Hoàng Đạo Kính - "Hiệp sĩ" của những di tích kiến trúc

Hướng dẫn công việc cho các kiến trúc sư trẻ tại Công ty Hoàng Đạo.

Công việc trùng tu, bảo tồn các di tích lịch sử-văn hóa có ý nghĩa hết sức quan trọng, người ta gọi công việc này là “đi ngược dòng lịch sử."

Giáo sư, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính có lẽ là một trong số ít người đã dành trọn cả đời mình cho công việc này. Bạn bè, đồng nghiệp đã yêu mến gọi ông là "hiệp sĩ" của những di tích kiến trúc.

Xuất thân trong một gia đình có truyền thống văn hóa, ông rất tự hào về những gì bình dị nhất trong đời sống quê hương, quý trọng phong cảnh thiên nhiên, phong tục tập quán của đất nước và dân tộc. Đồng thời việc được học tập và thụ hưởng nền văn hóa Nga vĩ đại, trở về quê hương, ông đã tìm thấy sự đồng cảm nơi những di sản kiến trúc mang đậm giá trị văn hóa Việt.

Kể từ khi tốt nghiệp chuyên ngành kiến trúc ở nước Nga về, đã gần 50 năm kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính tâm huyết với nghề bảo tồn, trùng tu các công trình di tích-kiến trúc. Khởi đầu từ các đình chùa trên đất Bắc, sau đó vào những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ 20, ông tham gia cuộc tổng điều tra nghiên cứu tháp Chăm, lập hồ sơ và trực tiếp tham gia trùng tu Chùa Cầu, hàng chục ngôi nhà cổ (Hội An); trùng tu khu Đại Nội, lăng Minh Mạng (Huế), Nhà hát Lớn Hà Nội…

Công việc trùng tu, bảo tồn các di tích-kiến trúc vốn đã mang trong nó muôn vàn khó khăn đòi hỏi sự say mê, hiểu biết tận cùng giá trị của mỗi công trình mà không phải ai cũng hiểu. Chính vì thế, cốt cách của một nhà khoa học-nhà văn hóa đã giúp ông có được những lời giải xác đáng cho mỗi công trình. Đọc những gì ông viết, xem những công trình mà ông đã tham gia bảo tồn, trùng tu, người ta luôn bắt gặp một tình yêu sâu sắc đối với những di tích kiến trúc mà ông coi như một bộ phận của nền văn hóa dân tộc.

Ông tâm sự, công việc bảo tồn trùng tu di sản đòi hỏi phải rất khoa học, những người làm công việc này phải có tâm trí sáng suốt, gạt bỏ những tính toán vật chất, vụ lợi. Trong khi “lội ngược dòng” lịch sử, điều duy nhất mà người ta phải nhớ là mình đang đối mặt với những gì rất thiêng liêng, với thế giới tâm linh, văn hóa truyền thống của cả cộng đồng.

Theo ông, cốt lõi của việc trùng tu là nắm cho được thực trạng di sản kiến trúc dân tộc, duy trì và trùng tu theo những phương pháp khoa học. Ông luôn nhấn mạnh, môn tu bổ di tích trở thành lĩnh vực hoạt động của nhiều ngành như sử học, khảo cổ học, kiến trúc sư, mỹ thuật, bảo tàng, hóa học và cả những bàn tay của các nghệ nhân của nhiều nghề truyền thống. Chính vì thế, cái khó của trùng tu chính là phải đảm bảo tăng tuổi thọ cho công trình nhưng vẫn giữ được cái gốc của di tích, cái cốt cách của văn hóa truyền thống.

Đã gần 70 tuổi, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính vẫn cháy bỏng một ngọn lửa đam mê nghề nghiệp. Ông vẫn thường xuyên vào Nam ra Bắc, tất bật với các công trình, lên lớp giảng bài cho sinh viên, dự các hội thảo khoa học, hướng dẫn luận văn, luận án tốt nghiệp cho các lớp sinh viên, cao học, nghiên cứu sinh, viết sách, báo…

Mới đây, ông cùng các cộng sự trong Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoàng Đạo đã hoàn thành đề án "Bến thả hoa và Đền tưởng niệm trên sông Thạch Hãn-Quảng Trị." Đây là một công trình xây mới do Công ty Hoàng Đạo thực hiện thành công nhưng vẫn giữ được hình dáng, kết cấu của một công trình kiến trúc truyền thống mang ý nghĩa tâm linh, hướng đến thành một điểm du lịch văn hóa-lịch sử trên vùng đất chiến trường xưa.

Đối với thế hệ kiến trúc sư trẻ hiện nay, ông đánh giá rất cao năng lực, sự năng động và sức sáng tạo của họ. Ngay tại Công ty Hoàng Đạo nơi ông làm việc, có đến 20 nhân viên-kiến trúc sư trẻ, họ được truyền ngọn lửa đam mê từ “thầy Kính." Từ khi còn lạ lẫm với các di tích kiến trúc đặc biệt là công việc bảo tồn, trùng tu thì giờ đây họ đã tự tin, say mê trên các bản vẽ, các đường nét của mỗi công trình mà họ sẽ góp một phần vào làm đẹp, khẳng định giá trị trường tồn của nó đối với mai sau./.

Giáo sư, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính sinh năm 1941 tại Hà Nội. Năm 1967 ông tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Matxcơva (Nga). Năm 1977, ông bảo vệ luận án phó tiến sĩ kiến trúc về di sản và trùng tu tại trường Đại học Kiến trúc Matxcơva.
 
Hiện ông là ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, Phó Chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam, Chủ tịch hội đồng kiến trúc, 20 năm làm Giám đốc Trung tâm thiết kế và tu bổ di tích trung ương (nay là Viện Bảo tồn di tích), trực tiếp chủ trì, tham gia thực hiện hàng chục dự án trùng tu và tôn tạo di tích ở Hà Nội, Hội An, Huế, Mỹ Sơn… 

(Báo Ảnh Việt Nam/Vietnam+)