Trần Thị Tuyết - Tiếng ngâm thơ bậc nhất Hà thành

Có một nghệ danh, một giọng ngâm thơ chiếm được sự yêu mến và ngưỡng mộ của thính giả Đài Tiếng nói Việt Nam suốt từ thập niên 60 của thế kỷ trước tới nay, đó là người con gái Hà Nội Trần Thị Tuyết.

Cơ duyên tiền định

Bà Trần Thị Tuyết vốn là con gái của bà Nguyễn Thị Phúc, một đào nương ca trù, nhan sắc đằm thắm, đa tài vang bóng một thời của Hà Nội. 30 tuổi, lần đầu tiên cùng mẹ đến phòng thu của Đài Tiếng nói Việt Nam, bà đã chinh phục được mọi người bởi giọng ngâm du dương trong tiếng đàn bầu, tiếng sáo như dụ người nghe đến chốn bồng lai tiên cảnh, bảng lảng khói sương mộng ảo.

Trong thời gian làm ở Đài Tiếng nói Việt Nam, hạnh phúc lớn nhất của nghệ sĩ Trần Thị Tuyết là nhiều lần được gặp Bác Hồ. Chị gặp Bác lần đầu tiên vào năm 1962, khi chị theo một đoàn văn công vào Phủ Chủ tịch biểu diễn. Hôm đó, chị ngâm bài thơ “Sáng tháng Năm” của nhà thơ Tố Hữu. Nghe xong, Bác cầm một bông hoa hồng tặng và khen chị ngâm thơ hay. Từ đấy về sau, thi thoảng Bác lại cho gọi chị vào ngâm thơ cho Bác nghe.

Một lần, khi nghe xong bài thơ, Bác ngồi bên cạnh chị thân mật hỏi: “Cháu bé bị liệt chân của cháu nay thế nào rồi? Liệu cháu bé có đi học được không? Cháu phải tìm mọi cách cho cháu bé được học, đừng để cháu thất học đấy.” Nghe những lời hỏi thăm chân thành của Bác, chị lặng đi không nói lên lời.

Lời Bác dặn đã tiếp thêm nghị lực giúp vợ chồng chị vượt qua mọi khó khăn nuôi con thành người. Bé Khánh bị bệnh bại liệt hồi nào, nay đã là một kĩ thuật viên xuất sắc ngành công nghệ thông tin ở Thành phố Hồ Chí Minh, đã cho anh chị những đứa cháu nội thông minh, xinh đẹp.

Trần Thị Tuyết không chỉ ngâm thơ cho Bác nghe, chị còn là nghệ sĩ duy nhất ngâm những bài thơ chúc Tết của Hồ Chủ tịch mỗi độ Xuân về. Chị nhớ mãi cảm xúc trào dâng khi ngâm bài thơ chúc Tết Xuân Kỷ Dậu (1969) của Bác: Năm qua thắng lợi vẻ vang/Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to/Vì độc lập!Vì tự do/Đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào/Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào/Bắc Nam sum họp, Xuân nào vui hơn!

Giao thừa năm ấy, sau lời thơ chúc Tết của Bác, đến giọng ngâm thơ của Trần Thị Tuyết, tiếp đó là bản hùng ca do các nhạc sĩ phổ thơ xuân của Bác vang vọng trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam truyền đi suốt từ Bắc vào Nam, tới mọi chiến trường, đến với đồng bào chiến sĩ, như một lời hiệu triệu, một hồi kèn xung trận vang động núi sông với niềm tin tất thắng! Trần Thị Tuyết không ngờ đấy là lần cuối cùng chị được ngâm thơ chúc Tết của Bác vào thời điểm giao thừa.

Đâu chỉ do trời phú

Giọng Trần Thị Tuyết đúng là cha mẹ cho, nhưng tài năng nghệ sĩ ngâm thơ đâu chỉ do trời phú. Làm việc với chị ở Ban Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam suốt từ năm 1970 cho tới sau này, tôi hiểu chị đã khổ công như thế nào. Cho đến lúc nổi tiếng, mỗi lần vào phòng thu, bao giờ chị cũng dành thời gian nghiên cứu kĩ từng thi phẩm, có khi thuộc cả bài thơ dài, có điều gì chưa rõ, chị không ngại ngần hỏi BTV là những nhà thơ để được giải thích thêm.

Chị quan niệm, muốn thể hiện đúng tinh thần bài thơ, phải hiểu tác giả định nói gì, hiểu âm điệu, nhạc điệu của bài thơ để thấu hiểu hồn thơ. Cốt lõi là phải cảm được hồn thơ. Có hiểu hồn thơ mới có thể cất lên thành khúc ngâm truyền cảm, lay động lòng người. Kỹ năng ngâm thơ phải do chính mình tìm hiểu, tạo ra. Bài thơ này hợp với thể ngâm nào? Câu nào ngân lên, đoạn trầm đoạn bổng là đâu? Ngắt câu nhả chữ, luyến láy ở đâu...? Chị luôn có cây bút chì dùng để đánh dấu trên trang thơ những ký hiệu cần thiết khi thể hiện.

Trước khi vào phòng thu, bao giờ chị cũng ngâm nga đôi ba lần, tự nghe, tự ngẫm, có khi nhờ người khác nghe thử cho ý kiến, chọn lựa cách ngâm hiệu quả nhất. Thực sự cầu thị, không hề tự ái chuyên môn, không mếch lòng trước các nhận xét.

Ngay nhà thơ Tố Hữu, một người được coi là khó tính với nghệ thuật ngâm thơ, nhưng mỗi lần chị Tuyết nhận ngâm những bài thơ của mình đều nói: “Tôi tin tưởng ở cô. Cô là người hiểu được ý tứ, tình cảm của tác giả, đã tìm ra giọng ngâm phù hợp với hồn thơ nhất, sâu sắc nhất, hay nhất. Tôi hài lòng lắm. Cảm ơn cô Tuyết nhiều...”

Nay nghệ sĩ Trần Thị Tuyết đã bước sang tuổi 70 nhưng tiếng thơ vẫn lanh lảnh như thuở nào. Mới đây, chị tham dự Ngày Thơ Việt Nam ở một tỉnh miền Đông Nam bộ, khi chị cất giọng ngâm bài thơ "Nguyên tiêu" của Bác Hồ, rồi thơ Tố Hữu, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính, Vũ Cao... giọng ngâm của chị vẫn trong vắt, lanh lảnh, rất Hà Nội.

Giới chuyên môn đánh giá nghệ sĩ ưu tú Trần Thị Tuyết là gạch nối giữa thế hệ nghệ sĩ như Quách Thị Hồ, Nguyễn Thị Phúc với lớp nghệ sĩ trẻ hôm nay. Còn đông đảo thính giả cả nước yêu Tiếng thơ gần nửa thế kỷ qua thì gọi chị một cách trìu mến: nghệ sĩ của nhân dân.

Giờ đây, chị cùng gia đình sống trong căn nhà nhỏ, hẻm nhỏ đường Hồ Văn Huê, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh. Chị vẫn tham gia câu lạc bộ Thơ của thành phố, ngâm thơ trong những ngày hội lớn…

Sống xa Thủ đô nhưng không lúc nào chị nguôi ngoai nỗi nhớ Hà Nội. Những lúc ấy, chị lại ngâm những bài thơ về Hà Nội./.

Vũ Hà (TT&VH/Vietnam+)