Người lính già luôn nặng lòng với sự nghiệp trồng người

Thầy Nguyễn Trọng Vĩnh giao lưu với học sinh trong một tiết học. (Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN)

Ở tuổi 81, nhiều người lựa chọn nghỉ ngơi để vui vầy cùng con cháu. Riêng Đại tá-Nhà giáo ưu tú Nguyễn Trọng Vĩnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Tiểu học-Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Siêu (Hà Nội) vẫn ngày ngày cặm cụi chân không dừng, đầu không nghỉ để cống hiến, đào tạo, đưa mái trường Nguyễn Siêu từng bước phấn đấu vươn lên xứng tầm với các trường chất lượng cao của Hà Nội và khu vực.

Với những đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Trọng Vĩnh đã vinh dự được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2016.

Giáo dục tri thức trên nền tảng đạo đức

Rời đất Cảng Hải Phòng, đầu những năm 1950, ông Nguyễn Trọng Vĩnh vinh dự được Thành ủy Hải Phòng cử đi học sư phạm tại khu học xá Nam Ninh, Trung Quốc - một trong những cơ sở đào tạo đặc biệt - cái nôi trưởng thành của nhiều nhà văn hóa, chiến sỹ cách mạng, nhà lãnh đạo lỗi lạc của đất nước sau này. Năm 1954, ông trở thành cán bộ tiếp quản giáo dục Thủ đô, tham gia giảng dạy tại trường Trung cấp Sư phạm Hà Nội.

Năm 1965, được sự điều động của Thành ủy và Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, ông tham gia quân đội, làm cán bộ chính trị của Binh chủng Công binh. Năm 1990, ông nghỉ hưu với quân hàm đại tá. Sau khi về hưu, cảm thấy còn khỏe và vẫn còn có thể cống hiến cho xã hội, với mong muốn hiện thực hóa ý định xây dựng mô hình đào tạo trên cơ sở đạo đức, vị Đại tá quân đội đã quyết định thành lập một ngôi trường dân lập.

Đến năm 1991, ngôi trường dân lập của thầy Vĩnh chính thức được thành lập với tên gọi Trường Tiểu học -Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Siêu. Với mục tiêu “Vì hạnh phúc gia đình, vì tiến bộ xã hội, thầy mẫu mực, trò chăm ngoan học giỏi”, ông luôn tâm niệm con cái ngoan ngoãn, chăm chỉ, giỏi giang là niềm hạnh phúc lớn của mỗi gia đình, về lâu dài sẽ góp sức xây dựng đất nước, xã hội phát triển.

Mong muốn lớn nhất của người thầy này là dạy dỗ cho các thế hệ mầm non tương lai của đất nước trở thành người có đạo đức trước khi là người có tri thức. Thời gian đầu thành lập, hai đặc điểm nổi bật của nhà trường là cách xưng hô “thầy/cô - con” và sinh hoạt theo phong cách quân đội. Đã từng là một người lính nên ông đưa “chất lính” của mình vào việc rèn luyện học sinh từ nếp ăn, nếp ở cho đến học hành. Học sinh của trường luôn phải xếp hàng ngay ngắn khi di chuyển đến nhà ăn và giữ trật tự khi ăn.

Theo thời gian, số lượng học trò đông dần, “chất lính” trong trường học đã thay đổi nhưng cách xưng hô “thầy/cô - con” vẫn được giữ lại. Ông Vĩnh chia sẻ rằng cách xưng hô như thế sẽ thu hẹp khoảng cách giáo viên và học sinh. Học sinh gắn bó và gần gũi với giáo viên sẽ giúp việc quản lí của các thầy cô trở nên dễ dàng hơn.

Tầm nhìn chiến lược của người quản lý

Đại tá, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Trọng Vĩnh. (Ảnh Minh Nghĩa/TTXVN)

Để nâng cao chất lượng học sinh, nhà trường cho học sinh học 2 buổi một ngày. Đây chính là điều mới trong ngành giáo dục ở thời điểm những năm 90. Ông kể lại: “Đầu vào học sinh những năm đầu trường mới thành lập còn thấp. Tổ chức học 2 buổi một ngày để học sinh có thêm thời gian học tập mới đảm bảo đầu ra đạt chất lượng cao. Vì thế yêu cầu với giáo viên chủ nhiệm là phải có mặt tại trường khi có học sinh để quản lý. Giáo viên phải trở thành người mẹ thứ hai của học sinh.” 

