Tranh khảm trai về hành trình dời đô Lý Công Uẩn

Một phần bức tranh mẫu về hành trình dời đô của Lý Công Uẩn. (Ảnh: TT&VH)

Sau khi tán lộc chiếc bánh dày khổng lồ cho bà con nhân dân trong dịp đại lễ cung nghinh xá lợi Phật tại chùa Bái Đính, Ninh Bình, mới đây tác giả chiếc bánh - ông Nguyễn Văn Bảo, Chủ tịch Chi hội Di sản Phúc Chí (Hội Di sản Việt Nam) - lại bắt tay vào thực hiện bức tranh khảm trai độc nhất vô nhị về hành trình dời đô của Lý Công Uẩn nhân Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long.

Bức khảm trai “tái hiện” cảnh dời đô có kích thước 2010mm x 1010mm (không kể diềm và vỏ khung tranh). Đó là những chỉ số biểu tượng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Chi phí cho bức tranh vào khoảng hơn 500 triệu đồng.

Ông cho biết lý do làm bức tranh: "Chuyện di đô từ Hoa Lư về Đại La của Lý Công Uẩn, lịch sử đã có nhiều tài liệu ghi chép đầy đủ nhưng chưa có một bức tranh nào khắc họa lại sự kiện trọng đại ấy. Thứ nữa là tôi muốn đóng góp công lao vào việc bảo tồn và gìn giữ những di sản quý báu của Hà Nội nói riêng và của Việt Nam nói chung nên quyết tâm làm bức tranh này."

Như ông nói, xưa nay chưa có tranh vẽ về cảnh dời đô của Lý Công Uẩn. Vậy ông dựa vào đâu để làm bức tranh?

Ông Nguyễn Văn Bảo: Tôi dựa trên những tài liệu kể cả chính sử và dã sử về triều đại nhà Lý, cụ thể là về việc dời đô của Lý Công Uẩn mặc dù sử cũ không ghi chép chi tiết nhà Lý dời đô bằng đường nào.

Tôi chỉ căn cứ trên các kết luận của các nhà nghiên cứu như nhà Lý dời đô bằng đường thủy. Và chỉ có dời đô bằng đường thủy thì mới an toàn và đưa được cả bộ máy triều đình đông đảo cùng vật chất đồ sộ đi kèm.

Đoàn thuyền xuất phát từ bến Ghềnh Tháp (nay là khu vực giữa phủ Vườn Thiên và nhà bia Lý Thái Tổ ở khu di tích cố đô Hoa Lư). Rồi thuyền vào sông Sào Khê, qua cầu Đông, cầu Dền ở Hoa Lư để ra bến đò Trường Yên vào sông Hoàng Long. Đi tiếp đến Gián Khẩu thì rẽ vào sông Đáy.

Từ sông Đáy lại rẽ vào sông Châu Giang. Đến Phủ Lý, đoàn thuyền ngược sông Hồng, rồi vào sông Tô Lịch trước cửa thành Đại La.

Như vậy hành trình dời đô đi qua sáu con sông khác nhau, trong đó các hành trình trên sông Sào Khê, Hoàng Long, Châu Giang là đi xuôi dòng, trên sông Đáy, sông Hồng, sông Tô Lịch là đi ngược dòng. Sở dĩ nhà Lý đi bằng đường sông chứ không đi bằng đường biển cũng là bảo đảm an toàn vì thuyền phải tải nặng không chịu nổi sóng dữ ở biển.

Nội dung của bức tranh sẽ mô tả lại toàn bộ quá trình dời đô của Lý Công Uẩn như ông đã nói ở trên?

Ông Nguyễn Văn Bảo:  Nội dung và bố cục của bức tranh, mô tả quang cảnh sông Hồng xanh ngát bãi ngô, bãi dâu dưới trời mùa Thu. Đoàn thuyền dừng lại cắm sào, tùy tùng chuẩn bị rước nhà vua lên bến. Xa xa nơi chân trời phía hồ Tây, một cơn dông nổi, gió cuốn mịt mù, một vòi rồng hút nước xuất hiện. Một viên quan trông thấy liền tâu với Lý Công Uẩn: "Muôn tâu bệ hạ, trên trời có rồng bay."

Nhà vua nhìn lên trời, gật gù: "Trời phù cho ta rồi, rồng bay xuất hiện lúc này đây nhắc ta đặt tên mới cho nơi định đô. Vâng mệnh trời, ta đặt tên cho nơi đây là Thăng Long, các khanh thấy sao?". Tất cả các quần thần đồng thanh: "Hoàng Đế anh minh, hoàng đế vạn thọ vô cương."

Cùng lúc đó, từ trên bờ, nhân dân già trẻ gái trai của làng Quảng Bá, Nhật Tân nô nức kéo ra chật cả bến sông, đem theo những vật lạ như rùa sáu chân, lưng có chữ; Phượng Hoàng năm sắc chín lông đuôi, ngựa trắng sinh cựa, ngựa đỏ sinh cựa, lúa chiêm chín bông, gốc cau chín gióng... đoàn người mang những vật lạ đứng thành hàng chờ nhà vua lên đến bờ.

Một già làng chắp tay lạy vua rồi thưa: "Muôn tâu bệ hạ, đây là những vật lạ điềm lành báo ứng tin vui thiên đô Đại Việt từ đây thái bình thịnh trị."

Ngoài nội dung đầy "tính kịch" như ông vừa diễn tả còn gì khác liên quan đến lịch sử dời đô của Lý Công Uẩn được thể hiện trên bức tranh không?

Ông Nguyễn Văn Bảo:  Ở góc phía trên đầu bức tranh còn có ghi trích một đoạn trong chiếu dời đô để làm lời bình chú cho sự sáng suốt, anh minh của Lý Công Uẩn về việc chọn Đại La làm cho định đô, đó là câu: "Biển lãm Việt bang, tư vi thắng địa" nghĩa là: Đây là nơi phong cảnh đẹp nhất, hình thể tốt nhất đất Việt.

Bức tranh là do ông tự vẽ, tự khảm hay chỉ ra "đầu bài" rồi thuê người khác hoàn thiện?

Ông Nguyễn Văn Bảo: Đúng vậy! Tôi chỉ là người "ra đầu bài". Sau đó, nhờ họa sĩ Nguyễn Tự thể hiện dưới hình thức tranh vẽ nét bằng mực đen. Sau sáu tháng trời tôi và họa sĩ mới hoàn thành bức tranh.

Tiếp theo đó, tôi chuyển giao cho các nghệ nhân khảm trai của làng nghề truyền thống Chuôn Ngọ (Phú Xuyên, Hà Nội), nơi phát tích nghề khảm trai Việt Nam thực hiện công đoạn cuối cùng là khảm tranh lên gỗ.

Đến bao giờ thì bức tranh sẽ ra mắt công chúng, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Bảo: Hiện nay bức tranh đang được các nghệ nhân thực hiện bằng loại ốc quý hiếm và cẩn thận trên nền một loại gỗ đặc biệt.

Đội ngũ nghệ nhân khảm trai vừa tâm huyết, vừa có tay nghề cao đang ngày đêm mệt mài cẩn từng miếng ốc theo từng chi tiết của hình họa cho kịp ra mắt đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế đúng dịp kỷ niệm ngày đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội vào tháng 10 tới./.

(TT&VH/Vietnam+)