được cải tiến về hình thức, mẫu mã cho hợp với thành phố thủ phủ Bắc Bộ. Hình thức xe chẳng khác nay là mấy, duy chỉ có chỗ ngồi của khách làm như một chiếc ghế bành, nệm lò xo cao nghễu nghện. Xích lô ở Hà Nội khác có mục đích ban đầu chỉ dành chuyên chở người, nên có hình thức rất khác so với xe ở Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa... thân dài, thành thấp để tiện cho việc chở hàng.

Ông tôi đạp xe khoảng những năm 1942-1943, lúc đó xe xích lô còn là phương tiện sang trọng lắm. Ông tôi phải thuê lại từ bà Cả Ký-trùm xe lúc bây giờ-với giá 1 đồng một ngày. Sớm lấy xe, tối trả xe trả tiền chứ chẳng được giữ xe ở nhà. Ông bảo làm “thằng xe” mới ý thức được thân phận của dân mất nước, “bọn tây” bắt nạt, quỵt tiền, bợp tai... chẳng ít lần. Căm tây lắm. Một lần ông tôi đổ một “thằng tây” xuống hồ Ha Le rồi bỏ chạy. Từ đó ông thôi nghề đạp xích lô.

Xe đến đầu đường Trần Hưng Đạo, ông bảo tôi “Đoạn này đường dốc, cháu xuống đẩy giúp bác tài”. Bực mình vì lối hành xử “khốt-ta-bít” chẳng hợp thời của ông nhưng tôi chẳng dám cãi. Vừa nhảy xuống xe bác tài đã xua tay: “Không cần phụ”-rồi xúc động nói-“nãy giờ nghe chuyện cụ mà tôi mát lòng mát dạ”. Ông tôi trịnh trọng nói: “Nghề nào cũng quí bác ạ”. Được lời như cởi tấm lòng, bác tài xế dãi bày: “Người ta vẫn coi nghề này chẳng ra gì cụ ạ. Xích lô gắn với đầu đường xó chợ, bến ga, bến tầu... Xích lô là nghề mạt hạng, cụ ạ”. Ông tôi thổn thức: “Cả một thời trai trẻ tôi chỉ ước mơ một lần được ngồi xe xích lô bát phố. Hồi đó thấy ai ngồi xích lô thường sang trọng, lịch lãm lắm. Bác nên tự tin mới phải”.

Chiếc xích lô đã chứng kiến bao cuộc đổi thay, nhiều bảo tàng, nhiều cửa hàng, quán ăn, nhà sưu tập còn lưu giữ những chiếc xích lô cũ làm hiện vật, làm lưu niệm. Chiếc xích lô đã trải bao thăng trầm cùng người Hà Nội.

Tôi ngẫm nghĩ lời bác tài nói, quả có chỗ đúng. Rồi tự hỏi, sẽ ra sao nhỉ, nếu phố phường Hà Nội mất đi hình ảnh chiếc xích lô? Hà Nội đã mất đi tiếng leng keng của tàu điện, không thể mất thêm hình ảnh chiếc xích lô liêu xiêu phố vắng chiều tà, bình dị, chân mộc mà ám ảnh đến ma mị.

Mối lo của tôi là không có cơ sở bởi Hà Nội giờ có đến 4 công ty “làm” dịch vụ chuyên chở khách bằng xích lô với tổng số 350 chiếc. Một nghề hốt bạc, lại đang được khuyến khích phát triển vì nó tạo ấn tượng tốt đối với du khách lại không ô nhiễm môi trường.

Tôi gặp anh Trung Thành ở công ty lữ hành Buffalo Tourism. Anh đặt chỗ cho một đoàn du khách đến từ Pháp. Anh nói: “Một tháng trung bình có khoảng 6 đoàn yêu cầu đi du lịch bằng xích lô quanh Hà Nội. Cảm nhận chung của khách đều thích thú”. Tôi vội hỏi: “Tôi tưởng khách quốc tế nhiều người sợ giao thông ở Hà Nội?”. “Đúng là khi lên xe, nhiều người cũng nghĩ vậy. Nhưng kết thúc tua tất cả đều khen xe xích lô đi rất trật tự, an toàn”.

Thật lòng tôi chưa bao giờ nghĩ xích lô là phương tiện an toàn nên đã tìm đến công ty Lâm Anh, một doanh nghiệp du lịch bằng xích lô ở Hà Nội. Giám đốc Hoàng Văn Thuận vui vẻ nói: “Công ty hoạt động từ năm 1992 đã 18 năm chưa hề có một vụ tai nạn nào. Do anh em tài xế truyền nhau kinh nghiệm cứ đi từ từ chậm rãi là an toàn nhất. Du khách cũng cảm thấy hài lòng”. Rồi ông kể thêm, hầu hết tài xế của công ty đều có văn hóa tốt, nhiều người có thể tiếp chuyện du khách. Du khách đôi khi quên tài sản trên xe đều được anh em gìn giữ cẩn thận rồi liên hệ trả lại. Khách khen lắm. Bác Huy, một tài xế lâu năm, lại có tâm sự: “Tôi chưa bao giờ nghĩ nghề của mình thấp kém. Hơn thế, tôi còn thấy tự hào công việc của mình là giới thiệu vẻ đẹp Thủ đô cho du khách quốc tế”.

Vẫn biết rằng, không phải ai hành nghề đạp xích lô cũng có được công việc ổn định, cũng như niềm lạc quan tự hào như những người làm xích lô du lịch. Song, bất kỳ ai đến Hà Nội hôm nay cũng đều nhận thấy rằng hình ảnh chiếc xích lô mỏi mòn lao khổ xưa kia đã lui dần vào dĩ vãng, thay vào đó là những dòng xe xích lô du lịch lịch sự, thân thiện. Tôi thầm ước trong dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội các công ty du lịch sẽ có nhiều hơn nữa các tour du lịch bằng xích lô trên khắp phố phường Hà Nội để người dân và du khách có dịp tôn vinh một thứ phương tiện giản dị, gần gũi mà hình ảnh rất nên thơ của đất Hà thành./.

(Thanglonghanoi/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark