28 đường, phố mới được đặt tên tại Hà Nội (phần 4)

7 đường, phố cuối cùng trong nhóm 28 đường, phố mới được Thành phố đặt tên là: đường Vân Hà, đường Dục Tú, đường Trâu Quỳ, đường Thụy Phương, đường Phú Diễn, đường Phúc Diễn, phố Hàm Nghi.

Trong đó, phố Hàm Nghi mang tên vị vua yêu nước, có tinh thần chống thực dân Pháp được đặt cho đoạn từ ngã ba giao cắt với đường Lê Đức Thọ rẽ vào Khu đô thị mới Mỹ Đình - Từ Liêm.

Đường Vân Hà

Đoạn từ ngã ba Cổ Châu đến ngã ba thôn Thiết Úng và Ngọc Lôi đến lối rẽ vào thôn Châu Phong.

Dài: 1.300m; rộng: 10.5m.

Vân Hà thuộc huyện Đông Anh, giáp với các xã Thụy Lâm, Dục Tú, Liên Hà (cùng huyện) và xã Minh Đạo (huyện Tiên Du, Bắc Ninh).

Xã có các thôn: Cổ Châu, Hà Khê, Thiết Bình, Thiết Úng và Vân Điềm, vốn là các xã (trùng tên thôn) thuộc tổng Hà Lỗ, phủ Từ Sơn trước năm 1945, sau này đặt làm xã Vân Hà, huyện Từ Sơn.

Năm 1961 nhập vào huyện Đông Anh. Hiện nay xã đang có nghề đóng đồ gỗ gia dụng truyền thống từ lâu đời.

Đường Dục Tú

Đoạn từ đường Quốc lộ 3 (ngã ba rẽ vào đường trục kinh tế miền đông, phố Lộc Hà, xã Mai Lâm) đến ngã ba sát với Ủy ban Nhân dân xã Dục Tú.

Dài: 2.300m; rộng: 10.5m.

Dục Tú thuộc huyện Đông Anh, giáp với các xã Liên Hà, Vân Hà, Mai Lâm, Cổ Loa, Việt Hùng (cùng thuộc huyện Đông Anh) Yên Thường (huyện Gia Lâm) và Châu Khê (Từ Sơn, Bắc Ninh).

Xã gồm có các thôn: Dục Tú, Đình Chàng, Đồng Dâu, Lý Nhân, Nghĩa Vũ, Ngọc Lôi và Thạc Quả.

Trước năm 1945 là đất tổng Dục Tú, còn có nghĩa là mảnh đất địa linh nhân kiệt mà sách cổ đã ca ngợi “Dục Chung Anh - Tú Hải Hà” nghĩa là nuôi khí thiêng làm đẹp sông biển.

Đường Trâu Quỳ

Đoạn đường từ cổng Trường Đại học Nông Nghiêp I đến ngã tư gặp đường dự kiến quy hoạch (chạy qua địa phận thị trấn Trâu Quỳ nối với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng).

Dài: 1.300m; rộng: 7m.

Trâu Quỳ thuộc huyện Gia Lâm, giáp với các xã: Cổ Bi, Dương Xá, Đặng Xá. Xã có các thôn: An Đào, An Lạc, Bình Minh, Chính Trung, Cửu Việt và Kiên Thành.

Trước đây, Trâu Quỳ vốn là đất hoang thuộc tổng Đa Tốn - Đặng Xá - Đông Dư - Huyện Gia Lâm cũ. Đến đầu thế kỷ 20 thành lập đồn điền Mác - ty. Sau con đường này chạy qua thôn An Đào (đất cũ của 3 thôn An Phú, Đào Lê, Đào Nguyên sáp nhập với nhau).

Đường Thụy Phương

Đoạn từ đê Chèm - đường Đông Ngạc đến Ngã tư bê tông thuộc xóm 7 Đông Ngạc (hiện gọi là đường 69)

Dài: 750m; rộng: 7-8m.

