Phạm Thị Huệ - Ca nương xứ Hà thành

Nghệ sĩ Phạm Thị Huệ.

Phạm Thị Huệ nổi tiếng không chỉ vì chị là một ca nương tài sắc vẹn toàn, vừa hát hay vừa đàn giỏi, mà chị còn là người có công gìn giữ bản sắc nghệ thuật ca trù, một loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc của Việt Nam vừa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ.

Phạm Thị Huệ là con gái đầu lòng của nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoa Hựu. Hồi mới tám tuổi, Huệ thi vào Nhạc viện Hà Nội, thấy cô bé đáng yêu, các thầy cô chọn Huệ về khoa nhạc cụ dân tộc rồi cho học đàn tì bà. Năm 1996, tức sau 15 năm kể từ ngày theo học, Huệ tốt nghiệp rồi xin ở lại trường làm giảng viên môn tì bà từ ấy cho đến nay.

Con đường đến với ca trù của Phạm Thị Huệ xem ra cũng khá đặc biệt, ấy là vào năm 2000, trong một lần đang dạo chơi trên phố Bích Câu (Hà Nội) chị đã có cơ duyên được gặp cụ Nguyễn Thị Chúc, một nghệ nhân nổi tiếng của làng ca trù Việt Nam, rồi trở thành học trò của cụ.

Bên cạnh đó, Phạm Thị Huệ còn được thọ giáo những ngón đàn điêu luyện của đệ nhất danh cầm đất Bắc Nguyễn Phú Đệ, kĩ thuật thanh nhạc truyền thống của nghệ nhân Phó Thị Kim Đức… những bậc kì tài trong làng ca trù Việt Nam hiện nay.

Ca trù là thứ nghệ thuật nổi tiếng rất kén chọn người chơi. Có người theo học từ lúc 5-6 tuổi nhưng mãi đến tận 17-18 tuổi mới tạm gọi là thành nghề. Trong khi ấy, gần 30 tuổi Huệ mới tập tõm theo các cụ học ca trù nhưng có lẽ do nhờ trời phú cho cái tư chất thông minh nên Huệ học một biết mười. Chẳng thế mà sau ba tháng truyền nghề cách ngắt hơi, nhả chữ, nghệ nhân Kim Đức đã bảo: "Con học ba tháng bằng người ta học ba năm. Ta không còn gì để dạy con nữa."

Huệ nhớ lại, sau một thời gian bái sư học ca trù với lão nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc, vào một ngày cuối tháng 6/2006 cụ gọi cô đến và bảo: "Lá vàng lơ lửng trên cây chẳng biết khi nào rụng. Con cũng đã thành nghề, đến lúc làm lễ mở xiêm y rồi đấy con ạ!." Nghe thầy bảo, chị mừng đến muốn khóc. Vậy là sau bao lâu gian lao tầm sư học đạo, chị cũng đã được công nhận là một nghệ sĩ ca trù. Hôm ấy cụ Chúc cũng cảm động không kém, cụ bảo: "Đã 60 năm nay làng ca trù ta mới có một buổi lễ như thế này."

Buổi lễ mở xiêm y của chị có cả các thầy như giáo sư Trần Văn Khê, phó giáo sư Vũ Nhật Thăng đến dự. Hôm ấy chị hát bài "Thề non nước," "Tỳ bà hành"... Các thầy nghe xong ai cũng khen hay và cầu chúc cho chị luôn giữ được nghề.

Sau buổi lễ chị xin phép các thầy thành lập Câu lạc bộ ca trù Thăng Long để góp phần gìn giữ những tinh hoa ca trù mà cha ông ta để lại và cũng làm nơi truyền dạy ca trù cho lớp trẻ để môn nghệ thuật này không bị thất truyền. Từ đó đến nay câu lạc bộ đã trở thành nơi lui tới thường xuyên của những người yêu ca trù đất Thăng Long, và cũng tại đây chị đã đào tạo được khoảng gần chục ca nương trẻ. Họ được người trong nghề đánh giá cao, và đó cũng chính là phần thưởng quý giá nhất cho những nỗ lực không hề biết mệt mỏi của chị trong suốt mấy năm qua.

Dẫu biết theo nghiệp cà trù thời nay có lắm thứ khó khăn nhưng chị vẫn một mực theo nghề. Chị nói: “Đã lỡ mang cái nghiệp vào thân thì phải theo cho đến cùng." Chính vì vậy mà từ bấy đến nay, chị như con tằm lặng lẽ rút ruột nhả tơ gìn giữ từng câu hát của người xưa để lại.

Hôm rồi có dịp tôi đến thăm chị tại nhà riêng, một căn nhà nhỏ đơn sơ và bình dị nằm trong con ngõ nhỏ ở khu Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội. Nhà chẳng có gì ngoài chiếc tivi nhỏ, mấy chiếc đàn tì bà, đàn đáy và đôi câu đối chữ Hán treo ở trên tường. Đời nghệ sĩ, nhất là nghệ sĩ ca trù xem ra chỉ có vậy.

Hôm nay đây, khi được ngồi đối diện với chị, người ca nương xinh đẹp có khuôn mặt sáng tựa trăng rằm và được nghe những lời tâm sự của chị tôi mới thấy được hết nỗi lòng của người nghệ sĩ ca trù đất Thăng Long, đó là khát vọng được gìn giữ và phát huy bộ môn nghệ thuật truyền thống của cha ông. Chính vì vậy mà chị đã nguyện với lòng mình luôn cố gắng đem hết sức mình để gìn giữ những giá trị âm nhạc truyền thống được coi là “quốc bảo” của dân tộc Việt Nam./.

Ca trù có nhiều tên gọi khác nhau như hát cửa quyền, hát cửa đình, hát nhà tơ, hát ả đào với nhiều hình thức diễn xướng.
 
Theo thư tịch cổ, ca trù có hơn 100 làn điệu, nhưng nay chỉ còn lại khoảng 20-40 làn điệu chính.
 
Ngày 1/10/2009, ca trù đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.
  

(Báo Ảnh Việt Nam/Vietnam+)