Hà Nội thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ

Tự vệ Hà Nội chuyển pháo về trận địa bảo vệ cầu Long Biên năm 1972. (Ảnh: Nghệ sĩ Mai Nam)

HTML clipboard Sau giải phóng, Thủ đô Hà Nội bước vào thời kỳ cách mạng mới: Khôi phục và phát triển kinh tế-văn hóa, bước đầu xây dựng thủ đô trên con đường quá độ lên Chủ nghĩa Xã hội. Cùng thời gian này, Hà Nội cùng toàn miền Bắc dốc sức chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ và chi viện cho miền Nam ruột thịt.

Xây dựng Thủ đô xã hội chủ nghĩa
  
Sau 3 năm khôi phục và bước đầu phát triển kinh tế-văn hóa, thủ đô Hà Nội hồi sinh sau 8 năm bị chiến tranh tàn phá, hệ thống Đảng-chính quyền-mặt trận, các đoàn thể được củng cố, kiện toàn. Đảng bộ thành phố từ 3.500 đảng viên với hơn 100 chi bộ (năm 1955) đã tăng lên 7.400 đảng viên với 295 chi bộ (năm 1957), đa số được rèn luyện, trưởng thành từ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Hệ thống chính quyền được tổ chức theo hai cấp: Thành phố-khu phố.
  
Các mặt văn hóa-giáo dục-y tế đã bước đầu phát triển: Xóa bỏ nạn mù chữ, giáo dục phổ thông cơ sở theo hệ 10 năm; mở thêm các trường đại học đáp ứng nhu cầu đào tạo và nghiên cứu khoa học, đẩy mạnh phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng, tổ chức màng lưới y tế xuống các khu phố và các làng xã. Đó là những thành tựu chủ yếu, làm nền móng cho Đảng bộ và nhân dân thủ đô tiến hành cải tạo và phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội, thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất.
  
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 14 (tháng 11/1958), Hà Nội tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa mà khâu chính là cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, đồng thời tăng cường lực lượng kinh tế quốc doanh, ra sức phát triển sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp và nông nghiệp.
  
Cuối năm 1960, thành phố căn bản hoàn thành cải tạo công thương nghiệp tư doanh, gồm 497 cơ sở công nghiệp, 421 cơ sở thương nghiệp, được cải tạo bằng hình thức công tư hợp doanh. 1.718 cơ sở hợp tác xã được thành lập với 56.331 xã viên.
  
Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương xây dựng công thương nghiệp quốc doanh; mở rộng quy mô của các cơ sở công nghiệp có từ thời thuộc Pháp. Năm 1960, địa bàn thành phố có 64 xí nghiệp Trung ương, 51 xí nghiệp địa phương. Thương nghiệp quốc doanh phát triển với 26 công ty, 283 cửa hàng, kho trạm.
  
Nông nghiệp có sự chuyển biến mạnh mẽ thông qua phong trào hợp tác hóa toàn ngoại thành. Từ hợp tác xã Đại Từ là hợp tác xã đầu tiên được thành lập ngày 22/6/1958 đến cuối năm 1960, ngoại thành có 279 hợp tác xã nông nghiệp với trên 19.000 hộ nông dân, chiếm 86,1% số hộ và 82,6 diện tích canh tác.
  
Trên đà thắng lợi của công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, từ năm 1960, Đảng bộ và nhân dân Thủ đô thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, tiếp tục phát triển mạnh mẽ công thương nghiệp quốc doanh và tập thể để xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho Thủ đô đang trên con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đồng thời ra sức củng cố phát triển hợp tác xã nông nghiệp.
 
Nhiều hợp tác xã đã phát triển lên bậc cao với quy mô toàn thôn, toàn xã. Thành phố quy hoạch và cho xây dựng một số nông trường, trại chăn nuôi đầu tiên với quy mô khá lớn như Tam Thiên Mẫu, Phù Đổng, Phúc Thịnh.
  
Mạng lưới giao thông vận tải được thành phố đầu tư, nâng cấp và phát triển để đáp ứng nhu cầu là đầu mối của hệ thống giao thông thủy, bộ, hàng không cả nước.
  
Sau 10 năm giải phóng (1954-1964), kinh tế-văn hóa-xã hội Thủ đô đã tiến bước dài so với những năm trước đây. Hà Nội trở thành trung tâm công thương nghiệp của cả miền Bắc đang xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Sự nghiệp giáo dục-văn hóa phát triển vượt bậc. Thành phố hoàn thành xóa nạn mù chữ, đẩy mạnh phong trào học bổ túc văn hóa, thực hiện phổ cập cấp I, thỏa mãn yêu cầu học thêm ở lớp đầu cấp II, mở thêm các lớp cấp III.
  
