Hoa nhài - vẻ đẹp thanh lịch của đất Hà Nội

Những hàng hoa nhài dần trở nên thưa vắng trên phố phường Hà Nội. (Nguồn: Chinhphu.vn)

Không biết tự bao giờ, hình ảnh của hoa nhài đã gắn bó với vẻ đẹp thanh lịch của đất và người Hà Nội. Nhưng giờ đây, giữa nhịp sống hối hả, giữa những tòa nhà san sát cao ngất của phố phường hiện đại, những hoa trắng nhỏ với hương thơm thoảng nhẹ thanh khiết ấy trở nên vô cùng hiếm hoi.

Hàng hoa trên phố cũ

Góc phố Đội Cấn giáp với chợ Ngọc Hà những buổi sớm mai thường có một bà cụ già lặng lẽ bên rổ hoa nhài.

Trong dòng người xe hối hả, chẳng mấy ai để ý bà cụ già nua ấy. Còn cụ dường như cũng chẳng để ý đến dòng người tấp nập trước mặt, cũng không chào mời người mua.

Lân la trò chuyện, biết tên cụ là Trịnh Thị Dần, năm nay đã 86 tuổi, người làng Ngọc Hà gốc. Cụ Dần mái tóc bạc trắng, nhưng tiếng nói còn mạnh mẽ và hàm răng nhuộm đen đều tăm tắp.

Cụ Dần kể, ngày xưa ở làng Ngọc Hà trồng rất nhiều hoa nhài. Mỗi nhà đều dành đất để trồng vài luống hoa. Thế nhưng thời buổi "tấc đất tấc vàng" bây giờ còn rất ít người trồng hoa nhài, bởi thu nhập từ việc trồng hoa nhài cũng chẳng đáng là bao, lại còn phải chăm bón vất vả. Nhiều nhà bán đất hoặc làm nhà cho thuê có thu nhập cao hơn.

Hoa nhài mà cụ Dần bán có hai loại: một loại chỉ toàn bông trắng tinh, bán cho những người mua về ướp chè nhài, bán chè hoặc tào phớ; một loại hoa nhài cành bán cho những ai thích mua về cắm trong nhà.

Theo cụ Dần, hoa nhài bắt đầu nở rộ từ từ tháng 4 đến tháng 6. Vào chính vụ, có hôm cụ bán hàng cân bông hoa nhài.

Hoa nhài cành thì đầy rổ lớn. Từ mùa thu hoa ít dần và mùa đông thì hầu như không có. Vào thời điểm đó, cụ Dần bán kèm thêm các loại cây lá trong vườn như: lá vông, lá đề, lá ngải, tía tô, hẹ...

Việc chăm bón hoa nhài cũng phải có cách riêng. Cụ Dần bảo: "Chăm hoa cũng chăm trẻ con, cũng phải cho nó ăn uống". Về mùa đông, phải buộc nó vào và chăm tưới tắm, nếu không sẽ bị chết. Phải bón đất phù sa cho cây để mùa xuân cây đâm chồi, cho hoa nhiều."

Theo lời cụ, hoa nhài muốn thơm không được hái non. Phải hái vào buổi chiều, cho đến tối, không hái vào buổi sáng, hoa bị nước mưa hoặc sương vào thì không thơm.

Thu nhập từ hoa nhài của cụ cũng không đáng kể bởi mỗi nắm hoa giá chỉ vài nghìn đồng. Hôm nào bán nhiều thì được gần một trăm nghìn, ngày ít thì chỉ 2-30.000 đồng. Số tiền ấy còn phải trả công cho người làm đất, rồi mua đất phù sa để bón cho cây.

Dù tuổi đã cao, nhưng cụ Dần hàng ngày vẫn thích chăm bón cho hoa nhài để không phải dựa vào con cháu và cho thêm vui tuổi già.

Khách của cụ Dần thường là khách quen. Chị Bùi Thu Phương (hiện sống ở số nhà 130 Đốc Ngữ - Hà Nội) cho biết chị mua hoa nhài đơn giản vì thích hương thơm thanh khiết của nó gợi nhớ Hà Nội xưa và cũng vì niềm yêu mến vẻ mộc mạc, giản dị của người bán.

Còn bà Nguyễn Thị Thanh Bình (ở phố Ngọc Hà), sau khi mua một nắm hoa nhài và vài mớ rau hẹ, rau ngải đã động viên cụ Dần rằng: Các cụ chăm bón cho hoa, bán hoa như thế này cho thêm vui khoẻ, vận động được thì khí huyết nó lưu thông, tinh thần thoải mái, sảng khoái...

Xin giữ lại chút hương xưa

Câu chuyện với cụ Dần đang rôm rả thì cụ bà Ngô Thị Phương (73 tuổi) cũng người làng Ngọc Hà- là bạn già bán hoa nhài giống cụ Dần tới góp chuyện. Trên chiếc rổ của cụ Phương cũng chỉ còn vài nắm hoa nhỏ.

Cụ Phương kể rằng, trước kia nhà cụ cũng nhiều đất trồng hoa nhài, nhưng bây giờ thì chỉ còn khoảng 100 mét vuông, vì đất chia cho con cháu cả rồi.

Theo như lời cụ Dần và cụ Phương, các cụ cũng chẳng biết còn được trồng nhài đến khi nào nữa, vì nếu con, cháu bán đất thì cũng đành chịu. Chắc là hình ảnh những vườn hoa nhài với những bông hoa nhỏ xíu, trắng tinh, với hương thơm thoảng nhẹ, gắn bó với vẻ đẹp của đất Hà Thành sẽ ngày càng vắng bóng...

Tạm biệt hai cụ già làng hoa Ngọc Hà, tôi cứ thầm mong các con, cháu cụ đừng bán đất, để các cụ vẫn có niềm vui tuổi già bên những luống nhài, để những người yêu loài hoa này vẫn còn có dịp thưởng thức hình ảnh và hương thơm của một loài hoa đã từng gắn với hình ảnh của một Hà Nội êm đềm, thanh bình, xưa cũ.../.

(Chinhphu.vn/Vietnam+)