Tạ Thắng: Người “bắt mạch” những chiếc kèn

Người thợ sửa kèn tài hoa chưa chịu bó tay với bất kỳ loại kèn hỏng nào. (Nguồn: Internet)

Mới nghe tên họ của ông, tôi cứ nghĩ ông phải là người cao to, vạm vỡ lắm. Trái ngược với sự suy đoán ấy, ông khá mảnh dẻ và rất dễ gần.

Ông là Tạ Thắng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ kèn Đồng Tâm, người được nhiều nghệ sĩ, sinh viên Học viện Âm nhạc biết tới không phải vì chơi kèn giỏi mà là người thợ chuyên sửa chữa các loại kèn.

Bác sĩ của các loại kèn

Tiếp chúng tôi trong gian phòng khách ấm cúng của gia đình (phố Nguyễn An Ninh, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), ông Thắng cho hay, hơn 40 năm trước, ông tròn 20 tuổi và đang là thợ cơ khí.

Vốn có tính nghệ sĩ nên muốn thay đổi công việc khác phù hợp hơn, ông đăng ký theo học lớp trung cấp âm nhạc đầu tiên của Nhạc viện Hà Nội, nay là Học viện Âm nhạc quốc gia. Lớp học đầu tiên ấy chỉ có 10 người, vừa học âm nhạc, vừa học sửa chữa nhạc cụ và đa số là con em của những cán bộ trong trường.

“Vậy bây giờ ông biết chơi loại kèn gì?" Tôi hỏi ông. Ông Thắng trả lời ngay: “Tôi chẳng biết chơi kèn gì, nhưng tôi lại biết sửa tất cả các loại kèn." Nghe có vẻ hài hước nhưng với danh tiếng thợ sửa kèn lão luyện, ông Thắng đã tìm lại âm thanh trong trẻo của hàng ngàn chiếc kèn tưởng chỉ còn đem bán cho đồng nát.

Tiến lại góc nhà, ông Thắng lấy ra chiếc kèn Silver Sonic (loại kèn biểu diễn độc tấu) của Mỹ, ông nói: “Trước khi tôi sửa nó đen nhẻm, bẹp dúm chỗ côn và mất chữ. Nhưng nay những dòng chữ “Silver Sonic” đã nổi lên, hai màu chủ đạo vàng và trắng đã làm cho chiếc kèn thêm lộng lẫy." 

Quả thật với đôi bàn tay mềm mại và khéo léo của ông, nhiều chiếc kèn trị giá hàng ngàn đôla do vô tình bị rơi hỏng hay trong quá trình di chuyển bị va đập mạnh… dẫn tới hỏng hóc đã được “sống lại." Không chỉ các nghệ sĩ ở Hà Nội mà tận Thành phố Hồ Chí Minh, thậm chí từ bên Lào, Campuchia cũng gửi kèn đến nhờ ông sửa chữa.

Ông Thắng tâm sự: “Có lần, một doanh nhân người Pháp đang làm việc ở Hà Nội có chiếc kèn trumpet đã lâu ít dùng nên trục trặc. Vị doanh nhân này đã mang kèn sang Pháp sửa nhưng vẫn chưa ưng ý bởi âm thanh không chuẩn. Khi đến Hà Nội, được bạn bè giới thiệu gặp tôi. Khi sửa xong, vị doanh nhân này rất ngạc nhiên và hài lòng vì lỗi của chiếc kèn đã được khắc phục."

Hiện nay, từ những sinh viên đang học kèn tại các trường âm nhạc cho đến các giảng viên, những nghệ sĩ kèn đang chơi trong Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia, đội quân nhạc... khi kèn hỏng hay âm thanh chưa chuẩn đều tìm đến ông. Và cái tên “Bác sĩ kèn” được mọi người gọi thay tên ông từ đó.

Chuyên sửa kèn… tây

Trong câu chuyện với “bác sĩ kèn” tôi được biết ông Thắng chuyên sửa kèn tây. Lý do là kèn tây được nhiều người sử dụng hơn và các nghệ sĩ nổi tiếng thường sử dụng kèn của Pháp, Mỹ, Đức…

Trong giới chơi nhạc, mọi người coi ông như một người bạn, một chuyên gia trong lĩnh vực khắc phục sự cố về kèn. Từ những loại kèn đồng đến kèn gỗ như kèn trumpet, kèn saxaphone, kèn tenor horn, kể cả sáo flute khi không may bị rơi hỏng hay vì bất kỳ lý do nào khác hỏng hóc, nếu qua tay ông đều trở nên ngon lành với giá trị đích thực.

Trong câu chuyện về việc “chữa bệnh” cho các loại kèn, ông Thắng tâm sự, trong lúc chữa kèn không bao giờ ông nghĩ đến tiền. Điều ông luôn nghĩ trong đầu là làm sao tìm lại được giá trị đích thực của tiếng kèn. Bởi khi đã nhận mà chữa không được sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín của chính mình.

Rồi ông Thắng tâm cho biết thêm: Khi gặp những chiếc kèn hỏng nặng muốn sửa được thì người thợ phải có con mắt và bàn tay “nhà nghề." “Cái thần” của đôi tay khi cầm chiếc kèn và tìm hiểu nó hỏng chỗ nào, âm thanh trục trặc ra sao để “bắt đúng mạch” trả lại âm thanh đích thực cho nó.

Mỗi chiếc kèn lại có một cách sửa khác nhau, kèn Tây Đức, kèn Mỹ, kèn Pháp… tuy cùng có từng ấy nốt nhưng nó lại khác nhau về tính năng và cách sửa chữa. Vậy nên có cái kèn giá lên tới 25.000 đôla nhưng có cái chỉ 2,5 triệu đồng. Giá công sửa chữa vì thế cũng khác nhau. Đã có lần, ông Thắng phải mất bảy ngày mới khoan được một mũi khoan để vít chiếc ốc của kèn.

Ông bảo, không thể vì một cái ốc hay vì một lý do nào đó mà vứt đi chiếc kèn. Chính vì vậy mà trong suốt hơn 40 năm làm nghề, ông chưa bó tay với bất kỳ một chiếc kèn hỏng nào. Với ông, công việc sửa chữa kèn không còn là nghề nữa mà là nghiệp. Cái nghiệp ấy cứ cuốn lấy ông, đã và sẽ theo ông suốt cả cuộc đời./.

Viết Tôn (Báo Tin Tức/Vietnam+)