Cách nào để Nhà hát Lớn Hà Nội trở thành điểm du lịch hấp dẫn?

Nhà hát Lớn Hà Nội. (Ảnh: Lê Doãn Đức/Vietnam+)

Từ tháng 6/2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trương xây dựng Nhà hát Lớn Hà Nội thành điểm đến du lịch phục vụ du khách trong và ngoài nước khi đến Thủ đô.

Chủ trương này nhận được sự quan tâm của đông đảo các nhà văn hóa, du lịch, các doanh nghiệp lữ hành khi Nhà hát Lớn với tuổi đời hơn 100 năm, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật cần được đẩy mạnh khai thác và quảng bá thông qua con đường du lịch.

Tuy vậy, các doanh nghiệp lữ hành đã nêu ra rất nhiều vấn đề cần hoàn thiện tại buổi tọa đàm xây dựng sản phẩm du lịch, khai thác chương trình biểu diễn nghệ thuật phục vụ khách du lịch do các cơ quan liên quan tổ chức chiều 10/5, để Nhà hát Lớn trở thành điểm đến thực sự hấp dẫn.

Sản phẩm văn hóa-du lịch mới

Không phải bây giờ Nhà hát Lớn Hà Nội mới trở thành mối quan tâm của khách du lịch mà trong quá trình hoạt động gần 20 năm qua, Nhà hát Lớn Hà Nội đã đón tiếp, phục vụ và giới thiệu lịch sử, kiến trúc cho hàng trăm đoàn khách, chủ yếu là khách nước ngoài. Việc xây dựng điểm đến này nhằm tạo sự chuyên nghiệp hóa, thu hút ngày càng nhiều hơn du khách đến tham quan, tìm hiểu Nhà hát và thưởng thức các chương trình nghệ thuật, mang tính lâu dài.

Theo thiết kế, sản phẩm văn hóa phục vụ khách du lịch triển khai tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào ban ngày các ngày trong tuần theo hai sản phẩm. Sản phẩm 1 là tham quan Nhà hát và xem chương trình biểu diễn nghệ thuật. Chương trình nghệ thuật trình diễn với thời lượng khoảng 30 phút gồm các tiết mục do Nhà hát Chèo Việt Nam, Tuồng Việt Nam, Ca múa nhạc Việt Nam biểu diễn. Thời lượng của sản phẩm này khoảng 1 tiếng 30 phút, bắt đầu từ 10 giờ 15 phút đến 11 giờ 45 phút, vào thứ hai và thứ năm. Giá vé dự tính 400.000 đồng/vé.

Sản phẩm 2 là chỉ tham quan Nhà hát nhằm đáp ứng nhu cầu của khách muốn tham quan bên trong Nhà hát để chụp ảnh và tìm hiểu kiến trúc, lịch sử. Du khách được tương tác với các hoạt động biểu diễn nghệ thuật tại sân khấu nhỏ phòng Gương và tương tác với sân khấu chính từ tầng 3 khu khán giả. Thời lượng là 1 tiếng 10 phút vào các khung giờ: 9 giờ, 10 giờ 30 phút, 14 giờ vào thứ ba, thứ tư, thứ bảy, chủ nhật hàng tuần. Giá vé dự tính 120.000 đồng/vé.

Theo ông Vũ Mạnh Hà, Phó Giám đốc Nhà hát, hiện tại Nhà hát xây dựng hai sản phẩm tham quan nhưng trong tương lai khi lượng khách đông sẽ mở cửa vào tự do như một bảo tàng.

Hiện nay, khi mà thời điểm Nhà hát Lớn Hà Nội mở cửa đón khách đang đến gần, các đơn vị chức năng thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang gấp rút hoàn thiện các công việc.

Bộ giao Cục Nghệ thuật biểu diễn xây dựng ba chương trình nghệ thuật ca múa nhạc tổng hợp với sự phối hợp biểu diễn của các nhà hát, Tổng cục Du lịch làm đầu mối để các công ty lữ hành đăng ký tham gia, hỗ trợ Nhà hát thu hút khách, giới thiệu các địa danh du lịch nổi tiếng, Ban Quản lý Nhà hát Lớn Hà Nội đảm nhiệm việc đón tiếp, trưng bày, giới thiệu, bán vé...

