Hà Nội đảm bảo không để xảy ra ngập úng trong sản xuất nông nghiệp

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Xuân Việt khẳng định thành phố đảm bảo không để xảy ra ngập úng trong sản xuất nông nghiệp vào mùa mưa bão.

Thông tin này được đưa ra tại buổi làm việc của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội với Chi cục Thủy lợi và các doanh nghiệp thủy lợi về nhiệm vụ công tác bảy tháng đầu năm 2014, triển khai nhiệm vụ công tác cuối năm 2014 được tổ chức ngày 30/7.

Theo đó, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Trần Xuân Việt chỉ đạo Chi cục Thủy lợi Hà Nội cùng với các doanh nghiệp thủy lợi, các chủ hồ kiểm tra hiện trạng các hồ chứa, hướng dẫn các chủ hồ xây dựng và thẩm định phương án đảm bảo an toàn hồ chứa trình ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.

Trong mùa mưa bão, Chi cục Thủy lợi Hà Nội, các doanh nghiệp thủy lợi cần chủ động thực hiện phương án đã đề ra, cũng như chuẩn bị vật tư, phương tiện, nhân lực để kịp thời ứng phó với những sự cố ngay khi mới xảy ra đối với công trình thủy lợi.

Đặc biệt, Chi cục Thủy lợi Hà Nội tiếp tục phát huy khả năng phòng chống ngập lụt như sau cơn bão số 2 vừa qua, toàn bộ 99.643ha lúa mùa mới cấy trên địa bàn thành phố không bị ngập úng.

Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Trần Xuân Việt cũng nhấn mạnh, Chi cục Thủy lợi Hà Nội cần phối hợp với các đơn vị tổ chức rà soát phân cấp công trình thủy lợi và đề xuất triển khai thí điểm ở một số quận, huyện đã có thống nhất cao giữa huyện và doanh nghiệp quản lý trong việc phân cấp các công trình thuỷ lợi.

Bên cạnh đó, Chi cục cần đẩy mạnh tuyên truyền về công tác chống úng, hạn, xử lý vi phạm pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trên các điểm nóng như huyện Ứng Hòa, Thạch Thất và Thanh Oai...

Hiện nay, các doanh nghiệp thủy lợi quản lý 519 trạm bơm, với 2.538 máy bơm các loại, với hơn 3.484 km kênh mương, 11.325 cống và 18 hồ chứa thủy lợi.

Đặc biệt, hiện nay Hà Nội vẫn còn hơn 40% công trình thủy lợi được xây dựng trước năm 1970, hơn 75% công trình xây dựng trước năm 1990 nên nhiều trạm bơm đã xuống cấp, lạc hậu.

Cùng với đó, việc các doanh nghiệp vi phạm pháp lệnh quản lý khai thác bảo vệ công trình thuỷ lợi, tình trạng đổ rác thải, phế thải xuống kênh mương diễn ra nhiều.

Số vụ được xử lý giải tỏa còn ít hơn số vụ phát sinh, làm tăng tổng số vụ vi phạm công trình thuỷ lợi, ảnh hưởng đến công tác quản lý, khai thác phục vụ sản xuất của các doanh nghiệp.

Ngoài ra, công tác tưới tiêu cho hoạt động sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, tình hình khí tượng thủy văn diễn biến phức tạp trong nhiều năm đã gây bất lợi cho công tác sản xuất, phòng chống lụt bão, thời gian vận hành các trạm bơm tưới tiêu phát sinh làm tăng chi phí hoạt động của doanh nghiệp./.

Cẩm Thơ