Sức sống của một làng nghề - làng rèn Đa Sĩ

Thợ rèn làng Đa Sĩ. (Ảnh: Internet)

Hàng trăm năm nay, làng Ða Sĩ, phường Kiến Hưng, quận Hà Ðông, không chỉ nổi tiếng vì là nơi có nhiều người học giỏi, đỗ cao, mà còn là nơi có nghề rèn truyền thống.

Nay làng Ða Sĩ có hơn 900 hộ dân làm nghề rèn, cung ứng sản phẩm cho thị trường cả nước. Tuy nhiên, người dân làng nghề hiện đang đối mặt nhiều vấn đề bức xúc về an toàn vệ sinh lao động, ô nhiễm môi trường.

Ðất học, đất nghề

Nằm bên dòng sông Nhuệ, cách trung tâm quận Hà Ðông hơn 1km về phía hạ lưu, có một ngôi làng nổi tiếng của xứ Ðoài văn hiến - làng Ða Sĩ.

Trải hơn một nghìn năm biến đổi, nay Ða Sĩ còn giữ được đầy đủ thiết chế của một làng Việt cổ gồm đình, chùa, đền với đủ các nghi thức của lễ hội văn hóa dân gian.

Theo truyền thuyết của nhân dân trong vùng, đất Ða Sĩ là đất tứ linh, có hình dáng một con rồng ngậm ngọc nên quanh năm mưa thuận gió hòa, dân làng làm ăn thịnh đạt.

Trước thế kỷ XVI, làng có tên gọi Ðan Khê, sau đổi là Ða Sĩ, vì có nhiều người học hành đỗ đạt. Ða Sĩ là quê của một Trạng nguyên, 11 tiến sĩ đã được ghi vào sử sách. Thành hoàng làng Ða Sĩ là danh y Hoàng Ðôn Hòa, dưới thời Lê đã được tôn vinh là "Lương y dược đại vương".

Lâu nay, Ða Sĩ không chỉ nổi tiếng vì làng có nhiều người học giỏi đỗ cao, mà còn là nơi có nghề rèn nổi tiếng. Tương truyền, nghề rèn Ða Sĩ có từ đời Hùng Vương thứ 18, là nơi cung cấp vũ khí cho các lạc hầu, lạc tướng giữ yên bờ cõi và sản xuất nông cụ phục vụ sản xuất, lao động.

Nhưng làng Ða Sĩ chính thức có được nghề rèn độc đáo như ngày nay là nhờ có hai vị tổ nghề là cụ Nguyễn Thuật và cụ Nguyễn Thuấn, khi đóng quân trên đất làng Sẽ xưa đã truyền những "bí quyết" nghề rèn cho người dân. Trải qua những biến thiên của lịch sử, nghề rèn ở Ða Sĩ vẫn tồn tại và ngày càng phát triển.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề rèn Ða Sĩ Ðinh Công Ðoán, thời kỳ trước và sau Cách mạng Tháng Tám, làng là nơi sản xuất nhiều giáo mác, dao kéo, quân dụng... phục vụ kháng chiến.

Từ năm 1960, làng thành lập hai hợp tác xã rèn là hợp tác xã Tiền Phong và hợp tác xã Ða Tiến. Chuyển sang cơ chế thị trường, do thiếu nguồn tiêu thụ và nguyên liệu, hợp tác xã bị giải thể. Các hộ dân tự tìm cách khôi phục nghề dưới hình thức sản xuất cá thể quy mô nhỏ ở từng gia đình.

Trước năm 1996, cả làng có hơn 300 lò rèn, làm ra hơn hai triệu sản phẩm một năm. Ðến năm 2000, trong thôn có 500 lò rèn, sản xuất hơn sáu triệu sản phẩm/năm. Cho đến nay, làng có khoảng 900 hộ làm nghề rèn truyền thống, 200 hộ cung ứng than sắt, gỗ và thu mua sản phẩm, chiếm 90% số hộ dân trong làng.

Sản phẩm rèn Ða Sĩ phong phú về chủng loại, kiểu dáng, kích thước. Ngoài những sản phẩm thông dụng, truyền thống, thợ rèn Ða Sĩ còn tìm cách sản xuất các loại hàng chuyên dùng phục vụ công tác khảo cổ, ngành may, chế biến thực phẩm...

Mỗi tháng, có hàng trăm tấn sản phẩm rèn Ða Sĩ được mang đi tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu sang thị trường Lào, Campuchia...

Ở Ða Sĩ, người đàn ông chủ gia đình là trưởng lò rèn, những thành viên khác trong gia đình đều tham gia công việc, tùy theo sức lực và lứa tuổi. Nam giới thường đảm nhiệm việc nặng như quai búa, chặt sắt, còn phụ nữ thì lo thu mua nguyên vật liệu, bán sản phẩm và làm một số việc nhẹ nhàng hơn.

Ngày nay, nghề rèn đã đỡ vất vả hơn, năng suất cao gấp đôi do các hộ gia đình đã tự đầu tư thêm máy cắt sắt, máy cắt hơi, hàn điện, búa máy.

Người thợ chỉ trực tiếp làm các công đoạn như tạo phôi, tạo hình, tạo dáng. Khó nhất là khâu tôi thép. Người tôi thép phải nhìn được nước thép và ước lượng được độ già non trong khi tôi. Ðây chính là bí quyết quyết định chất lượng sản phẩm.

Sản phẩm ở cơ sở sản xuất của nghệ nhân Ðinh Công Ðoán cũng chỉ dùng nguyên liệu là các loại sắt phế liệu, nhưng nhờ bí quyết riêng mà gia đình ông sản xuất nhiều mặt hàng dao, kéo cao cấp phục vụ các nhà hàng và cơ sở làm giày da, may công nghiệp, với chất lượng, giá cả ngang các loại hàng nhập khẩu.