Cần hài hòa với nhu cầu du lịch

Tại buổi tọa đàm, dù rất ủng hộ chủ trương xây dựng Nhà hát Lớn Hà Nội thành điểm đến du lịch nhưng các doanh nghiệp lữ hành cũng chỉ ra rất nhiều vướng mắc trong việc tổ chức, mong các cơ quan liên quan sớm tháo gỡ, hoàn thiện sản phẩm để phù hợp với nhu cầu của du lịch. Trong đó, các ý kiến tập trung vào thời gian tham quan và xem biểu diễn, giá vé và nội dung chương trình nghệ thuật.

Bà Trịnh Thị Thảo, đại diện Công ty du lịch Tia Sáng Mê Kông cho rằng, chương trình nghệ thuật biểu diễn 2 buổi/tuần là không hợp lý. Lý do đưa ra là, công ty giới thiệu tour để bán sẽ không chỉ bán vào thứ hai và thứ 6 đúng theo lịch diễn của Nhà hát, bởi tour phải phụ thuộc vào nhu cầu của khách. Bà Trịnh Thị Thảo nêu khó khăn khi đã từng bán tour tham quan chợ Bắc Hà khi nơi này không thường xuyên diễn ra, đồng thời khuyến cáo Nhà hát nên tổ chức suốt các ngày trong tuần.

Hơn nữa, các doanh nghiệp cho rằng thời gian mở cửa đón khách tham quan và xem chương trình nghệ thuật vào khoảng 10 giờ là không hợp lý vì các doanh nghiệp thường tận dụng thời gian buổi sáng để khách tham quan, hoạt động ngoài trời. Chương trình nghệ thuật nên diễn ra vào thời điểm cuối ngày sẽ phù hợp với lịch trình tham quan của du khách.

Với giá vé Nhà hát Lớn Hà Nội đưa ra, các doanh nghiệp lữ hành cho rằng quá cao. Mặc dù Nhà hát Lớn là địa chỉ văn hóa danh giá, nơi thăng hoa giá trị nghệ thuật nhưng với giá vé xem biểu diễn nghệ thuật 400.000 đồng/vé, ít nhiều đã ảnh hưởng tới giá tour. Trong khi đó, giá vé xem chương trình múa rối nước của Nhà hát múa rối Thăng Long từ 80.000-100.000 đồng/vé. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, giá vé tại đây chỉ nên dao động từ 200.000-230.000 đồng/vé là hợp lý hoặc thời gian đầu cần giảm hơn nữa để thu hút khách.

Nội dung chương trình biểu diễn nghệ thuật cho dù nhiều doanh nghiệp đánh giá tốt, là sự kết nối các tiết mục biểu diễn đặc sắc, từ biểu diễn nhạc cụ dân tộc, chầu văn, múa truyền thống... Tuy nhiên, cũng không ít doanh nghiệp cho rằng tương tự một “bữa tiệc buffet” hay một “nồi lẩu thập cẩm.”

Ông Nguyễn Hoàng Nguyên, phụ trách phát triển thị trường Công ty Lữ hành Hanoitourist, cho rằng chương trình biểu diễn không có chủ đề rõ ràng dù vẫn có tên gọi “Sắc Việt,” khán giả không thể hiểu rõ ý tưởng được chuyển tải qua chương trình bởi nó là sự lắp ghép các tiết mục, thể loại nghệ thuật khác nhau.

Ông Nguyên chia sẻ, để cuốn hút du khách trước tiên các nhà tổ chức tìm hiểu thị trường du lịch trọng điểm, xây dựng chương trình phù hợp với nhu cầu của họ, không thể ghép nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khách nước ngoài và khách Việt cùng trong một chương trình. Điều khách quan tâm là dụng ý nghệ thuật qua chương trình biểu diễn, các tiết mục cùng phải biểu trưng cho tâm hồn, khí phách của người Việt.

Theo lãnh đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn, Tổng cục Du lịch và Nhà hát Lớn Hà Nội, các đơn vị tổ chức sẽ tiếp thu các ý kiến và tiếp tục có những cuộc bàn thảo với doanh nghiệp lữ hành để Nhà hát Lớn Hà Nội thực sự là điểm đến hấp dẫn của du khách./.

Đinh Thị Thuận (TTXVN/Vietnam+)