Làng nghề dệt thủ công và sản xuất phụ kiện may mặc Triều Khúc

Cách trung tâm Hà Nội khoảng 8km về hướng Tây Nam, Triều Khúc xưa có tên gọi là làng Đơ Thao không chỉ nổi tiếng đất Hà Thành khi còn lưu giữ được những nét cổ kính đặc trưng của ngôi làng xưa Bắc Bộ mà còn nức tiếng với nghề dệt truyền thống.

Từ thế kỷ XVIII, làng Triều Khúc đã nổi tiếng là nơi sản xuất và cung cấp những mặt hàng bằng tơ lụa. Đó là những phụ kiện trong bộ trang phục phụ nữ Bắc Bộ xưa như: nghề dệt the (áo the, quạt the); nghề dệt nái (yếm, bao thắt lưng); nghề nhuộm (áo, yếm, váy, thắt lưng);… Đây là những sản phẩm không thể thiếu trong những trang phục của người phụ nữ Việt Nam những thế kỷ trước. Thế nhưng hiện nay những phụ kiện này gần như đã không còn được sử dụng trong đời sống hàng ngày. Có chăng, nó chỉ còn sử dụng thi thoảng trong những dịp lễ hội.

Tuy vậy, làng dệt Triều Khúc hiện nay không những không bị mai một mà còn được phát triển rất mạnh, với những nhà máy sản xuất quy mô lớn. Theo lời giới thiệu của anh Nguyễn Minh Tâm, Phó Chủ tịch xã Tân Triều, chúng tôi tìm đến xưởng dệt được cho là có quy mô vào bậc nhất xã Tân Triều của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất và Thương mại Trung Dũng do ông Triệu Khắc Thủy làm giám đốc.

Dẫn chúng tôi đi thăm quan xưởng dệt rộng 1800 m2, ông Triệu Khắc Thủy cho biết, hiện tại 70% sản phẩm dệt của công ty xuất khẩu sang Mỹ, còn lại 30% là cung cấp cho các tập đoàn dệt may lớn ở trong nước như May 10, May Đức Giang, May Thái Nguyên,…

Hiện xưởng dệt của công ty có 150 lao động thường xuyên ở cả trong và ngoài xã. Thu nhập bình quân đầu người từ 6 đến 8 triệu/tháng. Mặt hàng kinh doanh chính của xưởng hiện nay là các phụ kiện ngành dệt may như: chỉ, chun, dây trang trí trên quần áo… Trong xưởng hiện có 30 máy dệt và 25 máy làm chỉ. Tổng giá trị máy móc lên đến gần 30 tỷ. Ông Thủy cho biết máy móc tại đây 100% là tự động hóa. Công nhân chỉ làm nhiệm vụ đóng gói sản phẩm.

Sản phẩm của công ty ông Thủy ban đầu chỉ tiêu thụ ở thị trường trong nước, tại một số vùng tập trung nhiều công ty may nhỏ như Linh Hiệp, Cổ Nhuế… Sau đó, ông Thủy dần cải tiến công nghệ và kỹ thuật, những sản phẩm của công ty đã dần được các tập đoàn dệt may lớn của Việt Nam chấp nhận. Và chính những tập đoàn này đã giới thiệu sản phẩm nguyên phụ liệu ngành may của công ty ông với những bạn hàng lớn ở nước ngoài. Nhờ chất lượng và công nghệ luôn được cải tiến hiện đại, các sản phẩm của công ty đã được các tập đoàn may lớn của nước ngoài chấp nhận.

Ông Thủy cho biết: “Hiện tại công xuất của công ty mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu phát triển của ngành may mặc Việt Nam. Nhưng tôi rất vui bởi khách hàng nào khi đã biết đến sản phẩm của công ty thì đều thôi không nhập khẩu nguyên phụ liệu từ nước ngoài nữa mà chuyển sang dùng sản phẩm của công ty”. Theo ông Thủy thì việc phát triển những công ty chuyên sản xuất nguyên phụ liệu ngành may như công ty ông không chỉ giúp các tập đoàn may của Việt Nam giảm nhập khẩu nguyên phụ liệu ngành may mà còn tăng thêm sức cạnh tranh cho ngành may mặc Việt Nam trên thị trường thế giới.

Chẳng vậy mà, khi được hỏi về định hướng phát triển của công ty, ông Thủy cho biết, thời gian tới công ty sẽ mở rộng thêm mặt bằng sản xuất khoảng 5000 đến 7000 m2 để phát triển nhà máy kéo sợi. Cộng thêm thế mạnh về việc chủ động nguồn nhân công lao động, khi đó, giá thành nguyên phụ liệu ngành may của công ty sẽ có thêm sức cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của các nước khác trên thế giới. Ông Thủy cho biết đây cũng chính là thế mạnh cạnh tranh của công ty trong tiến trình Việt Nam mở cửa hội nhập toàn diện vào năm 2020.

Theo con số thống kê, hiện nay toàn xã Triều Khúc có khoảng 2 - 3 mô hình công ty gia đình quy mô tương đương với công ty của ông Triệu Khắc Thủy. Còn lại là các công ty quy mô nhỏ hơn. Tất cả đều được tập trung trong khu công nghiệp làng nghề của xã.

Được đi thăm toàn bộ khu nhà xưởng của ông Triệu Khắc Thủy, chúng tôi đã hiểu rõ tại sao một làng nghề dệt thủ công truyền thống lại có được những bước phát triển mạnh mẽ và bền vững như ngày hôm nay. Đó chính sự nhạy bén với nhu cầu thị trường, cùng sự sáng tạo, tìm tòi học hỏi của người dân nơi đây đã giúp họ không chỉ gìn giữ được nghề truyền thống còn làm giàu trên chính mảnh đất của quê hương mình./.


(Báo Ảnh Việt Nam/Vietnam+)