Đường rải bê tông nhựa Atphan, không có vỉa hè, dân cư hai bên, ven đường trồng cây xanh. Đường đi qua Công ty Cổ phần Bê tông xây dựng Hà Nội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Chi nhánh Cầu Giấy, Ủy ban Nhân dân xã Thụy Phương và đình Liên Ngạc.

Thụy Phương có tên Nôm là Chèm, giáp với các xã Liên Mạc, Cổ Nhuế, Đông Ngạc, Xuân Đỉnh (cùng huyện) và xã Võng La (Đông Anh), xã chỉ có một thôn cũng gọi tên là Thụy Phương.

Đường Phú Diễn

Đoạn từ ngã ba (lối rẽ bên phải qua Cầu Diễn) đến Ga Phú Diễn.

Dài: 1.000m; rộng: 6-8m.

Đường rải bê tông nhựa Atphan, có đèn chiếu sáng, hạ tầng cơ sở ổn định, hai bên dân cư đông đúc, có nhiều xưởng sản xuất của các doanh nghiệp…

Đường đi qua toàn bộ phần đất của Phú Diễn, qua Xí nghiệp Điện cơ 91 Bộ Quốc phòng, Trường Trung cấp Dược Hà Nội, Xí nghiệp 24 (Công ty 22 Tổng cục Hậu cần)… (Dân đang gọi là đường Trại Gà).

Phú Diễn (thôn): thuộc xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm. Trước năm 1945 là xã Phú Diễn, tổng Cổ Nhuế, phủ Hoài Đức, sau này là thôn của xã Trần Phú.

Năm 1964 đổi thành Phú Diễn, năm 1978 thuộc xã Phú Minh huyện Từ Liêm, năm 1990 xã Phú Minh chia làm 2 xã Minh Khai và Phú Diễn; thôn Phú Diễn, thuộc xã Phú Diễn. Thôn Phú Diễn tên nôm là Kẻ Bơi.

Đường Phúc Diễn

Đoạn từ ngã ba qua Cầu Diễn rẽ trái, hướng từ đường Hồ Tùng Mậu đến cổng Nhà máy xử lý phế thải Cầu Diễn.

Dài: 3.100m; rộng: 7-8m.

Đường rải bê tông nhựa Atphan, vỉa hè nhỏ, dân cư đông đúc, có đèn chiếu sáng, biển báo giao thông, cơ sở hạ tầng ổn định.

Đường đi qua Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Từ Liêm và chùa Linh Ứng, giao cắt với đường Phương Canh (ngã ba có doanh trại Quân đội và Trung tâm Giáo dục lao động và Xã hội 5). (Dân thường gọi là đường Trại Giam).

Phúc Diễn là một tên thôn cổ ở vùng Diễn.

Phố Hàm Nghi

Đoạn từ ngã ba giao cắt với đường Lê Đức Thọ, rẽ vào Trường Phổ thông Việt - Úc Hà Nội, Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, rẽ vào Khu Đô thị mới Mỹ Đình - Từ Liêm đến toà nhà B2 Khu Đô thị Mỹ Đình 1.

Dài: 700m; rộng: 40m.

Đường đôi, có dải phân cách, vỉa hè rộng trồng cây xanh, hạ tầng cơ sở tốt, nhiều khu nhà cao tầng, đi qua ngã tư phố Nguyễn Cơ Thạch.

Hàm Nghi (1870-1943): chính tên là Nguyễn Phúc Ưng Lịch, con thứ năm của Nguyễn Phúc Hồng Cai, lên ngôi vua từ ngày 2/8/1884, lấy niên hiệu là Hàm Nghi. Ông là một nhà vua yêu nước chống thực dân Pháp, có khí tiết.

Ngày 05/7/1885, sau cuộc tấn công vào các căn cứ của Pháp ở Huế thất bại, vua Hàm Nghi rời bỏ kinh thành Huế, theo phái kháng chiến do Tôn Thất Thuyết cầm đầu tổ chức kháng chiến và xuống chiếu phát động Phong trào Cần Vương.

Đêm 01/11/1888, vua Hàm Nghi bị quân Pháp kéo đến vây bắt, sau bị đày sang Algérie thuộc châu Phi./.

(1.000 năm Thăng Long/Vietnam+)