28 đường, phố mới được đặt tên tại Hà Nội (phần 3)

Tiếp tục với nội dung giới thiệu về 28 đường, phố mới được Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đặt tên. Trong bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu các đường, phố gồm: đường Phú Nhi, đường Phú Thịnh, đường Đền Và, phố Vân Gia, đường Xuân Khanh, đường Việt Hùng, đường Liên Hà.

Đường Phú Nhi

Đoạn từ Quốc lộ 32 (Km 44 + 900) đi qua ngã ba phố Trạng Trình đến ngã tư đường Lê Lợi (thường gọi là ngã tư Mộc xẻ), thị xã Sơn Tây.

Dài: 1.300m; rộng: 8m.

Đường rải bê tông nhựa Atphan, có đèn chiếu sáng, nhà dân đông đúc. Đây là tuyến đường trục chính đi qua thôn Phú Nhi.

Phú Nhi (còn gọi là Bần Nhi) là tên thôn cổ có từ cuối thế kỷ 19, thuộc tổng Cam Giá Thịnh được gọi là Cam Thịnh, huyện Phú Lộc, huyện Quảng Oai, trấn Sơn Tây.

Sau năm 1945, Phú Nhi cùng với các làng Yên Thịnh, Thuần Nghệ, Phù Sa, Thiều Xuân, Tiền Huân, Hồng Hậu lập thành xã Viên Sơn, huyện Phúc Thọ.

Năm 1982 Viên Sơn thuộc về thị xã Sơn Tây, năm 2000 Phú Nhi cùng với các thôn Yên Thịnh, Phú Mai, Hồng Hậu được tách khỏi xã Viên Sơn về phường Phú Thịnh cho đến nay.

Phú Nhi là làng nghề bánh tẻ nổi tiếng trong vùng. Tương truyền chiếc bánh tẻ ra đời từ mối tình cao đẹp của nàng Hoàng Nhi và chàng trai Nguyễn Phú, lúc đầu gọi là bánh lẻ (bánh đơn chiếc), sau đổi là bánh tẻ. Các gia đình trong làng đều làm món bánh này trong những ngày giỗ tết.

Đường Phú Thịnh

Đoạn từ Km 44 + 250 QL32 (ngã ba Ngô Quyền) đi qua phường Phú Thịnh đến Km 45+850 QL32 (ngã ba đường đi bến đò Yên Thịnh, Phú Thịnh), thị xã Sơn Tây.

Dài: 1.600m; rộng: 40m.

Đường bê tông, hạ tầng cơ sở tốt, có hai làn đường và rải cây xanh phân cách. Đây chính là đoạn đường Quốc lộ 32 được đô thị hoá, chạy qua các khu dân cư đông đúc của các làng Phú Mai - Yên Thịnh - Phố Hàng (nay là phường Phú Thịnh), qua nhiều cơ quan: Ủy ban Nhân dân phường Phú Thịnh, Ban Chỉ huy Quân sự thị xã, Ngân hàng Chính sách xã hội… Năm 2000 thành lập phường Phú Thịnh (Phú Mai - Yên Thịnh), đồng thời Phú Thịnh còn có nghĩa là giàu có.

Đường Đền Và

Đoạn từ ngã ba Cầu Cộng (Km 44 + 250 QL32) đi qua ngã ba rẽ vào Trường Hữu Nghị 80 (Lào) đến Đền Và (ngã ba Km 0 - TL 414), thị xã Sơn Tây.

Dài: 1.600m; rộng: 8-10m.

Đường rải bê tông nhựa Atphan, hạ tầng cơ sở tốt, có nhà dân hai bên,

Đền Và đã được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia (QĐ số: 29/VH-QĐ ngày 03/01/1964). Đền còn được gọi là Đông cung, thờ Tản Viên Sơn Thánh (vị thần đứng đầu trong “Tứ bất tử” Việt Nam). Hội Đền Và được mở vào tháng Giêng và tháng Chín âm lịch hàng năm. Cứ ba năm một lần mở hội chính, các làng có liên quan cùng nhau tổ chức một cuộc rước kiệu lớn từ Đền Và qua các làng Phù Sa, Phú Nhi… vượt sông Hồng sang Vĩnh Phúc. Khoảng gần 200 năm nay cùng với sự phát triển của thị xã Sơn Tây, một thị xã lớn trấn giữ phía Tây kinh thành Hà Nội, hội Đền Và ngày càng đông vui, trở thành hội Tản Viên lớn nhất, nức tiếng xứ Đoài.

