Làng cổ ở Đường Lâm

Cổng làng Mông Phụ. (Nguồn: Internet)

Xã Đường Lâm, xưa thuộc đất Kẻ Mía, thuộc vùng bán sơn địa, nằm ở phía Đông Bắc, thị xã Sơn Tây.  Đường Lâm có 9 làng là Mông Phụ, Cam Lâm, Cam Thịnh, Đoài Giáp, Đông Sàng, Hà Tân, Hưng Thịnh, Phụ Khang và Văn Miếu.

Theo quan niệm của người xưa, Đường Lâm  là đất đắc địa, nằm ở thế tọa sơn vọng thủy - lưng dựa vào núi Tản, mặt ngoảnh ra sông Hồng. Đây là vùng đất cổ và cũng là “Tứ giác nước” được bao bọc bởi sông Đà, sông Tích. Trong địa phận Đường Lâm có 36 đồi gò là vùng trước núi của non Tản, còn rất nhiều địa điểm, di tích lịch sử, văn hóa.

Thời Lê Cảnh Hưng (1740-1786), trấn sở Sơn Tây đóng tại xã La Phẩm, huyện Tiên Phong, phủ Quảng Oai ( nay thuộc xã Tản Hồng, huyện Ba Vì). Do bị ngập lụt, nước làm lở thành, trấn sở được rời về làng Mông Phụ, huyện Phúc Lộc, phủ Quảng Oai (nay thuộc xã Đường Lâm). Năm Minh Mệnh thứ ba (1822), trấn sở dời về thôn Thuần Nghệ, huyện Minh Nghĩa (nay thuộc nội thị Sơn Tây).

Đường Lâm là cái tên Hán hóa vào thời thuộc Đường. Đầu thời Đường, tên Đường Lâm được biết đến là một trong ba huyện của quận Phúc Lộc. Đến năm 757, chính quyền đô hộ lại đổi thành châu Đường Lâm. Về sau, những cái tên như Cam Giá, Cam Tuyền, Cam Đường, Cam Lâm, Cam Giá Thượng …đều thuộc vùng đất Kẻ Mía mà ra.

Đến thời Lê, vùng Kẻ Mía được tách ra làm hai, đặt tổng Cam Giá Thượng thuộc huyện Tiên Phong và tổng Cam Giá Thịnh thuộc huyện Phúc Lộc, tức địa bàn xã Đường Lâm  ngày nay. Địa danh Đường Lâm gắn với sản phẩm mía đường, vừa chỉ vùng đất xưa là rừng rậm.

Đường Lâm là đất địa linh nhân kiệt, sinh ra hai vị vua - hai vị anh hùng dân tộc là Bố Cái Đại vương Phùng Hưng (?-789) và Ngô Quyền (898-944). Phùng Hưng là người có công lao to lớn trong sự nghiệp chống lại ách đô hộ của nhà Đường thế kỷ thứ VIII. Ngô Quyền đã chỉ huy đánh tan giặc Nam Hán trên sông Bạch Đằng, kết thúc trọn vẹn cuộc đấu tranh giải phóng, giành độc lập tự chủ cho đất nước vào năm 938, mở đầu cho kỷ nguyên phong kiến độc lập tự chủ trong lịch sử Việt Nam. Sự kiện này đã được các sử gia phong kiến và nhà yêu nước Phan Bội Châu gọi là “Vị tổ trung hưng thứ nhất” của dân tộc.

Trải qua nhiều biến cố của lịch sử, Kẻ Mía xưa và Đường Lâm hôm nay đã có nhiều thay đổi, nhưng về tổng thể khu vực này vẫn bảo lưu được cơ cấu không gian làng của làng cổ thuần Việt với những đặc trưng và giá trị khác nhau.

Nhà cổ ở Đường Lâm

Làng cổ ở Đường Lâm nổi tiếng bởi hệ thống nhà cổ được xây bằng đá ong - vật liệu sẵn có đào lên từ lòng đất, rất phổ biến ở vùng Sơn Tây - xứ Đoài xưa. Ở đây nhà xây bằng đá ong, cổng làng, cổng nhà, tường rào, giếng nước cũng thường được xây bằng đá ong. Có thể nói làng cổ ở Đường Lâm là làng cổ đá ong.

