Các làng dệt nổi tiếng đất Thăng Long

Phơi lụa.

Thăng Long-Hà Nội và vùng đất ven sông Hồng là nơi có truyền thống trồng dâu nuôi tằm để dệt các loại vải cao cấp (the, lĩnh sa, xuyến, đũi, nái, gấm, vóc...) chất lượng hàng dệt của kinh đô đã đi vào trong câu ca:

Nhắn ai trong chợ kinh thành

Mua em tấm lĩnh hoa chanh gửi về

Các làng dệt của Thăng Long-Hà Nội có những mặt hàng riêng biệt nổi tiếng, thể hiện sự phân công chuyên môn hóa lao động rất cao.

Các làng dệt tập trung quanh vùng Hồ Tây với truyền thuyêt về bà Chúa nghề dâu tằm là Quỳnh Hoa ở Nghi Tàm. Trong vùng có các làng Bái Ân, Nghĩa Đô, Trích Sài, Yên Thái... Đó là những làng nổi tiếng về dệt lĩnh có từ trước khi vua Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long.

Tại vùng này còn lưu truyền câu chuyện vào mùa xuân năm 1011, khi thuyền ngự của vua Lý Thái Tổ tới bến Giang Tầm (gần chợ Bưởi ngày nay) thì thấy dân làng Dâu và xóm Bãi căng tấm lĩnh có hình rồng để đón vua. Vua khen và đổi tên làng Dâu thành Nghĩa Đô, xóm Bãi thành Bái Ân.

Làng La Khê

Làng La Khê (tên cổ La có nghĩa là the), thành phố Hà Đông, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Từ thế kỷ XV, làng đã nổi tiếng với các mặt hàng thủ công truyền thống: the, sa, xuyến, gấm.

Các mặt hàng này đều làm từ the, nhưng cách gieo hoa và kiểu dệt thưa, mau, gân, đố khác nhau, tạo ra những sản phẩm khác nhau để đặt tên cho dễ phân biệt và tất cả đều làm bằng chất liệu tơ tằm.

Tại làng có đền thờ ông Tổ phường cửi, với tấm bia khắc tên mười vị “tiên sư”, tức Tổ nghề - những người có công cải tiến kỹ thuật, nâng cao tay nghề cho dân làng. Do dệt the nổi tiếng, nên từ các đời vua Gia Long, Minh Mạng, làng La Khê hàng năm phải cung tiến 600 tấm sa các màu.

Đến đời vua Thiệu Trị thì làng La Khê hàng năm ngoài việc nộp 600 tấm sa còn phải dệt các loại hàng do triều đình ra lệnh làm.

Ở đây, dân làng còn lưu truyền câu chuyện, có một người làng cố mua cho được một mảnh gấm hoa đời nhà Minh (Trung Quốc) kiên trì tháo từng sợi, nghiên cứu nắm bắt kỹ thuật dệt.

Từ đó, qua nhiều lần cải tiến, ông đã dệt được các loại gấm, sa màu làm cho làng La Khê chiếm độc quyền về mặt hàng này. Ông được tôn là Tổ nghề gấm.

Ngày nay, làng nghề La Khê tiếp tục duy trì và phát triển các mặt hàng dệt thủ công truyền thống.

Làng Bùng

Làng Bùng thuộc xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) từ xa xưa đã nổi tiếng về nghề dệt lượt.

Ở làng này có ông Phùng Khắc Khoan rất giỏi nghề dệt lượt. Dân làng tôn ông là ông Tổ nghề. Đền thờ Phùng Khắc Khoan còn lưu giữ bức chân dung của ông vẽ trên tấm lụa do dân làng dệt ra.

Hiện nay, nhiều gia đình ở làng Bùng tiếp tục nghề dệt lượt truyền thống.

Làng Cổ Đô

Làng Cổ Đô, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội), từ xa xưa vốn có nghề dệt lụa và thờ Hoàng Phủ Thiếu Hoa làm vị Tổ nghề của mình.

Tương truyền, bà là con gái vua Hùng, từ nhỏ đã được vua cha cho học nghề này, sau trở về truyền lại cho dân quanh vùng. Khi Thiếu Hoa trưởng thành, nhà vua có ý định gả nàng cho một viên quan dưới quyền, nhưng nàng không muốn ràng buộc, quyết tâm theo đuổi sự nghiệp, bèn trốn về làng Cổ Đô dạy cho phụ nữ nơi đây biết nuôi tằm, dệt lụa và còn tiếp tục truyền nghề cho hơn 60 làng khác trong vùng./.

(TTXVN/Vietnam+)