Phố Vân Gia

Đoạn từ ngã ba Quang Trung (số nhà 125) đi qua Cầu Trì, Ủy ban Nhân dân phường Trung Hưng đến ngã ba gặp đường dự kiến đặt tên là Đền Và, thị xã Sơn Tây.

Dài: 1.600m; rộng: 8-10m.

Đường rải bê tông nhựa Atphan, có đèn chiếu sáng, hạ tầng cơ sở ổn định. Đường đi qua Ủy ban Nhân dân phường, Trạm y tế, Trường Tiểu học và THCS Trung Hưng.

Vân Gia là một thôn cổ của xã Trung Hưng (nay là phường Trung Hưng). Vân Gia là chữ đọc chệch của “Vân già”, theo nghĩa Hán Việt: “Vân” có nghĩa là mây, “già” nghĩa là ngũ sắc. Văn bia “Vân Già đông thần cung” dựng ở đầu hồi nhà Tiền bái Đền Và làm năm Tự Đức thứ 36 (1884) ghi rằng: “Thần thiêng nhất là Tiên Thiên ở cung Vân Già Đông thần, trên núi Tản Viên. Ngài tự chọn đất đặt đền thờ đầu trông về hướng Bính (Nam), lưng gối hướng Nhâm (Bắc), mượn khí văn tinh trước mặt và sau lưng mà kiến tạo cung điện. Người trong thôn nhân đó làm đền thờ, quanh năm bốn mùa thờ cúng có nhiều ứng nghiệm linh thiêng”. Vì vậy Vân Gia trở thành tên gọi của thôn cho đến nay.

Đường Xuân Khanh

Đoạn từ ngã ba Vị Thủy của tỉnh lộ 414 đường đi Đá Chông đến ngã ba Xuân Khanh, cạnh trụ sở Ủy ban Nhân dân phường Xuân Khanh, thị xã Sơn Tây.

Dài: 2.200m; rộng: 10.5m.

Đường bê tông, có đèn chiếu sáng, nhà dân đông đúc ở hai bên.

Đường đi qua Nhà máy Z151, Trường Trung cấp Lái xe, Công ty Xây dựng 107, Công ty Cơ khí chỉnh hình Việt - Đức đi về khu Di tích lịch sử K9. Đây cũng là con đường dẫn đến những khu du lịch sinh thái nổi tiếng của huyện Ba Vì như Ao Vua, Khoang Xanh, Thác Đa, Thiên Sơn - Suối Ngà…

Con đường nằm trọn trên địa bàn phường Xuân Khanh.

Đường Việt Hùng

Đoạn từ ngã ba Cổng Trắng Việt Hùng đi qua đường rẽ vào thôn Ấp Tó, xã Uy Nỗ đến Trường Trung học cơ sở Việt Hùng.

Dài: 1.500m; rộng: 10.5m.

Đường bê tông, hạ tầng cơ sở tốt, nhà dân đông đúc. Con đường này nằm toàn bộ trên phần đất của xã Việt Hùng.

Việt Hùng thuộc huyện Đông Anh, giáp với các xã Xuân Nộn, Dục Tú, Liên Hà, Thụy Lâm, Cổ Loa, Uy Nỗ và thị trấn Đông Anh. Xã có các thôn: Dục Nội, Gia Lộc, Lỗ Giao và Lương Quán (vốn là bốn xã thuộc tổng Cổ Loa, huyện Đông Anh trước 1945. Sau này bốn xã cũ là bốn thôn của xã Việt Hùng, huyện Đông Anh.

Đường Liên Hà

Đoạn từ Cầu Bài của xã Việt Hùng đi qua thôn Lỗ Khê, thôn Hà Hương, đường rẽ vào Ủy ban Nhân dân xã Liên Hà đến ngã ba thôn Thù Lỗ xã Liên Hà.

Dài: 2.500m; rộng: 10.5m.

Đường bê tông, có đèn chiếu sáng, dân cư đông đúc, hạ tầng cơ sở ổn định.

Liên Hà là một xã thuộc huyện Đông Anh, giáp với các xã Thụy Lâm, Việt Hùng, Dục Tú. Liên Hà gồm có 4 thôn: Đại Vĩ, Hà Lỗ, Lỗ Khê, Thù Lỗ. Trước năm 1945 là 4 xã thuộc tổng Hà Lỗ - phủ Từ Sơn, sau này lập xã Liên Hà, huyện Đông Anh./.

(1.000 năm Thăng Long/Vietnam+)