Theo thống kê hiện nay ở Mông Phụ, Cam Thịnh, Đông Sàng còn hơn 800 ngôi nhà cổ. Ngoài chất liệu tường xây bằng đá ong, hầu hết các nhà cổ ở Đường Lâm được tạo bởi các thành phần chủ yếu như cổng, tường rào, sân vườn, bình phong, nhà chính, nhà phụ, bếp chuồng chăn nuôi, nơi vệ sinh, giếng nước…

Bố cục kiến trúc trong khuôn viên là hình thức liên kết giữa nhà chính và nhà phụ, thường kết cấu theo kiểu chữ Nhất, chữ Nhị, chữ Đinh và chữ Môn, trong đó có những ngôi nhà được xây dựng từ năm 1803 và nhiều ngôi nhà từ giữa thế kỷ 19.

Trong khuôn viên, ngôi nhà chính là hạng mục lớn nhất, là nơi cư trú của gia đình, là nơi thờ cúng tổ tiên … có từ ba đến bốn thế hệ cùng sinh sống, với những đặc điểm gồm bộ khung, hệ thống cột cái, cột quân, cột hiên và các bộ vì kèo, kẻ bẩy, ván mê, mái nhà…

Ở Đường Lâm có những ngôi nhà cổ được xây dựng trên 200 năm. Đây là loại nhà cổ nhất như nhà của gia đình ông Hà Văn Lâm, Hà Nguyên Huyến, Cao Văn Toàn, bà Vũ Thị Ấm, thuộc loại những ngôi nhà cổ điển hình.

Khuôn viên toàn bộ ngôi nhà và vườn khoảng vài ba trăm mét vuông. Nhà kết cấu theo kiểu năm gian hai chái, năm hàng chân cột, dựng theo kiểu quá giang vượt tường. Gian giữa là nơi thờ tự và tiếp khách làm theo kiểu cổ, mái được làm bằng ngói ta, nền lát gạch nung. Tường đá ong, rui mè đều làm bằng gỗ. Nhà chính phân biệt với hiên bằng cửa gỗ. Ngoài hiên có tám hàng cột chạy ngang từ đầu đến cuối nhà. Cột nhà và cột hiên được kê trên tảng đá tròn. Các nhà loại này còn tương đối nguyên vẹn như thời khởi dựng.

Loại nhà xây trên 100 năm và dưới 200 năm, số lượng còn khá nhiều. Nhìn chung, kết cấu của dạng nhà này rất phong phú từ một, đến hai, ba, bốn, năm hàng chân, gồm ba gian hai chái, dựng theo kiểu “Quá giang vượt tường”, “Nội tự ngoại khách”, gian giữa là gian chính để ban thờ, gian buồng là nơi ở của phụ nữ.

Mái nhà lợp ngói mũi, tường xây bằng đá ong, rui hoàng bằng gỗ, cột được kê trên hòn đá. Bức đố lụa ngăn gian bên với buồng cũng bằng gỗ. Có nhà trang trí hoa văn, có nhà chỉ để gờ nổi. Những ngôi nhà loại này còn giữ được khá nguyên vẹn kiểu thức ban đầu. Cổng được xây bằng đá ong, gạch và lợp bằng ngói ri.

Bao quanh các ngôi nhà cổ là đường làng, ngõ xóm quanh co thấp thoáng những hàng cau, vườn cây lưu niên xanh tốt, thấp thoáng bên những mái đình, cây đa, cổng làng, giếng nước, điếm canh, tạo nên một không gian cổ kính, trầm mặc.

Di tích lịch sử văn hóa

Di tích lịch sử văn hóa ở Đường Lâm rất phong phú, đa dạng, bao gồm hệ thống các di tích và các nguồn tư liệu văn bia, minh văn tôn thờ Tản Viên Sơn Thánh, các tướng lĩnh thời Hai Bà Trưng, các vị anh hùng dân tộc như Phùng Hưng, Ngô Quyền, Thám hoa Giang Văn.

Trong 16 di tích ở Đường Lâm có 7 di tích đã được Bộ Văn hóa-Thông tin xếp hạng di tích quốc gia, 1 di tích đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tây cũ xếp hạng. Đặc biệt có chùa Mía là di tích đã bảo lưu được một số tượng và đồ thờ khá lớn, gồm 287 pho tượng, là ngôi chùa có số tượng lớn trong các ngôi chùa của cả nước.

Chùa Mía nằm trong danh mục di tích đặc biệt quan trọng. Cổng làng Mông Phụ cũng là một trong những cổng làng có giá trị độc đáo và về kiến trúc có niên đại sớm ở Hà Nội. Ngoài ra còn có những cổng xóm, cổng nhà, điếm canh, giếng nước cổ, cây cổ thụ … rất tiêu biểu của làng quê Việt Nam.