Đội ngũ y, bác sĩ có gần 400 người, tăng gấp 5 lần năm 1955, đã cùng các cơ sở y tế làm tốt công tác vệ sinh phòng dịch, thanh toán nạn đau mắt hột trong nhân dân. Hệ thống chính trị được củng cố vững chắc.
  
Tại Đại hội Đảng bộ lần thứ nhất (từ ngày 21 đến 30/4/1959), toàn Đảng bộ có 12.000 đảng viên; đến Đại hội Đảng bộ lần thứ III (từ ngày 1 đến 8/7/1963) Đảng bộ có 65.000 đảng viên.
 
Chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, dốc sức giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc
  
Từ năm 1965, quân dân Hà Nội vừa chiến đấu, vừa sản xuất, góp phần đánh bại chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Đảng bộ và quân dân Thủ đô đã làm tốt công tác phòng không sơ tán, chiến đấu và phục vụ chiến đấu, góp phần đập tan chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ: Bắn rơi 258 máy bay Mỹ trong tổng số 3.243 chiếc bị bắn rơi trên miền Bắc.
  
Đặc biệt, từ ngày 18 đến 29/12/1972, Hà Nội đã nhanh chóng sơ tán trên 24 vạn người già, trẻ em ra khỏi thành phố trong 30 tiếng đồng hồ; tổ chức lực lượng chiến đấu dày đặc, nhiều tầng, nhiều hướng, đánh thắng hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của đế quốc Mỹ, lập nên kỳ tích "Điện Biên Phủ trên không", bắn rơi 30 máy bay, trong đó có 23 chiếc B 52, 2 chiếc F.111, bắt sống nhiều giặc lái.
  
Thắng lợi đó đã góp phần đánh sập uy thế không lực Hoa Kỳ, buộc chúng phải ký Hiệp định Paris rút quân đội viễn chinh về nước, chấm dứt hơn 100 năm chiếm đóng của quân đội thực dân, đế quốc trên đất nước ta, từ đó tạo đà cho một bước chuyển hết sức quan trọng bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
  
Vừa sản xuất, vừa chiến đấu, công nghiệp Thủ đô tiếp tục được duy trì và phát triển. Đến năm 1975 trên địa bàn Hà Nội đã xây dựng được 121 xí nghiệp quốc doanh Trung ương, 85 xí nghiệp quốc doanh địa phương và 237 hợp tác xã thủ công nghiệp. Thương nghiệp quốc doanh đảm bảo tốt lưu thông phân phối hàng hóa, phục vụ nhân dân. Nông nghiệp ngoại thành đã vươn lên trở thành địa phương thứ hai của miền Bắc vượt qua mức 5 tấn/ha. Nhiều hợp tác xã như Hà Nội/Huế/Sài Gòn, Đại Từ... đạt năng suất 7 tấn/ha.
  
Văn hóa, giáo dục phát triển vượt bậc với hệ thống các trường phổ thông, cao đẳng, đại học hoàn chỉnh. Đội ngũ trí thức Thủ đô tăng lên gần 1 vạn người, có nhiều đóng góp to lớn vào công tác nghiên cứu khoa học, phục vụ sản xuất và chiến đấu.
  
Chính quyền ngày càng phát huy hiệu lực trong chỉ đạo kinh tế, văn hóa, tổ chức đời sống, quản lý thành phố, khắc phục hậu quả chiến tranh. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân thực sự là tổ chức tập hợp, đoàn kết ngày càng đông đảo các tầng lớp nhân dân, giáo dục và động viên toàn dân hăng hái sản xuất, chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Đảng bộ thành phố trưởng thành vượt bậc về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đến năm 1975, Đảng bộ Hà Nội có hơn 65.000 đảng viên.
  
Sát cánh cùng với đồng bào miền Nam ruột thịt, Hà Nội đã hết lòng chi viện cho tiền tuyến với tinh thần "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người". Trong 10 năm, từ 1965/1975, Hà Nội tiến hành 29 đợt tuyển quân, động viên hơn 89.000 thanh niên lên đường chiến đấu trên các chiến trường.
  
Trong những năm tháng gian khổ, Hà Nội đã giữ vững và phát huy truyền thống chiến đấu oanh liệt "Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh", góp phần cùng nhân dân miền Bắc đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước./.

(TTXVN/Vietnam+)