Nguyễn Văn Tố - Phố mang tên nhà trí thức

Phố Nguyễn Văn Tố dài 180m, đi từ phố Đường Thành đến phố Phùng Hưng, nằm bên cạnh chợ Hàng Da, thuộc phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Phố được xây dựng trên nền đất xưa thuộc thôn Yên Trung Hạ, tổng Tiền Nghiêm (sau đổi là tổng Vĩnh Xương), huyện Thọ Xương cũ.

Thời Pháp thuộc, phố mang tên Nguyễn Trãi. Sau Cách mạng tháng Tám, được gọi là phố Phan Thanh. Đến thời tạm chiếm được gọi lại là phố Nguyễn Trãi. Từ tháng 6/1964, phố chính thức được đặt tên là phố Nguyễn Văn Tố như ngày nay.

Phố Nguyễn Văn Tố

Phố Nguyễn Văn Tố không phải là một đường phố cổ của Hà Nội. Nhà cửa phần nhiều được xây dựng sau này, trong đó hầu như nhà nào cũng có giếng nước.

Phố Nguyễn Văn Tố được chia làm hai đoạn. Đoạn phía Tây từ ngã ba Phùng Hưng đến ngã tư Nguyễn Quang Bích có nhà ở cả hai bên mặt phố; đoạn phía Đông từ ngã tư Nguyễn Quang Bích đến ngã tư Đường Thành chỉ có nhà ở bên số chẵn, đối diện với cạnh sườn của chợ Hàng Da.

Cả phố là những ngôi nhà một, hai tầng với ba, bốn gian đan xen nhau. Tuy ở cạnh chợ, nhưng phố chỉ có những cửa hàng buôn bán nhỏ lẻ.

Ngôi nhà số 44 Nguyễn Văn Tố từng là trụ sở của Trung ương Hội Truyền bá Quốc ngữ (trong những năm 1938-1946) mà Nguyễn Văn Tố là người sáng lập và là Hội trưởng.

Danh nhân Nguyễn Văn Tố

Nguyễn Văn Tố, hiệu là Ứng Hòe, sinh ngày 5/6/1889 trong một gia đình nhà nho yêu nước ở làng Đông Thành, tổng Tiến Túc, huyện Thọ Xương cũ, nay là phố Bát Sứ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Thủa nhỏ, Nguyễn Văn Tố học chữ Hán, sau sang Pháp học, đỗ bằng Thành Chung (tương đương trung học), rồi trở về Việt Nam làm việc tại Học viện Viễn Đông Bác Cổ, một cơ quan nghiên cứu lịch sử văn hóa của Pháp ở Hà Nội. Chính tại đây, ông đã trở thành một học giả có tên tuổi.

Trên tập san của Học viện, ông đã công bố nhiều bài viết về văn hóa Việt Nam. Ngoài giờ làm việc, ông còn viết bài cho các báo tiếng Việt tiến bộ thời đó như Đông Thanh, Tri Tân, Thanh Nghị và vài tờ báo tiếng Pháp.

Trong khoảng thời gian từ 1932-1936, ông đã viết nhiều bài nghiên cứu quan trọng bằng tiếng Pháp về lịch sử, khảo cổ học, văn học đăng trên tập san của Hội Trí tri. Các bài nghiên cứu của ông được viết công phu, đăng thành nhiều kỳ mà tiêu biểu là "Đại Nam dật sử," "Sử ta so với sử tàu," "Việt Nam văn học sử," "Tài liệu để đính chính những bài văn cổ," "Tra nghĩa chữ Nho," "Những ông Nghè triều Lê," "Tích thành Đại La".

Các công trình nghiên cứu của ông đã được công bố liên quan đến nhiều lĩnh vực như văn học, lịch sử, khảo cổ, kiến trúc thường mang tính khai mở, đặt nền móng, đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Ông không những uyên thâm Hán học mà tinh thông cả Tây học. Những tác phẩm của ông đã cung cấp nhiều tài liệu quý cho việc nghiên cứu lịch sử và văn học Việt Nam.

Trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ (1936-1939), Nguyễn Văn Tố là Hội trưởng Hội Truyền bá Quốc ngữ. Ông có công lớn trong việc xóa nạn mù chữ ở Việt Nam.

Nhờ có uy tín trong giới tri thức và sự khéo léo trong cách tổ chức hoạt động, phong trào truyền bá Quốc ngữ đã lan rộng và phát huy được hiệu quả. Chỉ sau sáu năm hoạt động, riêng ở Bắc kỳ đã thành lập được 20 chi nhánh, xóa mù cho trên 5 vạn người lao động. Kết quả quan trọng đó công đầu thuộc về Hội trưởng Nguyễn Văn Tố.

Sau Cách mạng tháng Tám, ông giữ chức Bộ trưởng Bộ Cứu tế trong Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, và có công trong việc chống giặc đói. Với uy tín của một nhân sĩ yêu nước, ông là đại biểu Quốc hội khóa I, quyền Chủ tịch Quốc hội khóa I và Quốc vụ khanh chính phủ “Liên hiệp Quốc dân."

Sau ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), ông cùng Chính phủ lên Việt Bắc tiếp tục kháng chiến chống Pháp. Ông đã hy sinh tại Bắc Kạn ngày 7/10/1947./.

Hoài Nam (Vietnam+)