Ông Ðoán cho biết các sản phẩm do xưởng nhà ông sản xuất đều được đặt hàng từ trước, nhưng cũng chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu của thị trường.

Nghề rèn ở Ða Sĩ phát triển không chỉ giải quyết việc làm cho lao động địa phương, giúp các hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu mà còn giải quyết nhiều lao động thời vụ của các địa phương khác.

Trước đây, người Ða Sĩ rất hạn chế thuê các lao động bên ngoài để giữ bí quyết nghề truyền thống, nhưng nay do nhu cầu mở rộng sản xuất, để đáp ứng các đơn hàng lớn, các xưởng sản xuất trong làng còn thu hút khoảng hơn 200 lao động từ các địa phương, thu nhập bình quân 50.000 đồng/ngày.

Vẫn trăn trở những nỗi lo

Sản phẩm rèn Ða Sĩ có tiếng trên thị trường từ nhiều năm nay vì chất lượng tốt, giá cả hợp lý, phù hợp với thu nhập đông đảo hộ dân, nhất là các hộ dân ở nông thôn nước ta.

Tuy nhiên, trừ một số hộ gia đình các nghệ nhân sản xuất những sản phẩm chất lượng cao, phần lớn các hộ còn lại trong làng vẫn sản xuất các sản phẩm bình dân, mẫu mã, hình thức của sản phẩm còn hạn chế, chưa cạnh tranh được về chất lượng, giá cả, mẫu mã với hàng sản xuất tại nước ngoài nên chưa thâm nhập vào phân khúc thị trường hàng gia dụng cao cấp, ít bày bán trong hệ thống các cửa hàng lớn, trung tâm thương mại uy tín.

Nguyên liệu chủ yếu từ sắt phế thải là loại thép đen, vì vậy chất lượng sản phẩm còn thấp nên khi tiêu thụ tại thị trường các đô thị hay xuất khẩu rất khó khăn.

Chị Hà, chủ một lò rèn cho biết hiện nay, ngoài những mặt hàng làm theo đơn đặt hàng, những sản phẩm bán lẻ không tiêu thụ được nhiều, việc thu hồi vốn rất khó khăn. Nhiều hộ gia đình đã không thể tiếp tục duy trì việc làm rèn, mà phải chuyển sang những ngành nghề khác để bảo đảm cuộc sống.

Một thực tế đáng lo ngại là phần đông lớp thợ trẻ vì chạy theo năng suất, nên rút ngắn một số công đoạn sản xuất, nguyên liệu hầu hết là thép tái sinh, nên chất lượng sản phẩm giảm.

Mấy năm trước, Hiệp hội làng nghề rèn Ða Sĩ được thành lập nhằm hỗ trợ các hộ sản xuất phát triển nghề truyền thống. Hiệp hội đã mở những lớp đào tạo nghề cho con em trong làng, trao đổi kinh nghiệm làm hàng chất lượng cao.

Tuy nhiên, trong khâu tiếp cận thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm vẫn chưa có giải pháp, khiến cho phần lớn các hộ sản xuất phải tự xoay xở, chưa tìm được hướng đi mới, khả quan.

Vấn đề môi trường làng nghề và vệ sinh an toàn lao động cũng là một thực trạng bức xúc ở Ða Sĩ trong những năm gần đây, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, chất lượng sống của người dân địa phương.

Chúng tôi về Ða Sĩ vào cuối giờ làm việc buổi sáng. Tuy chỉ đi ngoài đường nhưng âm thanh chát chúa vẫn xoáy vào màng tai từng hồi, từng hồi.

Con đường chạy sâu vào làng nồng nặc mùi hôi thối bốc lên từ các kênh mương thoát nước. Ðó là nước thải sinh hoạt, nước mài đá và váng dầu phát sinh trong quá trình sản xuất.

Một nhân viên y tế phường cho biết, người dân ở đây thường bị các bệnh về phổi và mắt do khí than, bụi sắt. Ở Ða Sĩ, khó có nhà nào có khuôn viên thật ngăn nắp, vì xưởng sản xuất của các gia đình đặt ngay trong khu vực sinh hoạt, chỉ cách phòng ở chừng vài mét, ngồi trong nhà nói chuyện phải nói thật to, mà từng viên gạch dưới chân cứ rung lên theo nhịp đập.

Các bức tường quanh nhà đều bị nứt toác vì tiếng dập của búa máy. Ðể giảm bớt mức độ ồn, cán bộ Hiệp hội làng nghề đã vận động các hộ sản xuất nên vận hành máy theo giờ quy định và làm hệ thống chống rung, nhưng điều đó xem ra rất khó thực hiện bởi ai cũng muốn tranh thủ để tăng thu nhập.

Ðể giải quyết những vấn đề bức xúc nêu trên, chính quyền địa phương đã đề xuất việc xây dựng, quy hoạch điểm công nghiệp làng nghề. Theo đó, điểm công nghiệp làng nghề rộng khoảng 14ha, cách khu dân cư 400-500 m.

Dự án được lập từ năm 2003, đã được phê duyệt, nhưng đến thời điểm này vẫn chỉ dừng lại ở khâu chuẩn bị giải phóng mặt bằng, chưa biết khi nào mới khởi công.

Người dân Ða Sĩ rất mong các cấp chính quyền và các ngành chức năng của thành phố nhanh chóng có những giải pháp giúp địa phương tháo gỡ những khó khăn, để phát triển nghề rèn truyền thống, đồng thời bảo vệ môi trường sống cho nhân dân làng cổ ven sông Nhuệ./.

(Báo Nhân dân/Vietnam+)