Triển lãm đồ án quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội

Đông đảo người dân đến xem đồ án quy hoạch Thủ đô tại triển lãm. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Từ ngày 21/4 đến 1/5, tại Trung tâm triển lãm Vân Hồ, số 2 phố Hoa Lư, Hà Nội, Bộ Xây dựng phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức triển lãm đồ án “Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” nhằm lấy ý kiến nhân dân về đồ án quan trọng này.

Ngay trong ngày khai mạc, Ban tổ chức đã phát ra hàng trăm phiếu lấy ý kiến đóng góp nhanh cho các khách vào tham quan. Các vấn đề xin ý kiến tập trung vào một số nội dung như định hướng phát triển quy hoạch tổng thể Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 có phù hợp không; định hướng di dời một số trường đại học, cao đẳng, cơ sở công nghiệp, y tế ra khỏi nội đô; các giải pháp quy hoạch phát triển giao thông cho Thủ đô Hà Nội trong tương lai.

Các giải pháp quy hoạch hạ tầng kỹ thuật  như phòng chống lũ lụt, cấp thoát nước, chất thải rắn, môi trường, cấp điện, thông tin liên lạc; định hướng bảo tồn di sản như các vùng văn hóa đặc trưng, khu vực bảo tồn của Thủ đô Hà Nội trong tương lai; định hướng xây dựng nông thôn mới như nông nghiệp công nghệ cao, các cụm dân cư đổi mới; bảo tồn bản sắc, kiến trúc làng xã truyền thống cũng được đưa ra lấy ý kiến nhân dân trong dịp này.

Sự kiện này đã thu hút đông đảo không chỉ giới chuyên môn mà cả người dân đến tham quan. Tuy nhiên, trong buổi khai mạc, lãnh đạo Bộ Xây dựng và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội không tổ chức các cuộc tiếp xúc, trực tiếp trả lời nhân dân và các cơ quan thông tin đại chúng về những điểm chưa rõ trong đồ án như trong kế hoạch đã tuyên truyền trên một số phương tiện thông tin đại chúng.

Ông Trương Hữu Đông, nguyên cán bộ Viện quy hoạch thuộc Bộ Xây dựng đưa ra nhận xét: Thủ đô Hà Nội cần có bốn đến năm vườn thú nhưng tìm trên quy hoạch chẳng thấy đâu. Các đô thị lại đang phát triển lệch tâm về phía Tây trong khi đó Thủ đô đang phát triển tự nhiên về hướng phố Nối, tỉnh Hưng Yên.

Một số ý kiến cho rằng mặc dù đồ án này được đánh giá là rất quan trọng nhưng quy mô và cách giới thiệu thiếu hấp dẫn so với một số triển lãm khác như quy hoạch hai bên bờ sông Hồng, phương án kiến trúc công trình Nhà Quốc hội hay Bảo tàng lịch sử Quốc gia.

Quy hoạch chung xây dựng Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được kỳ vọng sẽ đưa đô thị Hà Nội phát triển bền vững theo mô hình kết nối mạng đa cực, đa trung tâm, đa tầng bậc.

Thủ đô sẽ gồm đô thị trung tâm hạt nhân được giới hạn từ đô thị lõi mà chủ yếu là khu phố cổ, phố cũ đến tuyến đường vành đai 4 - phía Tây và phía Bắc sông Hồng đến khu vực Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm.

Cùng đó là năm đô thị vệ tinh được xác định là Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên - Phú Minh và Sóc Sơn. Ngoài ra, Hà Nội còn có nhiều đô thị sinh thái, thị trấn hiện hữu khác./.

Thu Hằng (Vietnam+)