Ông cho rằng, để đội ngũ giáo viên gắn bó lâu dài với nhà trường và hết lòng vì học sinh, điều cần làm nhất chính là chăm lo cho cuộc sống vật chất, tinh thần của họ. Ông luôn chú trọng xây dựng chính sách đãi ngộ phù hợp và đảm bảo thu nhập cho từng đối tượng giáo viên, cán bộ, nhân viên. Khi cán bộ, giáo viên trong trường gặp hoàn cảnh khó khăn, ông kịp thời có các biện pháp giúp đỡ. Nhờ vậy, ông đã xây dựng được một đoàn thể thống nhất hoạt động vì mục tiêu của nhà trường.

Trong 25 năm phát triển, ngôi trường dân lập của Nhà giáo ưu tú Nguyễn Trọng Vĩnh đã trải qua không ít khó khăn, thăng trầm. Đặc biệt, với 8 lần thay đổi địa điểm thuê lớp học, chưa có kinh phí hoạt động, thiếu thốn đủ bề, giờ đây, ngôi trường đã có một vị trí cố định, tọa lạc trên con phố rộng rãi thuộc Khu đô thị Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy), với cơ sở vật chất được đầu tư, nâng cấp hiện đại hơn rất nhiều.

Dưới sự lãnh đạo của người thầy Nguyễn Trọng Vĩnh, Trường Tiểu học-Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Siêu đã trở thành một trong những trường dân lập hàng đầu của Thủ đô với 91 lớp học, gần 2.500 học sinh và hơn 200 cán bộ, giáo viên; là sự lựa chọn hàng đầu của rất nhiều phụ huynh mong muốn chọn cho con một ngôi trường giáo dục toàn diện.

Đặc biệt, sau 11 năm thực hiện mô hình “Trường cung ứng dịch vụ giáo dục trình độ chất lượng cao,” chất lượng dạy và học của trường ngày càng được nâng lên. Hàng năm, học sinh nhà trường tốt nghiệp đạt 100%, trên 80% trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng trong nước, giành học bổng của các trường đại học danh tiếng ở nước ngoài. Nhiều học sinh của trường đạt nhiều giải thưởng trong các kỳ thi Olympic quốc gia và quốc tế.

Song, cũng hơn 20 năm duy trì hoạt động của nhà trường, vị Đại tá quân đội vẫn luôn trăn trở phải làm thế nào để duy trì, phát triển trường học cho phù hợp với sự phát triển của đất nước, xã hội, của giáo dục Việt Nam và giáo dục quốc tế mà vẫn đảm bảo thực hiện được mục tiêu đã đề ra.

Đối với vị Đại tá quân đội này, trường học của ông phải luôn đi đầu trong mô hình đào tạo, đồng thời phải luôn điều chỉnh ở từng giai đoạn sao cho phù hợp với thời đại. Để làm được những điều đó, ông viết các đề án và tổ chức thực hiện để xây dựng trường phát triển từ trường dân lập chất lượng thấp lên chất lượng cao, từ trường chuẩn quốc gia thành trường chất lượng cao. Tiếp đến là tổ chức xây dựng thí điểm trường song ngữ quốc tế rồi dần phát triển thành trường nằm trong hệ thống giáo dục của trường Đại học Cambridge (Vương quốc Anh).

Nhìn lại chặng đường phát triển, nhất là những thành quả giáo dục, đào tạo của ngôi trường Nguyễn Siêu mới thấu hiểu tinh thần phấn đấu không mệt mỏi của thầy giáo Nguyễn Trọng Vĩnh.

“Từ khi trường thành lập, tôi vẫn luôn nghĩ đến tương lai của ngôi trường 10 năm, 20 năm, 50 năm nữa sẽ như thế nào. Tôi giờ tuổi đã cao, chỉ mong con cháu và đồng nghiệp sau này tiếp tục duy trì phát triển ngôi trường theo đúng định hướng, xứng đáng là ngôi trường mang tên danh nhân văn hoá Nguyễn Siêu,” ông tâm sự.

Với những đóng góp của mình cho ngành giáo dục Thủ đô, nhà giáo Nguyễn Trọng Vĩnh đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý. Năm 2010, thầy vinh dự được nhận danh hiệu “Nhà giáo ưu tú” do Nhà nước tặng và nhiều năm liền là cán bộ quản lý giỏi của ngành giáo dục. Năm 2014, thầy được Liên hiệp các Hội Khoa học Việt Nam vinh danh là trí thức tiêu biểu của Thủ đô... Nhân kỷ niệm 62 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10), thầy lại vinh dự là 1 trong 9 công dân tiêu biểu đượcỦy ban Nhân dân thành phố Hà Nội trao tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2016./.