“Mascara” và những bức chân dung đa ý niệm về một nửa thế giới

Tác phẩm "Cá nhỏ" của tác giả Nguyễn Thế Hùng. (Ảnh: BTC)

Những bức chân dung phụ nữ độc đáo của các nghệ sỹ đương đại sẽ được giới thiệu tới công chúng tại triển lãm “Mascara” (diễn ra từ ngày 26/8-3/9 tại Trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza, 24 Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Đó là những góc nhìn, cảm nhận và ấn tượng riêng về phụ nữ của các nghệ sỹ thuộc thế hệ 7X, 8X: Nguyễn Nghĩa Cương, Nguyễn Văn Cường, Vũ Đình Tuấn, Bùi Thanh Tâm, Ngô Văn Sắc, Nguyễn Thế Hùng, Phạm Tuấn Tú và Lương Đức Hùng.

Tên gọi “Mascara” gợi cho công chúng nhiều suy tưởng. “Nói đến Mascara, người ta sẽ hiểu ngay đó là một dụng cụ trang điểm của phụ nữ. Sâu xa hơn, nó thể hiện bản năng làm đẹp của một nửa thế giới. Thậm chí, mascara còn có thể giúp người phụ nữ tạo một thứ mặt nạ để mê hoặc người đối diện,” đại diện ban tổ chức chia sẻ.

Bởi vậy, các tác phẩm được trưng bày trong triển lãm không đơn thuần chỉ là những bức chân dung phụ nữ mà đó chính là những khuôn mặt của thời đại, mang hơi thở cuộc sống mới.

Triển lãm thể hiện tinh thần không ngừng sáng tạo của các nghệ sỹ trẻ đương đại Việt Nam nhằm thoát khỏi những môtíp, tạo hình cũ.

Ngược dòng lịch sử, có thể thấy, chân dung phụ nữ trong tranh dân gian Đông Hồ hay ở những họa phẩm đầu thế kỷ 19 của các bậc thầy hội họa Việt Nam (như Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Lê Phổ…) đều thể hiện vẻ đẹp mềm mại, bao dung, e lệ, đậm chất Á Đông.

Đến nửa sau thế kỷ 19, việc thể hiện chân dung phụ nữ thời kỳ kháng chiến đã có sự biến đổi đáng kể. Thời kỳ này, trong phần lớn các tác phẩm hội họa, điêu khắc Việt, người phụ nữ hiện lên với vẻ đẹp khỏe khoắn, thể hiện đảm đang, đức hy sinh và gánh trên vai trách nhiệm thời đại.

Đến thời kỳ hiện nay, chân dung phụ nữ đa sắc, đa màu, đa hình và đa ý niệm hơn. Cả phụ nữ và nghệ sỹ đều có cơ hội bộc lộ bản thân hơn, thể hiện nhiều góc cạnh tâm hồn và tính cách đa chiều hơn.

“Chân dung phụ nữ dưới góc nhìn và qua bàn tay hoa của nghệ sỹ trẻ đương đại Việt Nam đã vượt qua những giới hạn cũ mòn. Qua những sáng tác của họ, có thể thấy, sự sáng tạo, bứt phá sẽ không dừng lại ở đó,” đại diện ban tổ chức bày tỏ.

Một số tác phẩm trưng bày tại triển lãm (Ảnh: BTC):

“Cô gái Việt Nam 17” của tác giả Bùi Thanh Tâm với đôi mắt như đang nhìn trực diện vào người xem.

Khuôn mặt những “Cô gái Việt Nam” của Bùi Thanh Tâm là sự kết nối, tái tạo ký ức, xen kẽ những hình ảnh đứt gãy về giá trị văn hóa.

“Cô gái Việt Nam 13” thể hiện rõ phong cách của Bùi Thanh Tâm khi vẽ phụ nữ - người phụ nữ trong tranh anh thường có đôi mắt mở to và đôi môi mở rộng, mang vẻ đẹp đằm thắm, vừa lạ vừa quen.

Câu chuyện “Mua sắm” qua góc nhìn của Lương Đức Hùng. Anh là nghệ sỹ điêu khắc duy nhất tham gia triển lãm này. Nhà điêu khắc sử dụng kim loại và các chất liệu phủ crome để tạo hiệu ứng bóng loáng, vẻ ngoài hiện đại cũng như bầu không khí hân hoan, hối hả mua sắm không ngừng nghỉ của một xã hội tiêu thụ.

“Chuyển giới 3” của Nguyễn Văn Cường. Các tác phẩm của anh “đương đại” từ đề tài đến phong cách, tạo hình, màu sắc.

“Đi qua dòng sông” của Vũ Đình Tuấn. Nghệ sỹ quan niệm: “Những lát cắt thời gian mang hình khuôn mặt, cho vẻ phù phiếm đi qua, niềm sắt son ở lại.”

“Im lặng cho hoa nở” là một bức tranh màu nước trên lụa khá tinh tế của Vũ Đình Tuấn. Tranh của anh mang nhiều ẩn dụ với những hình ảnh gợi mở về không gian, thời gian.

Nguyễn Nghĩa Cương và câu chuyện “Biển nhớ.” Anh là một trong những nghệ sỹ đương đại tiêu biểu thể hiện thành công sự “va đập” giữa những yếu tố cũ-mới, truyền thống-hiện đại, nông thôn-thành thị…


An Ngọc (Vietnam+)