Đầu tư hơn 116.000 tỷ đồng để xây dựng 3 sân bay lớn trong cả nước

Nhà ga hành khách T2 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Các sân bay trọng điểm như Long Thành, Nội Bài và Tân Sơn Nhất được đầu tư, xây dựng, nâng cấp giai đoạn 2018-2021, tầm nhìn 2025 sẽ cần đến hơn 116.000 tỷ đồng. Con số này dựa trên kế hoạch đầu tư đối với một số dự án sân bay trọng điểm của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).

Theo dự báo của ACV, đến năm 2021, sản lượng hành khách thông qua các cảng do Tổng công ty quản lý, khai thác sẽ đạt khoảng 137 triệu khách, với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2018-2021 đạt 10 %/năm. Dự báo đến năm 2025, sản lượng hành khách thông qua vào năm 2025 sẽ đạt khoảng 185 triệu khách, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2022-2025 đạt 7%/năm. Vì thế, ACV đã rà soát, lập kế hoạch đầu tư các dự án trọng điểm, giai đoạn 2018-2025.

['Giao 4.200 tỷ đồng sửa đường băng sân bay là không phù hợp quy định']

Cụ thể, sân bay quốc tế Nội Bài sẽ đầu tư nâng cao năng lực khai thác như mở rộng nhà ga hành khách T2 đạt công suất 15 triệu hành khách, nhà ga T3 công suất 10 triệu khách, sân đỗ, các công trình phụ trợ, để đáp ứng công suất khai thác 30 triệu hành đến năm 2020 và 60 triệu hành khách đến năm 2030. Tổng mức đầu tư dự kiến là 11.197 tỷ đồng.

Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ đầu tư nâng cao năng lực khai thác (nhà ga T3 công suất 10 triệu khách/năm, nâng cao năng lực đường hạ cất cánh, đường lăn, sân đỗ, các công trình phụ trợ, hệ thống thiết bị đảm bảo hoạt động bay) để đáp ứng công suất 45 triệu hành khách/năm đến năm 2020. Dự kiến, tổng mức đầu tư cần 12.672 tỷ đồng.

Đối với nhu cầu đầu tư vốn cho sân bay Long Thành giai đoạn 1 đến năm 2025 (đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóan/năm) cần khoảng 92.145 tỷ đồng bao gồm nhà ga hành khách, khu bay, nhà ga hàng hóa.

[Hàng không giá rẻ: 'Người nông dân chân đất cũng được đi máy bay']

Theo ACV, ngoài việc bố trí đủ vốn để đầu tư, hoàn chỉnh các cảng hàng không hiện hữu đáp ứng tốc độ tăng trưởng và khả năng khai thác đến 2030 và lập báo cáo cơ sở cho cảng hàng không quốc tế Long Thành, nguồn vốn tích lũy ACV còn lại để bố trí cho dự án Long Thành khoảng 36.042 tỷ đồng (trong trường hợp ACV chia cổ tức tiền mặt dự kiến 9%/ năm).

Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã có báo cáo Chính phủ về phương án sử dụng vốn đầu tư để cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh và đường lăn tại các cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất. Bộ này đề nghị cho phép ACV được xem xét bố trí vốn hơn 4.210 tỷ đồng, trong đó việc cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn tại Tân Sơn Nhất cần 1.910 tỷ đồng cho 2 giai đoạn, tại Nội Bài cần 2.300 tỷ đồng cho 2 giai đoạn./.

Việt Hùng (Vietnam+)