Di sản văn hóa phi vật thể

Ở Đường Lâm hiện có 21 tấm bia đá đã được kiểm kê, trong đó có 9 bia đưa vào thư mục. Nhờ những tấm bia còn lại mà chúng ta thu lượm được một số thông tin về lịch sử địa phương, về văn hóa làng xã mà biên niên sử chính thống thường chưa đề cập đến.

Đáng chú ý là những tấm bia như “Phụng Tự bi”. Trán bia trang trí đơn giản, tiêu đề bia gồm ba chữ khắc trong hình ba lá đề, diềm bia để trơn. Bia khắc chữ Hán theo thể chữ chân, nét nhỏ, nông, một số chữ ở cuối bia đã bị mờ. Toàn bộ bia gồm 14 dòng, dòng nhiều nhất 42 chữ, dòng ít nhất 5 chữ, tổng cộng khoảng 500 chữ, ghi lại sự tích của Phùng Hưng và Ngô Quyền, hay tấm “Phụng Tự bi ký” khắc năm Hồng Đức 4 (1473) ghi lại việc thờ cúng Phùng Hưng, là những nguồn tư liệu rất có giá trị.

Ở Đường Lâm hiện nay còn bảo lưu được các lễ hội truyền thống tôn vinh các anh hùng dân tộc, các anh hùng văn hóa và phong tục tập quán địa phương. Đặc biệt, còn lưu giữ hơn hai nghìn trang văn bản Hán Nôm ghi chép thần phả, sắc phong của các vị thành hoàng làng, gia phả của các dòng họ, gia đình; hoành phi câu đối, văn tự trên các văn bản khắc gỗ ở các di tích, các truyền thuyết cổ tích, tục ngữ ca dao, dân ca hết sức phong phú.

Nơi đây còn là quê hương của những sản vật độc đáo như cơm phố Mía, gà Mía, nghề làm đường, mật, bánh kẹo, làm tương, dệt vải thô, khổ hẹp. Đường Lâm còn hội đủ các giá trị văn hóa của làng cổ Việt Nam. Trên bất kỳ phương diện nào thì nơi đây cũng được xem là một làng cổ tiêu biểu của cả nước. Quá trình hình thành và phát triển của Đường Lâm là một dòng chảy liên tục, tạo nên một không gian văn hóa độc đáo, hàm chứa những di sản văn hóa lớn, có giá trị về nhiều mặt.

Trên cơ sở kết quả khảo sát, nghiên cứu về nhà cổ ở Đường Lâm của Viện nghiên cứu kiến trúc (Bộ Xây dựng), Trường đại học nữ Chiêu Hòa Nhật Bản, kết quả khảo sát nghiên cứu về văn hóa phi vật thể của trường Đại học Khoa học Xã hội-Nhân văn và các nhà nghiên cứu về Đường Lâm trước đây; Thực hiện chỉ đạo của Bộ Văn hóa-Thông tin, năm 2005 Sở Văn hóa-Thông tin (Hà Tây cũ) phối hợp với Ủy ban Nhân dân thị xã Sơn Tây đã lập hồ sơ xếp hạng di tích quốc gia làng cổ ở Đường Lâm.

Ngày 28/11/2005 Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin  đã ra quyết định số 77/2005/QĐ-BVHTT xếp hạng Di tích quốc gia làng cổ ở Đường Lâm.

Theo quyết định trên, làng cổ ở Đường Lâm được xác định chủ yếu ở làng Mông Phụ và một số khu vực có các nhà cổ, công trình kiến trúc cổ của các làng Cam Thịnh, Đông Sàng, Đoài Giáp, Cam Lâm và các di tích lịch sử văn hoá của xã đã được xếp hạng.

Sau cố đô Huế, phố cổ Hội An, phố cổ Hà Nội là những di tích phố cổ thì Đường Lâm là làng cổ đầu tiên ở nông thôn trong cả nước được xếp hạng di tích quốc gia. Làng cổ ở Đường Lâm là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng không chỉ trong đời sống văn hóa của Đảng bộ, nhân dân Đường Lâm và thành phố Hà Nội. Đường Lâm đang là một trong những điểm đến hấp dẫn du khách nhất là trong dịp đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội đang đến gần./.

(1.000 năm Thăng Long/Vietnam+)