Chùa Đậu

Chùa Đậu. (Nguồn: Internet)

Là một ngôi chùa nổi tiếng, chùa Đậu có tên chữ là Pháp Vũ tự hoặc Thành Đạo tự, nằm trong xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín.

Từ Hà Nội, xuôi theo Quốc lộ 1A, qua thị trấn Thường Tín khoảng 2km có biển chỉ, rẽ phải độ 3km nữa là tới chùa. Thực chất của hệ chùa này là thờ thần linh nông nghiệp, sau đó phát triển thành một sản phẩm của sự giao lưu văn hóa nhiều chiều trong lịch sử.

Các thần thuộc hệ Tứ pháp (phép làm ra mây, mưa, sấm, chớp), vốn có sẵn trong tâm thức người bản địa, có thể coi là nền tảng. Rồi do ảnh hưởng của Phật giáo mà các vị thần này được hóa Phật, nên các ngôi đền liên quan chuyển thành chùa. Mặt khác, tất cả các tượng chính (mỗi chùa một tượng) đều có màu mận chín, đó là màu gắn với nguồn nước, liên quan tới màu của thần Si Va thuộc đạo Bà La Môn - đạo thờ Tứ pháp, mà nổi lên là chùa Đậu, nằm trong bước đi về tục thờ Mẫu, một tín ngưỡng gốc của người Việt, có thể đạo này có trước cả đạo Tứ Phủ.

Cũng như nhiều di tích khác, chùa Đậu nằm ở bìa làng, nhìn ra cánh đồng mênh mông; ngay gần Tam quan (cách một con đường và vạt cỏ nhỏ) là một hồ rộng… tạo cho kiến trúc này có thể đối đãi âm dương, phần nào phản ánh được ước vọng cầu phúc tràn trề.

Mở đầu cho việc tiếp cận với chùa là một Tam quan kiêm Gác chuông hai tầng mái, mà chúng ta vẫn như thấy ở đó là sự phối hợp của cả âm thanh Phật học lẫn yếu tố dịch học - Nho giáo. Mỗi sáng chiều tiếng chuông cảnh tỉnh vang vọng vẫn như gọi tâm ai hướng về đất Phật.

Người ta cũng nghĩ cả Tam quan tượng trưng cho thái cực, mái trên nhẹ là dương, mái dưới nặng là âm; bốn phía mái là tứ tượng, tám mái lá là bát quái… Tất cả hội lại tạo nên một sức mạnh viên mãn đem tới hạnh phúc cho con người. Đặc biệt, ngay bậc lên Tam quan là đôi chồn đá nhỏ, một bóng dáng khá đẹp của nghệ thuật thời Trần (thế kỷ XIII – XIV). Rồi các mảng chạm bên trong và ngoài Tam quan với rồng chầu mặt trời, phượng, lân, ngựa và chữ cùng hoa cỏ… đã như những chuẩn mực của nghệ thuật thuộc thế kỷ XVII.

Sau Tam quan là một sân rộng, hai bên sân dựng Tả Hữu vu đã khẳng định về yếu tố nhập vào chùa, để phần nào biến Pháp Vũ Phật trở về với tư cách của thần làm mưa. Chính giữa sân là một đường lát, khác hai bên, tạo nên một dũng đạo dẫn từ Tam quan vào Tiền đường. Lối chính giữa được bó bằng rồng đá với 500 năm tuổi. Thành bậc hai lối lên ở bên là rồng do mây hóa.

Chùa chính được bó vỉa bằng đá tảng, trước đây kết cấu theo kiểu nội công ngoại quốc, nền cao. Tiền đường là một tòa nhà mang nghệ thuật của giữa thế kỷ XVII. Kết cấu vì nóc và cốn đều theo kiểu chồng rường, trên bốn hàng chân với các đề tài được chạm trổ rất kỹ với nét chạm dứt khoát, mạnh. Đó là những con rồng với nhiều kiểu dáng, rồi phượng vũ, lân và những vân soắn cùng đao mác. Đây là một kiểu kiến trúc khá hoàn chỉnh, giữ được khá nhiều nét chạm của thời khởi dựng.

Phần Thượng điện cũ đã bị phá trong chiến tranh chống Pháp. Hiện ở đó còn một bệ đá có nhiều nét chạm mang phong cách thế kỷ XVI, nhiều tượng phật cổ, trong am thờ là tượng Pháp Vũ với màu xám sẫm. Tượng này mới được làm lại vào giữa thế kỷ XX, song hầu như theo phong cách tạo tượng ở thế kỷ XVII, nên rất đẹp. Trong chùa chính còn có nhiều hiện vật quý, đó là những viên gạch rồng của thời Mạc (thế kỷ XVI), đánh dấu sự tu bổ trong thời kỳ này. Tiếp đó là những gạch hòm sớ lớn hơn mà trên mặt từng viên có hình hổ hoặc voi, ngựa, chim, thú… đầy chất ngộ nghĩnh, nhiều yếu tố dân gian của thế kỷ XVII, rồi những tấm bia khá điển hình của thế kỷ XVI, XVII mang đầy ý nghĩa triết học (bằng nét chạm).

Đặc biệt là tại tòa Tiền đường đã có một khánh gỗ lớn, đồng thời cũng là tấm bảng văn ghi niên hiệu Chính Hòa. Hiện vật này còn thấy rất hiếm trong di sản văn hóa ở nước ta. Tại tòa nhà hậu hiện có nhiều tượng Hậu thần rất đẹp, nhất là hai tượng đã sơn vào thân xác thực của hai nhà sư Vũ Khắc Trường và Vũ Khắc Minh tồn tại từ thế kỷ XVII tới nay. Hiện tượng này khá độc đáo khiến phần nào chúng ta như thoáng nhớ tới lối ướp xác thành tượng của các vị Đạt Ma - Tây Tạng.

Một thời chùa Đậu bị chức sắc trong làng chiếm dụng, độc quyền tế lễ, đồng thời làm nơi lui tới sinh hoạt tâm linh của vua chúa và cung tần mỹ nữ, nên các tượng Phật đã bị đưa sang thờ ở một kiến trúc khác (cùng khuôn viên) gọi là chùa Am (hay chùa Dân). Nơi đây còn lại những bệ, đài sen và cả một vài pho tượng rất đẹp có niên đại vào thế kỷ XVI - XVII.

Chùa Đậu, một kiến trúc đặc biệt mang nhiều bản sắc dân tộc, đã đánh dấu một bước phát triển của tín ngưỡng dân dã, đồng thời là một kiến trúc lớn còn giữ được nhiều dấu vết nghệ thuật của nhiều giai đoạn lịch sử. Chùa xứng đáng là một điểm sáng trong hệ thống di tích cổ truyền của Việt Nam./.

(1.000 năm Thăng Long/Vietnam+)